Trong các tác phẩm của nhà văn Kim Dung, Thiếu Lâm và Tiêu Dao là hai môn phái đỉnh cao nhất của giới võ lâm. Cuộc giao tranh giữa hai môn phái này luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của những người hâm mộ.
Hãy cùng so sánh sức mạnh của Tiêu Dao và Thiếu Lâm nhé!
Tiêu Dao phái
Tiêu Dao phái là một trong những môn phái xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ. Người sáng lập ra phái Tiêu Dao là một vị cao thủ tên Tiêu Dao Tử. Tiêu Dao Tử là một trong những nhân vật có võ công và nội lực cao nhất trong các bộ tiểu thuyết của Kim Dung. Ông tự mình sáng tạo ra tuyệt học riêng và truyền lại cho ba người đệ tử. Ngoại trừ Hư Trúc, đệ tử của phái Tiêu Dao đều là những người có trí tuệ siêu phàm, dung mạo thoát tục, khí khái bất phàm và đặc biệt đều là những cao thủ đệ nhất thiên hạ, một mình có thể khiến cả võ lâm rung chuyển.
Không chỉ có các đệ tử, những bí kíp võ công của phái Tiêu Dao cũng thuộc hàng độc nhất vô nhị, kỳ dị và lợi hại bậc nhất trong tất cả các bộ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Cũng vì sự kỳ dị, bác đại tinh thâm và độc đáo của võ công của phái Tiêu Dao mà người trong giang hồ không có cách nào hóa giải được.
Ví dụ như Bắc minh thần công có đặc tính nội lực càng mạnh thì lực hút càng lớn, nếu nội lực của địch hơn ta thì rất nguy hiểm khi hấp thụ, càng tích luỹ nội lực sẽ càng dày đặc. Đoàn Dự là một trong những người may mắn nhờ môn võ công này mà từ một thư sinh yếu ớt thành cao thủ sở hữu nội lực thâm hậu.
Bát hoang lục hợp duy ngã độc tôn là một môn võ công quái đản nhất trong Thiên long bát bộ. Người luyện sẽ có một chu kỳ sống tuần hoàn, cứ cách 30 năm phải trùng sinh một lần. Tổng lượt sẽ có 9 - 10 lần như thế, sau mỗi lượt sẽ có một khoảng thời gian giãn cách bị mất hết công lực (giai đoạn tán công). Sau khi phục hồi thì công lực đại tăng, lại có thể trường thọ (có thể sống đến gần 300 tuổi) và bất lão. Thiên Sơn Đồng Lão chỉ mới luyện đến chu kỳ thứ 2 đã bá chủ một phương, giết người không cần đến 2 chiêu.
Tiểu vô tướng công là loại võ công không có hình hài, lấy nội công của mình để sao chép cách thức thi triển tất cả các tuyệt học trên thế gian với uy lực thậm chí còn mạnh hơn nguyên bản. Hư Trúc, Cưu Ma Trí luyện được Tiểu vô tướng công mà dễ dàng thi triển 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm.
Ngoài ra, Tiêu Dao phái còn nổi tiếng với Sinh tử phù là môn ám khí đặc dị do Thiên Sơn Đồng Lão sáng chế. Khi bị trúng "Sinh Tử Phù" thì cơ thể sẽ ngứa ngáy đến không thể chịu nổi. Nếu không dùng thuốc giải đặc chế của "Linh Thứu Cung" thì sẽ vật vã khổ sở, muốn sống không được, chết cũng không xong. Chính nhờ "Sinh Tử Phù" này mà "Thiên Sơn Đồng Lão" đã chi phối 36 động, 72 đảo.
Thiếu Lâm phái
Thiếu Lâm là môn phái được nhắc đến nhiều nhất trong bộ các bộ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Thiếu Lâm được xem là cái nôi của võ học Trung Hoa, vốn được biết đến với câu nói: "Thiên hạ võ công xuất Thiếu Lâm". Môn phái này sở hữu một kho tàng bí kíp võ công nhiều không sao kể hết. Theo truyền thuyết của Phật giáo, Đạt Ma sư tổ đã vượt sông Trường Giang đi đến chùa Thiếu Lâm. Tại đây, ông đã thiền định trong chín năm liền. Thiếu Lâm nổi tiếng với chiêu Dịch Cân kinh, La Hán Thập Bát Thủ.
Nhắc tới Thiếu Lâm phái, không thể không nhắc tới Cửu Dương Thần Công, môn nội công mạnh nhất thiên hạ.
Nội lực của Cửu dương thần công có thể hóa giải được những nguồn nội công mang tính âm hàn như Huyền minh thần chưởng hay Huyễn âm chỉ, đồng thời phản kích lại tỉ lệ thuận với độ mạnh của lực tấn công bên ngoài. Ngoài ra, Cửu Dương thần công còn có thể giúp người luyện hoán gân chuyển cốt, khiến cơ thể bách độc bất xâm.
Trương Vô Kỵ nhờ Cửu Dương Thần Công mà tập luyện hết 6 tầng Càn Khôn Đại Nã Di chỉ trong vài canh giờ. Đây là bộ bí kíp nội công tâm pháp mạnh nhất trong các bộ tiểu thuyết võ hiệp giúp người luyện có nội lực thâm hậu tột đỉnh, không có điểm dừng.
Thiếu Lâm cũng là nguồn gốc giúp nhiều vị cao thủ trở thành đệ nhất tông sư trong thiên hạ, trong đó nổi bật nhất là sáng tổ phái Võ Đang Trương Tam Phong và tổ sư phái Nga Mi Quách Tương.
Võ công của Thiếu Lâm gắn liền với tên tuổi những cao thủ đệ nhất. Vô Danh Thần Tăng – người duy nhất tinh thông 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm trở thành một trong những bậc cao thủ mạnh nhất trong các bộ tiểu thuyết.
So sánh Thiếu Lâm phái và Tiêu Dao phái
Tiêu Dao phái dù sở hữu các môn võ công đệ nhất thiên hạ nhưng khi giao tranh với Thiếu Lâm phái thì bên nào sẽ chiến thắng?
Theo nhà văn Kim Dung, ngay từ lúc đặt tên cho Tiêu Dao phái, ông đã có lựa chọn môn phái nào mạnh hơn. Trước hết, đúng như tên gọi của môn phái là Tiêu Dao nghĩa là tự do tự tại, thong thả đây đó. Vì vậy, các đệ tử của phái Tiêu Dao thường yêu thích cuộc sống phiêu du, không ràng buộc, không gò bó, bay bổng như những lãng khách. Do sự phân tán của các đệ tử, phái Tiêu Dao không có tổng đà ở một vị trí địa lý cụ thể nào.
Ngược lại, quân số hùng hậu của Thiếu Lâm chắc chắn là vượt xa Tiêu Dao phái. Cho dù là đệ tử hay các đại sư đều đã được rèn luyện trong một thời gian dài nên họ đều có nội lực và võ công vô cùng mạnh.
Ngoài ra, Tiêu Dao phái rất kén chọn trong việc tuyển chọn môn hạ. Điều kiện cần và đủ của môn phái này là người muốn được chọn phải có thiên phú bẩm sinh về võ học, có căn cốt hơn người, thông minh đĩnh ngộ để có thể tiếp thu trọn vẹn mọi sở học của tổ sư Tiêu Dao Tử. Hơn nữa nếu chú ý, bạn sẽ thấy các đệ tử của Tiêu Dao phái đều là những người có vẻ ngoài thần tiên thoát tục. Nam phải có phong thái như ngọc thụ lâm phong (cây ngọc trước gió), đường hoàng uy vũ, nữ phải thuộc dạng mỹ nhân băng thanh ngọc khiết, xinh đẹp thoát trần. Yếu tố này quả thực rất hiếm người đạt được.
Thiếu Lâm lại có cơ cấu tổ chức hợp lý, nội quy rõ ràng. Ngoài ra, Thiếu Lâm cũng có nhiều cao thủ ẩn danh như Vô danh thần tăng, Không Kiến thần tăng, Giác Viễn đại sư, Phương Chứng đại sư…
Do đó, theo Kim Dung dù Tiêu Dao phái để nhiều dấu ấn trong giới võ lâm nhưng xét về sức mạnh võ công thì vị thế của Tiêu Dao còn kém xa Thiếu Lâm phái. Sau khi kết quả này được công bố, trên các diễn đàn của Sina, Sohu đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra. Nhiều người bày tỏ sự bất ngờ đối với lựa chọn của tác giả. Đến nay, những cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết.