Những ngày qua, dư luận Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đề án xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch trị giá hơn 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm được thông qua.
Theo kế hoạch, nhà hát giao hưởng này có quy mô 1.700 chỗ ngồi và gồm hai khán phòng. Thời gian triển khai dự án là trong giai đoạn 2018 - 2022.
Trên thế giới cũng từng có nhiều dự án xây dựng nhà hát quy mô lớn nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Trong số này có Nhà hát Sydney của Australia. Trong quá trình xây dựng, công trình này từng đối mặt với nhiều tranh cãi trước khi trở thành biểu tượng văn hóa, du lịch của Australia được cả thế giới biết đến.
|
Nhà hát Sydney - biểu tượng nổi tiếng của Australia. |
Kiến trúc sư Jørn Utzon là người đã thiết kế Nhà hát Sydney ý tưởng độc đáo và táo bạo lấy cảm hứng từ hình tượng chiếc thuyền buồm lịch sử với những cánh buồm trắng lộng gió. Con thuyền này đã nhiều lần đưa thuyền trưởng James Cook của Anh khám phá các vùng đất mới, trong đó có Australia.
Dự án được lên kế hoạch từ cuối thập niên 1940. Quá trình xây dựng nhà hát bắt đầu vào tháng 3/1959. Ban đầu, kiến trúc sư Jørn Utzon được cấp kinh phí gần 15 triệu USD và dự kiến hoàn thành trong 18 tháng.
Tuy nhiên, vào thời điểm xây dựng nhà hát, việc hoàn thành những vỏ cong bằng bê tông cốt thép thể hiện hình cách buồm là một thử thách lớn đối với kiến trúc sư Jørn Utzon cũng như đội ngũ thi công. Do vậy, tiến độ thi công Nhà hát Sydney bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu kéo theo chi phí tăng. Điều này đã gây tranh cãi lớn trong xã hội.
Xuất phát từ điều này, năm 1966, kiến trúc sư Jørn Utzon bị thay thế bởi Peter Hall. Sau khi thay kiến trúc sư, Peter Hall thay đổi thiết kế của Nhà hát Sydney khiến thời gian thi công công trình kéo dài hơn.
Mời độc giả xem video: Nhà hát Opera Sydney kỉ niệm 40 năm khánh thành (nguồn: VTC14)
Cuối cùng, vào năm 1973, nhà hát Opera Sydney hoàn thành với kinh phí lên đến 102 triệu USD. Do bị gạch tên khỏi dự án xây dựng nhà hát Opera Sydney, kiến trúc sư Jørn Utzon thề sẽ không bao giờ trở lại Australia. Vị kiến trúc sư nổi tiếng này cho rằng những biện pháp tiết kiệm để xây nhà hát sẽ khiến ý tưởng nghệ thuật của ông không được thể hiện một cách trọn vẹn. Quả thật, sau khi khánh thành, ý kiến của kiến trúc sư Utzon dường như có một số điểm đúng khi một số người nhận xét nhiều khán phòng chật chội, cầu thang khá dốc hay chất lượng âm thanh không xuất sắc...
Dù quá trình xây dựng Nhà hát Sydney gặp một số vấn đề nhưng kể từ khi đi vào hoạt động đến nay công trình này đã từng bước trở thành một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Đặc biệt, Nhà hát Sydney được UNESSO công nhận là di sản thế giới vào tháng 6/2007.