Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Từ lâu, đoạn kể về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong Đại Nam Quốc sử diễn ca trở nên quen thuộc với người dân nước ta. Nó nhắc nhở thế hệ mai sau nhớ về chiến tích anh hùng của hai nữ anh hùng đầu tiên khởi binh chống chế độ Bắc thuộc.
Vợ chồng chung chí hướng
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh. Cha mất sớm, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị được mẹ là bà Man Thiện (cháu ngoại Hùng Vương) nuôi dạy cẩn thận, sớm hình thành tinh thần yêu nước và thượng võ.
|
Hai Bà Trưng cưỡi voi cầm quân đánh giặc. Tranh minh họa: YouTube. |
Thời đó, nhà Hán đô hộ nước ta, cử Tô Định làm thái thú Giao Chỉ - bộ phận trung tâm của nước Âu Lạc cũ. Tô Định vốn nổi tiếng tham lam, tàn bạo, gây nên bao nỗi oán thán, uất hận trong nhân dân.
Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước của Lê Văn Hảo ghi lại năm đó, Hai Bà Trưng 17, 18 tuổi. Một hôm, hai chị em đang luyện võ chợt nghe tiếng la hét ngoài trang. Trưng Nhị chạy ra xem thì biết Tô Định sai thuộc hạ Ngụy Húc bắt dân cống nạp ngà voi, sừng tê giác và lông chim quý. Vì mất mùa đói kém, dân không săn được để nộp. Hắn liền sai lính đánh đập dã man.
Trưng Nhị thấy vậy lòng đau xót, vội chạy về báo lại cho chị. Trưng Trắc bảo em: “Trong cảnh nước mất nhà tan, giặc Hán gây bao nỗi đau thương, tang tóc cho dân ta. Chị chỉ muốn đập tan ngay mọi nỗi bất bằng, diệt hết loài giặc Hán để cứu lấy muôn dân ra khỏi cảnh lầm than chứ không thể ngồi yên chốn phòng the được”.
Nghe chị nói, Trưng Nhị cũng bày tỏ ý chí cứu giống nòi, mang lại cuộc sống sung sướng cho người dân.
Nói xong, hai chị em cùng đến chỗ Ngụy Húc. Tên này thấy hai chị em xinh đẹp thì buông lời giễu cợt.
Trưng Nhị căm tức, rút mũi tiêu đeo bên mình lao về phía hắn. Ngụy Húc sợ tái xanh mặt, vội cầu xin tha mạng. Trưng Trắc can em, bắt Ngụy Húc về cảnh cáo Tô Định nếu còn gây tội ác sẽ bị trừng trị.
Tuy nhiên, Tô Định không những không bớt tàn bạo mà còn ra lệnh chém đầu Húc để hả cơn giận rồi sai Tích Lâm mang quân đến Phong Châu, bắt dân chúng nộp đủ lễ vật và bắt Hai Bà Trưng về Luy Lâu để trừng phạt.
Tích Lâm e sợ uy thế hai bà nhưng vẫn đánh đập, giết chết dân chúng để giương oai. Một số người liều mình chạy thoát, đến báo với chị em Trưng Trắc.
Nghe tin, hai bà bừng bừng lửa giận, nai nịt gọn gàng, cùng tùy tùng đến thẳng chỗ Tích Lâm, chém đầu gã, đền tội cho dân chúng.
Từ đó, Hai Bà Trưng được mọi người kính trọng, danh tiếng lan xa đến vùng Chu Diên.
Thi Sách, con trai lạc tướng Chu Diên, cũng là người quật cường và giàu lòng yêu nước. Nghe tiếng hai chị em, chàng tìm đến Mê Linh. Hai Bà Trưng vốn biết vài điều về Thi Sách nên đón tiếp niềm nở, mời chàng dự cuộc săn diệt hổ.
Khi đến gần sào huyệt thú dữ, Thi Sách xông vào đánh nhau với nó. Trong lúc con hổ mải vờn nhau với chàng, Trưng Trắc vận dụng tài bắn cung, nhanh tay bắn một mũi tên xuyên qua một mắt hổ.
Thấy nó khựng lại, Thi Sách lập tức bồi thêm hai mũi lao hiểm. Trưng Trắc chạy tới gần thú dữ trước tiên. Bà kín đáo rút mũi tên của mình, nhường chiến công lại cho chàng trai trẻ.
Tin Thi Sách giết được hổ dữ giúp uy tín chàng tăng cao, tiếng tăm càng thêm lừng lẫy. Cùng chung chí hướng chống Hán, chàng kết hôn với Trưng Vương. Cuộc hôn nhân này tập hợp thế lực hai miền đất nước, gia tăng sức mạnh chống ách đô hộ.
Giữa lúc hai nhà mưu toan nghiệp lớn, thái thú Tô Định lừa mời Thi Sách đến dự yến tiệc rồi giết ông.
Bài học về lòng yêu nước
Nợ nước thêm thù nhà khiến lòng căm thù của Trưng Trắc càng mãnh liệt. Bà cùng Trưng Nhị tiến hành chiêu binh. Tương truyền, bên bờ sông Hát, bà đã đọc lời thề quyết chiến:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vỏn vẹn sở công lênh này.
Sau một thời gian chuẩn bị, Hai Bà Trưng chính thức phát động khởi nghĩa chống nhà Đông Hán. Tuy cái chết Thi Sách là ngòi châm cho cuộc khởi nghĩa, Trưng Trắc luôn đặt nợ nước lên trên thù chồng.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại trước giờ khởi nghĩa, một người xin chủ tướng cử tang Thi Sách và mặc tang phục. Trưng Trắc nói: "Việc chiến trận phải quyền biến. Nếu ta tự làm tiều tụỵ thì nhuệ khí ắt tan theo. Ta sẽ mặc giáp phục đẹp đẽ uy nghi để dân trông thấy thì phấn khích, mà giặc trông thấy thì kinh hoàng”.
Quả vậy, khí thế của bà khiến người dân càng thêm tin tưởng. Họ nhanh chóng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Khí thế quân Hai Bà Trưng khiến kẻ địch khiếp sợ. Các viên quan cầm đầu trở tay không kịp, không dám chống cự, bỏ chạy về nước.
Thái thú Tô Định hoảng hốt, cạo tóc, trà trộn vào loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà tháo chạy thoát thân.
Hậu Hán thư (Trung Quốc) ghi lại: “Năm Kiến Vũ thứ 16 (40), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị đánh phá quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Diên, rất hùng dũng.
Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Gồm chiếm được 65 thành tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi”.
Trưng Trắc được suy tôn, xưng là Trưng Nữ Vương. Hai Bà Trưng cai trị lãnh thổ vùng Lĩnh Nam, tiếp tục chuẩn bị chống lại nhà Hán.
|
Tượng thờ Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu. |
Bà Trưng lên ngôi chưa đầy hai năm thì tháng 4.42, Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm chỉ huy đoàn quân sang xâm lược nước ta.
Trên đường tiến đến Mê Linh, quân Hán vấp phải sự chống cự quyết liệt từ quân của các nữ tướng nổi danh dưới trướng Hai Bà Trưng như Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân.
Sau khi giao chiến với quân do Trưng Vương chỉ huy, Mã Viện hao tổn rất nhiều quân, buộc phải xin thêm chi viện.
Quân Hai Bà Trưng chiến đấu dũng cảm nhưng do chênh lệch lực lượng quá lớn nên dần thất thế, phải rút lui về giữ thành Mê Linh.
Sau nhiều trận đánh quyết liệt, quân hai bà giữ thành đến tháng 5.43 thì thất thủ. Trưng Vương cùng Trưng Nhị về Hát Môn rồi tuẫn tiết giữa dòng sông Hát (về cái chết của hai bà, sử sách không ghi chép thống nhất, có tài liệu ghi Hà Bà Trưng bị tướng giặc sát hại).
Dù chị em Trưng Vương không còn, ở nhiều nơi, nghĩa quân và nhân dân vẫn tiếp tục chống giặc. Phải đến tháng 11.43, sau gần 20 tháng chiến đấu, cuộc kháng chiến chống giặc Hán của dân ta mới tạm chấm dứt. Nước ta lại rơi vào ách đô hộ.
Theo Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước, dù không giành được thắng lợi cuối cùng, Hai Bà Trưng là ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên làm rạng rỡ giống nòi Rồng Tiên.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên tổng kết cuộc đời, chiến công hai bà như sau: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, liền vung tay hô một tiếng mà khiến cho quốc thống của nước nhà có cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng đâu phải chỉ khi sống thì dựng nước xưng vương, mà còn cả ở khi chết còn có thể ngăn chặn tai họa. Phàm gặp những tai ương hạn lụt, cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả đến Trưng Nhị cũng vậy".
Sử gia nổi tiếng cũng viết: "Ấy là vì đàn bà mà có đức hạnh của kẻ sĩ, cho nên, khí hùng dũng ở trong khoảng trời đất chẳng vì thân đã chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy khí phách cương trực và chính đại đó hay sao?”.