Những năm cuối cùng của Càn Long và khởi đầu của nền cai trị độc lập
Gia Khánh thường gắn liền với cái tên Hòa Thân. Có câu nói rằng “Hòa Thân thất thủ, Gia Khánh đầy đủ”. Trên thực tế, vào thời nhà Thanh, ông là một vị hoàng đế đã bị bỏ qua trong một thời gian dài nên nhiều người cảm thấy không có gì xảy ra trong thời Gia Khánh. Trên thực tế, triều đại Gia Khánh là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ thịnh vượng sang suy tàn thời nhà Thanh.
Sau khi Càn Long thoái vị, ông tự phong cho mình là Thái Thượng Hoàng và lập con trai thứ 15 là Vĩnh Diễm làm người thừa kế ngai vàng. Càn Long chọn Vĩnh Diễm là người kế vị chủ yếu là vì ông có tài năng xuất chúng trong cưỡi ngựa và bắn tên, hiểu biết về văn hóa và thực hiện đúng nghi lễ truyền thống. Khi đó, Vĩnh Diễm đã 36 tuổi và sau khi lên ngôi, ông đổi tên thành Ngung Diễm.
Có điều, tuy Gia Khánh đã kế vị ngai vàng và trở thành hoàng đế nhưng lại không có tiếng nói. Bởi vì dù đã thoái vị nhưng Càn Long lại không chịu nghỉ ngơi, thậm chí còn điều tra ra vụ án Ngũ Lạp Nạp. Đây thực ra là một phương thức vơ vét của cải phổ biến của một số quan chức trong vương triều nhà Thanh. Bọn họ đã dùng phương thức này để vơ vét một lượng lớn của cải cho mình.
Trong đó, quan chức tham nhũng lớn nhất là Hòa Thân - vị đại thần được Càn Long trọng dụng nhất. Một mình ông ta kiêm giữ nhiều chức vụ như Lại Bộ, Thượng Thư, Hộ Bộ Thượng Thư. Hòa Thân không giống như hình ảnh mà chúng ta thấy trong phim ảnh. Ngược lại, ông ta có tướng mạo tuấn tú, ăn nói khéo léo linh hoạt, luôn có thể đoán được Càn Long đang nghĩ gì, vì vậy Càn Long đã giao phó mọi thứ có thể cho Hòa Thân.
Gia Khánh tuy là hoàng đế nhưng quyền lực luôn bị hạn chế. Càn Long vẫn có thói quen ngày đêm ngồi nghe triều chính. Ttại các buổi lên triều, Gia Khánh ngồi cạnh nghe tấu trình, nhưng ông luôn cảm thấy rất khó xử vì mọi người đều không coi trọng mình, không coi ông là Hoàng thượng, mọi chuyện vẫn bẩm tấu trực tiếp với Thái Thượng Hoàng. Gia Khánh biết Hòa Thân có vấn đề nên muốn lôi kéo em trai của Phúc Khang là Phúc Trường An, nhưng Phúc Trường An không có phản ứng gì, điều này cũng khiến Gia Khánh rất tổn thương.
Mùa hè năm 1798, Càn Long nhất quyết muốn đến bãi săn bắn Mộc Lan để săn bắn, nhưng cuối cùng buộc phải hủy bỏ do trời mưa mùa thu, vì dù sao Càn Long năm đó cũng đã 88 tuổi và không thể ra ngoài săn bắn được nữa. Vào sáng sớm ngày mùng ba tháng Giêng Am lịch năm 1799, sau khi Càn Long qua đời, Gia Khánh bắt đầu cai trị độc lập. Trong thời kỳ này, ông nhanh chóng trừng phạt Hòa Thân, liệt kê ra 20 tội lớn của Hòa Thân và tịch thu số tài sản nhiều đáng kinh ngạc của ông ta.
Khi tuyên án Hòa Thân, Gia Khánh không nghe ý kiến của các đại thần mà chỉ ban cho Hòa Thân một dải khăn trắng để tự xử, sau đó Hòa Thân đã treo cổ tự tử tại nhà và cuộc đời của ông ta kết thúc như thế.
Sau khi lên nắm quyền, Gia Khánh đặc biệt hy vọng nhận được lòng trung thành thực sự và sự kính trọng của các đại thần. Ông không muốn sống dưới cái bóng của cha mình. Ông chủ trương thực hiện hai việc. Thứ nhất là chất phác giản dị; thứ hai, thái giám và cung nữ trong cung không được tiếp xúc với các ngoại thần. Ông cũng đặc biệt lo sợ thái giám can dự vào việc triều chính, đồng thời rất quan tâm đến việc bảo vệ Tử Cấm Thành.
Đồng thời, Gia Khánh cũng rất tức giận trước sự xa hoa, lãng phí của các hoàng tử và quan đại thần. Ông nói rằng khi còn là hoàng tử, ông chỉ được phép mang theo hai người hầu theo khi ra ngoài, nhưng những vị quan đại thần lại mang theo nhiều người như vậy, gây tốn kém tiền bạc và ảnh hưởng đến công việc của dân thường. Vì vậy, ông khởi xướng việc tiết kiệm giản dị.
Mặc dù chủ trương tiết kiệm giản dị là một điều tốt, nhưng đôi khi có vẻ hơi quá. Ví dụ, Trung Quốc là nước sản xuất lụa, nhưng ông cảm thấy mặc lụa là quá xa xỉ nên đã phân phát vải bông cho binh lính và các quan đại thần, yêu cầu họ mặc quần áo bằng vải bông, không được mặc tơ luạ. Mặc quần áo bằng vải bông nhìn bề ngoài thì có vẻ rất tiết kiệm, nhưng trên thực tế, sự tằn tiện quá mức của Hoàng đế sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.
Bình định phản loạn
Bình định phản loạn có thể nói là sự kiện lớn nhất trong thời kỳ Gia Khánh, trong đó nổi tiếng nhất là cuộc nổi dậy của Bạch Liên Giáo. Bạch Liên Giáo là một lực lượng dân gian phản kháng, phục cổ. Năm 1800, Lưu Chi Hiệp, thủ lĩnh của Bạch Liên Giáo bị bắt. Để người dân chăm chỉ làm ruộng, Gia Khánh đã công khai giải thích “Mười sáu điều thánh chỉ” do Khang Hi ban hành để giáo dục đạo đức cho toàn dân.
Tiếp đó, Gia Khánh dẹp yên cuộc nổi dậy của Thiên Lý Giáo. Thiên Lý Giáo không giống như Bạch Liên Giáo. Đó là tổ chức hùng mạnh nhất và tôn vinh Thiên Lý. Cuộc nổi loạn của Thiên Lý Giáo là cuộc nổi loạn khiến Gia Khánh khiếp sợ nhất. Tháng 10/1813, các tổ chức tôn giáo hoạt động ở các khu vực Trực Lệ, Hà Nam và Sơn Đông, do hai kẻ cuồng tín cầm đầu. Mục đích của Thiên Lý Giáo không phải là chống nhà Thanh và khôi phục nhà Minh mà là chống nhà Thanh và khôi phục Đại Thuận. Đó là triều đại Đại Thuận do Lý Tử Thành thành lập.
Thủ lĩnh của Thiên Lý Giáo là một người đàn ông tên là Lê Văn Thành, tự gọi mình là “Đại Minh Đại Thuận Lý Chân Chủ”. Ông ta ban đầu là một người học nghề thợ mộc, nhưng sau đó trở thành một thầy bói chuyên nghiệp vì phát hiện ra rằng mình có khả năng truyền linh hồn và nói chuyện với ma và thần. Thiên Lý Giáo coi Mặt trời là nguồn gốc của vạn vật và là chủ nhân của vạn vật. Những gì họ dạy là câu thần chú có tám chữ “không có quê hương, không có mẹ già”. Họ cho rằng, chỉ cần có 8 chữ thần chú này thì dao súng cũng bất khả xâm phạm và thần thánh cũng không nhập vào được, ngay cả khi có ai đó dùng dao chém cũng không hề hấn gì.
Một thủ lĩnh khác của Thiên Lý Giáo là Lâm Thanh, sống ở Đại Hưng. Trên thực tế, Lâm Thanh luôn bất mãn với triều đình. Năm Gia Khánh thứ 12, ông ta bị bắt và bị bỏ tù vì tham gia Vinh Hoa Hội, nhưng vì lúc đó còn rất trẻ, mới gia nhập hội nên chỉ bị đánh một trận rồi thả về. Sau khi được thả về, Lâm Thanh được bầu làm Giáo chủ Thiên Lý Giáo.
Bởi vì Lâm Thanh sống ở thôn Hoàng, huyện Đại Hưng nên ông ta đã tìm 6 thái giám trong cung điện để làm nội gián. Sở dĩ ông ta tìm các thái giám cấp thấp là vì các thái giám cấp thấp luôn trong tình trạng bị đánh đập. Sau khi tìm được 6 thái giám, trước tiên ông ta thuyết giảng cho họ, khiến họ tin vào Thiên Lý Giáo, tin rằng họ bất khả xâm phạm và tin rằng anh em của Thiên Lý Giáo đều rất giỏi.
Mùa thu năm 1813, Gia Khánh đi săn ở bãi cỏ Mộc Lan như thường lệ. Khi đi săn, ông dẫn theo con trai thứ hai Miên Ninh, cũng là hoàng tử được ông yêu thích nhất. Nhưng vì vẫn lo lắng cho việc học của Miên Ninh nên sau hai ngày đi săn, ông đã cho về Tử Cấm Thành trước.
Tuy nhiên, chính thay đổi này của Gia Khánh tạo cơ hội tốt cho Miên Ninh được thể hiện. Khi quay về Tử Cấm Thành, Miên Ninh đã chứng kiến được cảnh các quan thái giám trong cung đang cấu kết với Thiên Lý Giáo chiêu mộ quân đội để khởi binh. Ông đã đích thân bắn chết hai người trong số họ. Sau khi mất đi những người đồng đội dũng cảm nhất, các thành viên trong giáo phái này đột nhiên mất tinh thần và rơi vào tình trạng tức giận, sợ hãi đan xen.
Cuối cùng, tất cả các tín đồ trong giáo phái đều bị bắt sống. Lâm Thanh cũng bị bắt không lâu sau đó. Có người đã tiết lộ thông tin trước về cuộc nổi dậy ở Hà Nam và Lý Văn Thành đã bị bắt rồi bị giam trong nhà tù ở huyện Hoạt, tỉnh Hà Nam. Ngày 7/9, 3.000 tín đồ của Thiên Lý Giáo đã tiến hành cướp tù huyện Hoạt, giết hai quan chức và giải cứu Lý Văn Thành. Tuy nhiên, chỉ mất khoảng hai tháng, cuộc nổi dậy đã bị dập tắt.
Sau đó, Miên Ninh được phong là Hòa Thạc Trí Thân vương. Gia Khánh đã viết một chỉ dụ kiểm điểm tội lỗi của chính mình vì ông cảm thấy mình không thể hiểu được cuộc nổi dậy này. Phải biết rằng, các hoàng đế ngày xưa coi mình là thánh. Tiêu chuẩn của một vị thánh là xung quanh mình toàn là người tốt. Tuy nhiên, thái giám trong cung đã làm một việc phản nghịch với Gia Khánh, khiến ông không thể chấp nhận đượ, vì vậy Hoàng đế Gia Khánh rất đau buồn. Tuy rằng trong chỉ dụ, ông liên tục thú nhận những sai lầm của mình, nhưng thực ra ông đang bào chữa cho mình.
Đuổi quan chức Mãn Châu về quê và tiếp đón phái đoàn Amherst của Anh
Hoàng đế Gia Khánh nổi tiếng là người siêng năng. Mỗi ngày ông phải phê duyệt hơn 100 bản tấu. Tuy nhiên, Gia Khánh không thích làm những việc lớn. Ông không muốn trăn trở suy nghĩ, mà chỉ đi phê duyệt những việc nhỏ nhặt. Các quan thần triều Gia Khánh cũng rất bất tài.
Có một năm, phía Bắc Trung Quốc xảy ra hạn hán nghiêm trọng, vì vậy người dân đề nghị Hoàng đế cầu mưa. Quang Lộc Tự Khanh (một chức quan thời nhà Thanh) đề nghị đóng tất cả các cổng thành hướng về phía Nam và ngừng sửa chữa các đường phố hướng Bắc Nam, như thế mới có mưa lớn. Gia Khánh hỏi lý do làm như vậy là gì. Quang Lộc Tự Khanh trả lời rằng tình trạng hạn hán nghiêm trọng hiện nay là do âm dương mất cân bằng, nên phải làm theo phương pháp cân bằng âm dương. Tuy nhiên, Gia Khánh cũng là người hiểu biết nên đã mắng ông ta một trận.
Năm 1813, Gia Khánh đã làm được một việc lớn là cấm người Mãn và người Hán kết hôn với nhau, bởi vì những người được gọi là quý tộc đeo đai đỏ (anh chị em và con cái của vua) và đeo đai vàng (các cháu và anh em họ hàng của vua) không có kế sinh nhai. Họ không biết cách kiếm tiền, không biết quản lý tài chính, nhưng lại rất giỏi ăn chơi hưởng lạc, nên nhanh chóng trở thành những người không biết cưỡi ngựa mà chỉ biết chơi chim, chọi dế và ca hát nhảy múa. Khi không có tiền, họ tìm cách kết hôn với những doanh nhân giàu có người Hán. Rất nhiều người Mãn và người Hán đã kết hôn với nhau, từ đó nhiều người Mãn Châu đã đánh mất địa vị.
Biết được điều đó, Hoàng đế Gia Khánh rất không vui. Ông ấy cảm thấy người Mãn trước đây rất giỏi chiến đấu, nhưng bây giờ lại trở nên quá vô dụng như thế và điều này quả thực không thể chấp nhận được. Vì vậy, ông đã ban hành một chỉ dụ không cho phép người Mãn và người Hán kết hôn với nhau. Tuy nhiên, điều này đã bị người Mãn Châu phản đối. Những con cháu người Mãn Châu này đều cho rằng dù sao thì họ cũng không có công ăn việc làm và từ trước tới giờ đều dựa vào lộc bổng của tổ tiên để nuôi gia đình. Bây giờ, con đường tài lộ duy nhất lại bị cấm, thì phải làm thế nào? Vì vậy, họ bắt đầu tiếp tục đập phá, ăn chơi hưởng lạc.
Gia Khánh thấy con cháu trong dòng tộc Mãn Châu này ngày càng sa ngã. Trước đây khi có tiền, họ ăn chơi xa hoa, bây giờ không có tiền thì họ cũng vẫn ăn chơi trác táng và đập phá mọi thứ. Chứng kiến cảnh này, Gia Khánh cho rằng nếu tiếp tục như vậy sẽ hủy hoại họ. Vì vậy, Gia Khánh quyết định cho họ trở về quê hương, xây dựng một thành phố mới bên ngoài cổng phía đôngThịnh Kinh, ban cho mỗi người một ngôi nhà để ở và để họ học lại cách sống của tổ tiên là trồng trọt, săn bắn, làm ăn buôn bán...
Tiếp đến, lại có một sự kiện lớn khác diễn ra. Phái đoàn Amherst của Anh đến thăm Trung Quốc. Trên thực tế, vào thời vua Càn Long, phái đoàn Macartney đã đến thăm Trung Quốc. Lúc đó, Gia Khánh ở bên cạnh Càn Long đã chứng kiến toàn bộ quá trình. Năm 1808, người Anh quay trở lại lần nữa. Phái đoàn này gồm hơn 70 người, hoành tráng khởi hành từ Vương quốc Anh, đi qua Quảng Châu đến Thiên Tân. Đến ngày 6/8, phái đoàn đến Thiên Tân, do thời tiết nắng nóng nên mọi người đều vô cùng mệt mỏi và ở trong tình trạng mất nước nhẹ.
Ngày 9/8, phái đoàn thả neo gần Đường Cô, Thiên Tân. Gia Khánh đã công khai tuyên bố cho phép họ đến Trung Quốc, đồng thời bổ nhiệm hai Khâm sai đại thần của triều đình chịu trách nhiệm tiếp đón phái đoàn Anh. Trong buổi chiêu đãi, quan chức Trung Quốc yêu cầu người Anh thực hiện nghi thức ba cái cúi đầu và chín cái lạy, nhưng người Anh kiên quyết không đồng ý. Họ muốn hôn và bắt tay nhưng quan chức Trung Quốc cho rằng điều đó quá ghê tởm và hai bên đã rơi vào tình trạng bất hòa, bế tắc trong một thời gian dài.
Thời gian trôi qua từng ngày, Gia Khánh cho họ một thời hạn, nếu họ nghe theo lời khuyên và sẵn sàng quỳ ba lần và lạy chín lần, họ sẽ được đưa đến Hải Điện gần vườn Viên Minh. Ngày 28/8, Gia Khánh triệu kiến hai người đến điện Cần Chính trong vườn Viên Minh rợp bóng cây kiến giá. Sáng ngày 29/8, phái đoàn phải đến bái kiến Gia Khánh.
Vào lúc bình minh, phái đoàn đã đến chỗ hẹn ở Hải Điện. Đó là một căn phòng cũ nát trong vườn Viên Minh. Đây là căn phòng nơi chuyên dùng để làm nơi chờ để vào tiếp kiến nhà vua. Phái đoàn Amherst vừa bước vào phòng đã nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài. Thì ra là các bối lạc, công tước, các hoàng tử và các quan đại thần đến xem náo nhiệt. Đến lúc này thì phái đoàn Amherst đã rất tức giận và họ đã không nhịn được nữa mà bắt đầu la mắng những người này.
Sau đó, Hòa Thế Thái vội vàng đi bẩm báo với Hoàng đế rằng tất cả các sứ thần đều bị bệnh. Hoàng đế Gia Khánh đã cử thái y đến để khám cho họ, nhưng khi thái y khám xong thì phát hiện họ đã hoàn toàn bình thường. Lòng tự tôn của Hoàng đế bị tổn thương nặng nề nên đã ra lệnh cho họ quay trở về nước, đồng thời trực tiếp ra lệnh hồi hương phái đoàn Anh. Phái đoàn Amherst đã không được tiếp kiến Hoàng đế mà ra về với một số lễ vật do Hoàng đế ban tặng.
Vị hoàng đế tiết kiệm
Từ thánh chỉ của triều đình do Gia Khánh ban hành vào ngày sinh nhật thứ 60 của ông, chúng ta có thể thấy rằng thông điệp, định kiến và thói quen của ông không thay đổi nhiều kể từ khi ông lên ngôi. Chỉ dụ ban hành khi ông mới lên ngôi nói rằng không được tặng ngọc Như Ý nữa vì điều đó là quá lãng phí tiền bạc. Chỉ dụ ban hành vào ngày sinh nhật thứ 60 của ông vẫn là yêu cầu mọi người không tặng ngọc Như Ý làm quà. Dường như cả đời ông chỉ loanh quanh với mấy việc nhỏ nhặt này.
Khi Gia Khánh nắm quyền, đó là thời kỳ rất yên bình của nhà Thanh. Tất cả các nước nhỏ xung quanh đều đầu hàng trước thời kỳ hoàng kim của Khang Hy và Càn Long, còn Gia Khánh đã hoàn thành việc xây dựng cuối cùng của vườn Viên Minh, sửa chữa các bức tường thành ở Bắc Kinh, đồng thời cũng sửa chữa hai ngôi đền thờ Khổng Tử ở Sơn Đông…
Ông là một vị vua thực hiện nghiêm khắc lòng hiếu thảo và tư tưởng phiếm thần luận. Chẳng hạn như, ông sẵn sàng thờ thần núi và sẵn sàng tin vào Long Vương. Trong hơn 20 năm sau khi lên ngôi, dân số của triều nhà Thanh đã tăng thêm 49 triệu người. Ông thường xuyên ban hành chính sách giảm thuế và cứu trợ người dân nghèo đói. Sở dĩ ông tiết kiệm như vậy là để người dân không bị chết đói. Ông được coi là một vị hoàng đế có tấm lòng lương thiện, vì thường xuyên cứu trợ cho dân chúng và điều quan trọng hơn nữa là ông không thích chiến tranh.
Một điều khác cũng phản ánh lòng tốt, từ bi của Gia Khánh là vào thời Đông Lăng và Tây Lăng của nhà Thanh, xung quanh vườn thượng uyển của Hoàng gia có dựng nhiều cọc gỗ có nhiều màu sắc khác nhau để đánh dấu phạm vi những khu vực mà người dân thường bị cấm không được vào. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh, diện tích đất canh tác không đủ, nên người dân thường trèo qua những cọc gỗ này để vào canh tác.
Nếu việc này bị xử lý theo pháp luật thì người dân sẽ phải trả một cái giá tương ứng, tức là sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, sau khi Gia Khánh biết được tình hình, lý do người dân vượt qua cọc gỗ chỉ để vào làm ruộng nên ông nghĩ ra một cách, đó là dời những cọc gỗ vào sâu hơn một chút để giải phóng thêm đất cho người dân canh tác.
Miếu hiệu của Gia Khánh là "Nhân Tông Hoàng đế", thời nhà Tống có Tống Nhân Tông, triều Thanh có Thanh Nhân Tông, ông cũng không hổ thẹn khi nhận chữ “Nhân” này. Ngày 6/10/1819, Gia Khánh mừng đại thọ 60 tuổi tại cung Càn Thanh. Tháng giêng năm 1820, em trai út của ông là Vĩnh Lân bị bệnh, không lâu sau thì qua đời.
Sau khi ngự đệ qua đời, Gia Khánh đến Đông Lăng tế tổ. Lúc tế tổ ở Đông Lăng, một mình ông ở trong phòng nhỏ cảm khái. Trước kia mỗi lần tế tổ, đều là Vĩnh Lân ở bên cạnh ông, còn hiện tại chỉ còn lại một mình, ông cảm thấy cô đơn một bóng. Hoàng Thái Cực, Ung Chính đều chết vì trúng gió. Gia Khánh cũng vậy, ông trúng gió ngày 23/7/1820. Tới ngày 24 thì bệnh tình nặng thêm và đến ngày 25 thì ông qua đời.
Sáu ngày sau khi Gia Khánh băng hà, thi hài của ông được an nghỉ. Lúc này, thời gian đã trở nên không còn quan trọng nữa. Xe chở quan tài của ông đã phải đi mất 10 ngày đường mới tới được Bắc Kinh và 8 tháng sau đó được chôn cất tại Xương Lăng. Niên hiệu Gia Khánh là do Càn Long ban cho, tượng trưng cho sự thịnh vượng của đất nước và hòa bình của người dân.