Về trận thua Chiêm Thành, người đời sau trách Vua Trần Duệ Tông chủ quan, khinh địch, không coi trọng lời can ngăn của các bậc trung thần nên chuốc họa vào thân. Nhưng xét về mặt nhân quả không thể không vạch ra cái nguyên nhân ban đầu để nhà vua phải lâm nạn là tội trạng của tên quan tham nhũng Đỗ Tử Bình, kẻ vừa chiếm đoạt 10 mâm vàng và nói dối vua.
Vua tử trận
Mùa xuân năm Đinh Tỵ (1377), đạo quân của Trần Duệ Tông tiến đến cửa bể Thị Nại (nay là cảng Quy Nhơn). Chế Bồng Nga thì đóng quân trong thành Đồ Bàn (nay thuộc tỉnh Bình Định). Chế Bồng Nga dùng kế trá hàng. Ông ta cho một viên quan nhỏ giả đầu hàng đến cửa bể Thị Nại trình với Duệ Tông rằng, Chế Bồng Nga thấy mình yếu kém đã lo sợ mà bỏ thành Đồ Bàn chạy trốn, thành quách đều bỏ trống.
Trong lúc đó, Chế Bồng Nga cho bố trí quân lính phục kích tại các điểm xung yếu và sẵn sàng chờ quân của vua Duệ Tông tràn vào. Vua Trần Duệ Tông tưởng thật, truyền lệnh tiến quân vào chiếm Đồ Bàn. Lúc ấy tướng quân Đỗ Lễ can ngăn nhà vua: "Nó đã chịu hàng, ý muốn được vẹn nước là hơn cả. Quan quân vào sâu mà đánh thành là bất đắc dĩ... Cổ nhân nói: Lòng giặc khó lường, xin hãy cho một biện sĩ cầm mệnh thư đến hỏi tội để dò xem tình hình hư thực của giặc...".
Nhưng nhà vua không nghe, còn nói "Ta mình mặc giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại, đó là trời giúp. Huống chi nay vua giặc nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại. Cổ nhân nói Dụng binh quý ở nhanh chóng. Nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy...". Rồi cứ hăm hở tiến quân vào thành Đồ Bàn.
Quân ta tiến đến đâu đều bị quân của Chế Bồng Nga phục kích, trận chiến diễn ra hết sức ác liệt. Chỉ trong khoảng 1 giờ là quan quân tan vỡ, Vua Trần Duệ Tông bị tử trận, cả ba vị đại tướng khác của nhà Trần trong đó có Đại tướng Đỗ Lễ cũng bị hy sinh, quân lính tan tác tìm đường thoát thân. Lúc đó, Đỗ Tử Bình lĩnh hậu quân nhưng không đem quân ứng cứu nên thoát chết. Về chuyện này ông bị xử tội, bị ngồi xe cũi chở về. Qua phủ Thiên Bình, nhân dân tranh nhau lấy gạch ngói ném vào mà chửi. Về đến kinh sư, Đỗ Tử Bình bị trị tội, nhưng miễn cho tội chết, về sau lại được vua Trần Nghệ Tông cho phục chức.
|
Ảnh minh họa. |
Tội ác chưa bị phát hiện
Nhắc lại chuyện xưa, người đời sau trách Vua Trần Duệ Tông chủ quan, khinh địch, không coi trọng lời can ngăn của các bậc trung thần nên chuốc họa vào thân. Nhưng xét về mặt nhân quả không thể không vạch ra cái nguyên nhân ban đầu để nhà vua phải lâm nạn là tội trạng của tên quan tham nhũng Đỗ Tử Bình, kẻ vừa chiếm đoạt 10 mâm vàng và nói dối vua. Đó chính là cái mồi dẫn đến họa lớn cho đất nước.
Tiếc rằng tội ác của Đỗ Tử Bình ngay trong thời nhà Trần vẫn chưa được phát hiện và Đỗ Tử Bình vẫn tiếp tục làm quan to, được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phong làm Nhập nội hành khiến tả tham tri chính sự, lĩnh chức Kinh lược sứ Lạng Giang, cho đến khi nhà Trần suy vi. Sau khi vua Trần Duệ Tông tử trận, quân Chế Bồng Nga thừa thắng làm mưa làm gió mấy năm liền, đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa, có lúc còn đốt phá cả kinh thành Thăng Long (năm Quý Hợi 1383).
Nhà Trần suy thoái có nhiều nguyên nhân và trên nhiều mặt, trong đó tệ nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan lại và quý tộc là một phần quan trọng gây ra bất mãn trong quần chúng nhân dân, mâu thuẫn trong triều đình, giữa các quan đại thần với nhau góp phần với các nguyên nhân khác dẫn tới bước tiêu vong của nhà Trần vào năm Canh Thìn (1400).