Trận thắng cuối cùng: Vừa ngủ vừa... hành quân

Google News

(Kiến Thức) - Khi xe dừng, mỗi xe là một bếp ăn. Khi gặp địch, mỗi xe là một phân đội chiến đấu. 

Tháng 4 ở Trường Sơn đã là cuối mùa khô. Trời nóng, cát bụi ngập một phần bánh xe. Hàng trăm xe nối đuôi nhau đi như trong một dòng sông bụi khổng lồ. Bộ đội ngủ ngay trên xe. 
Xốc tới theo tinh thần của Đại tướng
Mỗi xe là một phân đội nhỏ, quản lý, giúp đỡ nhau về mọi mặt. Khi xe dừng, mỗi xe là một bếp ăn. Khi gặp địch, mỗi xe là một phân đội chiến đấu. Bị tắc đường, từng đơn vị tự khắc phục để thông đường nhanh nhất. Xe nào hỏng, nhường đường cho xe sau vượt lên. Mỗi xe có hai lái xe để thay nhau chạy liên tục từ 18 - 20 giờ một ngày. Thiếu nước cho xe thiết giáp, cả Lữ đoàn công binh 209 chịu khát, dồn các bi đông nước của người cho xe. Gặp đoạn đường lầy do mưa lớn và mạch nước ngầm gây nên trên đỉnh đèo Nứa, các chiến sĩ công binh Trung đoàn  27 do anh hùng Nguyễn Huy Hiệu làm Trung đoàn trưởng, lập tức mở một con đường vòng qua bãi lầy ngay trong đêm.
Ngày 7/4/1975, quân đoàn nhận được điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ từng phút; xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng”.
Ngắn gọn như một mệnh lệnh chiến đấu, có vần điệu, dễ nhớ, dễ thuộc, mệnh lệnh hành quân lập tức được truyền đến từng chiến sĩ. Trên thành xe, trên mũ, trên thân cây dọc đường... Mệnh lệnh được viết thành khẩu hiệu thôi thúc cán bộ, chiến sĩ hành quân thần tốc hơn nữa ra mặt trận. Tốc độ hành quân không ngừng tăng lên, nhiều ngày đạt tới 150km.
Tran thang cuoi cung: Vua ngu vua... hanh quan
 Ảnh tư liệu.
Vừa chiến đấu, vừa hành quân
Ngày 13/4, Sư đoàn 320B và sở chỉ huy nhẹ của quân đoàn đến Đồng Xoài. Hai ngày sau, toàn bộ quân đoàn tới vị trí tập kết. Tại đây, Tỉnh ủy Bình Dương, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng địa bàn; dự trữ lương thực, giúp quân đoàn nhanh chóng củng cố lực lượng, nắm tình hình địch và địa hình, chuẩn bị bước vào chiến đấu.
Như vậy, chỉ trong 15 ngày đêm, Quân đoàn 1 với đầy đủ vũ khí, phương tiện chiến đấu đã hoàn thành cuộc hành quân thần tốc đường dài gần 2.000km phần lớn là đường núi, chiếm lĩnh địa bàn tiến công Sài Gòn từ hướng Bắc đúng thời gian quy định.
Ngày 1/4, khi Quân đoàn 1 xuất phát từ Tam Điệp thì Quân đoàn 2 cũng được lệnh dời TP Đà Nẵng giải phóng, hành quân thần tốc theo đường số 1 tiến về phía Đông Nam Sài Gòn. Lúc này, một số đơn vị binh chủng của quân đoàn đang nằm rải rác trên các đường số 14, 73, 74. Tiểu đoàn 3 pháo binh Lữ đoàn 164 còn ở Khe Sanh (Quảng Trị). 
Xe vận tải của quân đoàn và xe của Sư đoàn 571 Ô tô Đoàn 559 do Bộ tăng cường chỉ đủ cơ động hai phần ba số quân. Đường số 1 từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc thuận tiện cho cơ giới, nhưng có tới 569 cầu, 588 cống, trong đó có 14 cầu bắc qua sông lớn. Các cầu Cao Lâu, Bà Rén, Hương An, Kế Xuyên, Bà Bầu, An Tân và nhiều cầu nhỏ khác đã bị địch đánh sập. Từ Phan Rang trở vào, lực lượng địch còn đông, bố trí thành những cụm phòng thủ mạnh, phối hợp cả bộ binh, không quân, hải quân để ngăn chặn ta. 
Khắc phục những khó khăn đó, Bộ Tư lệnh quân đoàn chủ trương dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân vùng mới giải phóng, tận thu vũ khí, phương tiện vận chuyển của địch, vừa chiến đấu, vừa hành quân, nhằm bảo đảm tới đích đúng thời gian Bộ quy định và đến vị trí tập kết có thể tham gia chiến dịch được ngay.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu

>> xem thêm

Bình luận(0)