Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Phan Kỳ: "Nhà khoa học" ở chiến trường

Google News

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Phan Kỳ, nguyên Trưởng ban Đường lối và Học thuyết quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng vẫn giữ được phong thái cẩn trọng, tỉ mỉ và một trí nhớ mẫn tiệp.

Những kỷ niệm chiến trường vẫn đau đáu trong ký ức của một nhà khoa học quân sự đầu ngành đã ở vào ngưỡng tuổi đại thọ.
Giáo sư Bùi Phan Kỳ sinh năm 1926 tại làng Liên Bạt, tổng Xà Cầu, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội). Thời thanh niên, Bùi Phan Kỳ tích cực tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, vận động nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sự kiện đầu tiên mang tính bước ngoặt trong cuộc đời của Giáo sư Bùi Phan Kỳ là khi được chuyển công tác từ Tỉnh ủy Hà Nam về Bộ tư lệnh Liên khu 3 năm 1950 theo yêu cầu của cấp trên. Từ đó, ông trở thành một người lính, rồi được giao đảm nhiệm các chức vụ khác nhau, từ cán bộ của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đến chỉ huy cấp trung, sư đoàn.
Thieu tuong, Giao su Bui Phan Ky:
Ở tuổi 97, Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Phan Kỳ vẫn rất minh mẫn. 

Thieu tuong, Giao su Bui Phan Ky:
Giáo sư Bùi Phan Kỳ kể lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh: KHÁNH AN 
Giáo sư Bùi Phan Kỳ kể rằng, ngay trong thời gian làm việc tại Cục Tuyên huấn (từ 1958 đến 1965), ông đã say mê nghiên cứu về các vấn đề lý luận khoa học và văn hóa quân sự. Cuốn sách đầu tiên “Chiến tranh và Quân đội” do ông biên soạn từ năm 1958, trình bày những vấn đề lý luận cơ bản để phục vụ công tác giáo dục trong toàn quân. Trong suốt những năm làm Phó chính ủy rồi Chính ủy ở các đơn vị, nhà trường quân đội, ông Bùi Phan Kỳ trở thành cán bộ dày dạn, bản lĩnh trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng và tổng kết chiến tranh. Tháng 4-1978, ông được điều về Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng) theo đề nghị của Trung tướng, Viện trưởng Hoàng Minh Thảo (sau này là Thượng tướng). Đây được xem là bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời, để ông có điều kiện vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học. Năm 1986, ông là một trong 15 cán bộ đầu tiên được Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định đặc cách phong học hàm giáo sư và phó giáo sư do những đóng góp đối với ngành Khoa học quân sự nước nhà.
Thieu tuong, Giao su Bui Phan Ky:
 Ông Bùi Phan Kỳ chụp ảnh cùng gia đình trước khi đi B. Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhớ lại những ngày tháng đi B, Giáo sư Bùi Phan Kỳ kể: “Năm 1968, tôi được điều động vào chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên. Dù khi ấy, bàn tay trái đang bị thương phải băng bó nhưng tôi vẫn dặn dò anh em trong đơn vị không báo cáo lên cấp trên, bởi không muốn bị hiểu lầm là thoái thác nhiệm vụ”. Vội vã chia tay vợ con (khi ấy đang tản cư ở Thái Bình), ông Bùi Phan Kỳ ra Hà Nội, rồi hành quân đi B. Vào đến Quảng Bình, ông mới biết mình được cử vào chiến trường Trị Thiên để bổ sung lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Cùng đoàn chiến sĩ vượt sông Bến Hải, tiến vào Thừa Thiên, do bị cận thị, phải đeo kính, ông Kỳ gặp không ít khó khăn trong việc hành quân. Dù vậy, ông vẫn luôn quyết tâm vượt mọi gian khổ. Giáo sư Bùi Phan Kỳ nhớ lại: “Ngay từ những ngày đầu tiên nhập đoàn, tôi đã học theo các anh em người dân tộc thiểu số về cách hành quân trong rừng. Bất kể loại rau hay loại động vật nào có thể ăn thì chúng tôi đều ăn hết, không được lựa chọn”. Ông đọc thêm tài liệu tiếng Anh của tình báo Mỹ dạy cách lựa chọn rau rừng, cách chặt thân cây để vắt nước uống. Ông phát hiện ra rằng, tất cả những gì con kiến và con sâu ăn được thì người cũng ăn được. Kinh nghiệm này được ông vận dụng và chia sẻ cho các anh em trong suốt những năm tháng kháng chiến.
Vào tới Thừa Thiên, ông Bùi Phan Kỳ mới biết đoàn của mình đã bị lỡ những trận chiến quyết liệt trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ông được cử làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu, tiến hành tổng kết những trận đánh trong chiến dịch. Ông phải đề nghị các chiến sĩ tường thuật lại diễn biến trận đánh rồi ghi chép lại cẩn thận.
Tháng 12-1968, ông Bùi Phan Kỳ được điều về làm Phó chính ủy Sư đoàn 324, đóng quân ở miền Tây Thừa Thiên.
Từ sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, địch tổ chức nhiều trận đánh lớn nhằm vào Quân Giải phóng. Riêng ở miền Tây Thừa Thiên, Mỹ dồn lực xây dựng nhiều căn cứ quân sự hòng ngăn chặn đường vận chuyển của bộ đội ta từ Bắc vào Nam, quan trọng nhất là Căn cứ hỏa lực Ripcord (ta gọi là cao điểm 935) ở phía bắc thung lũng A Sầu. Bên cạnh đó, địch cũng rải quân xuống nhiều điểm cao, biến Ripcord thành căn cứ hỏa lực rất vững chắc.
Trước tình hình ấy, Sư đoàn 324 (Sư đoàn Ngự Bình) được giao nhiệm vụ chính trong việc tiêu diệt cao điểm 935. Với phương châm “làm chủ rừng núi, giữ vững giáp ranh, tiến về đồng bằng”, Bộ chỉ huy Sư đoàn 324 quyết định thực hiện chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” để “nhổ” căn cứ Ripcord. Chiến thuật này buộc Mỹ phải đưa lực lượng đến giải tỏa từng điểm cao, tạo cho ta cơ hội tiêu hao lực lượng đối phương và làm lung lay hệ thống phòng thủ giáp ranh, tiến tới tiêu diệt toàn bộ căn cứ và mở cửa xuống đồng bằng khi có thời cơ.
Trên cương vị Phó chính ủy Sư đoàn 324, Trung tá Bùi Phan Kỳ không chỉ quan tâm chăm lo đời sống vật chất, động viên tinh thần chiến sĩ, mà rất chú trọng đến nghệ thuật quân sự. Ví như việc xác định tọa độ đánh địch. Lý thuyết xác định tọa độ cao điểm là sử dụng bản đồ và la bàn, nhưng quân ta thực hành rất khó đạt kết quả chính xác. Có khi quân ta bố trí phục kích địch ở một cao điểm đã được xác định tọa độ, nhưng vẫn không trúng nơi mà quân Mỹ đi qua. Ông Kỳ nghiên cứu thấy rằng, từ số liệu ta tính toán đến thực tế có sự chênh lệch. Đi sâu tìm hiểu, ông nhận thấy: Tọa độ theo bản đồ của Pháp có sự chênh lệch so với bản đồ của Mỹ. Quân đội ta sử dụng bản đồ của Pháp, dẫn đến việc xác định không đúng tọa độ. Từ ấy, quân ta mới tìm được phương pháp xác định tọa độ chính xác để đánh địch.
Giáo sư Bùi Phan Kỳ kể rằng, bấy giờ, Mỹ cho trực thăng chụp ảnh mặt đất hàng ngày, dù các hầm trú ẩn của ta được ngụy trang cẩn thận nhưng nhiều khi vẫn bị trúng bom. Mỹ đánh ta từ phía Nam, còn ta đánh từ phía Bắc; pháo của địch rất mạnh, nhưng chỉ nổ từ hướng đông. Ông Kỳ chỉ đạo đơn vị đào hầm ở những nơi có độ dốc lớn, đắp hầm có sườn quay lưng về hướng bắn của địch, chiều dày của hầm có thể chịu được các loại pháo khác nhau. Đơn vị của ông còn tận dụng những ngôi nhà bỏ hoang và đào hầm bên trong nhà, ít khi bị máy bay địch phát hiện.
Khi dừng chân ở suối để tắm hoặc nấu cơm, nhiều chiến sĩ ta thương vong vì bị trúng bom, pháo của địch. Ông Bùi Phan Kỳ nghiên cứu và nhận thấy, quân Mỹ dựa trên căn cứ khoa học, không phải tự nhiên ném bom vào chỗ quân mình. Từ thể lực trung bình của chiến sĩ ta cũng như khối lượng quân tư trang, địch tính ra khoảng cách giữa các lần hành quân, địa điểm dừng nghỉ để đánh bom. Nhưng trước khi thả bom, quân đội Mỹ luôn thông báo cho biệt kích và các loại máy bay tầm thấp di chuyển khỏi những điểm đó. Ông Bùi Phan Kỳ chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ nên dừng chân ở những nơi có địa hình dốc, đồng thời nhắc anh em, khi thấy nhiều loại máy bay của Mỹ ngay trên đầu cũng đừng sợ hãi, vì nó là cái dù che chắn cho mình khỏi bom B-52...
Thieu tuong, Giao su Bui Phan Ky:
Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ tại phòng làm việc. Ảnh do nhân vật cung cấp. 
Nhưng Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ cũng có những kỷ niệm đau thương khiến ông không thể nào quên. Đó là lần thoát chết trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971. Khi ấy, ông được cử cùng Phó tư lệnh Quân khu Đào Lan xuống Trung đoàn 812 chỉ huy đốc chiến ở khu vực tây nam Đường 9. Đơn vị bố trí hầm trú ẩn của ông Kỳ ở bên trong, còn hầm trú ẩn của đồng chí Đào Lan ở bên ngoài. Khi tới gần cửa hầm, ông Kỳ gặp Chính ủy Trung đoàn 812 và nán lại trò chuyện. Sau đó, đồng chí vệ binh đưa Phó tư lệnh Đào Lan vào nhầm hầm trú ẩn bên trong, còn ông Kỳ được đưa vào hầm trú ẩn bên ngoài, ngủ cùng một y sĩ.
Mỗi hầm đều có một chiếc sạp và một chiếc võng. Đêm hôm đó, hầm của đồng chí Đào Lan bị trúng một quả pháo, khiến đồng chí công vụ nằm trên sạp hy sinh tại chỗ, còn đồng chí Đào Lan bị thương nặng. Giáo sư Bùi Phan Kỳ trầm ngâm: “Nếu không phải đổi hầm bất đắc dĩ, chắc là tôi chết rồi, bởi tôi có thói quen nằm sạp. Tôi vẫn nghĩ rằng, đồng chí công vụ hy sinh thay mình”.
Sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, ông được cử ra Bắc. Một thời gian sau, ông được điều làm Phó chính ủy Sư đoàn 320B, đóng quân ở miền tây tỉnh Nghệ An. Tháng 6-1972, đơn vị ông nhận lệnh vào chiến trường Quảng Trị. Trong quá trình chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, ông Bùi Phan Kỳ rút ra một số kinh nghiệm về hành quân cũng như xây dựng hầm chỉ huy, hầm trú quân và hiệp thương tác chiến.
Khi ấy, mùa gặt đã kết thúc, các cánh đồng khô nứt, vắng vẻ. Phần lớn vợ con của các binh lính quân đội ngụy quyền Sài Gòn di cư tới các vùng khác, nhưng nông dân vẫn ở lại. Vì thế, ông Kỳ nhắc nhở anh em cải trang thành người nông dân, không đi thành đoàn và thống nhất chọn một mục tiêu làm điểm dừng, cứ tiếp tục hành quân như vậy cho tới điểm cuối cùng. Ông chia sẻ: “Quân đội Sài Gòn không thể ngờ rằng, một sư đoàn lại có thể hành quân tự do như thế. Ngoài ra, tôi cũng yêu cầu anh em chọn hướng đi ngược với ánh sáng mặt trời, để máy bay của địch khó phát hiện”.
Bến phà Gia Độ là điểm giao thông huyết mạch, thường xuyên bị quân địch ném bom hoặc bắn pháo. Nhiều chiến sĩ Quân Giải phóng đã hy sinh ở đây. Ông Kỳ thành lập một nhóm riêng, tuyển chọn những chiến sĩ có khả năng bơi lội. Thay vì đi phà, ông yêu cầu các chiến sĩ bơi lẻ tẻ qua sông; đồng thời chọn điểm dừng ở phía trên hoặc phía dưới bến phà.
Trong Ban chỉ huy Sư đoàn 320B, không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, đặc biệt trong việc đào hầm trú ẩn. Ông Kỳ từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt nên tham mưu cho chỉ huy đơn vị đào hầm ở bên trong những ngôi nhà bỏ hoang. Theo gợi ý của ông, Sư đoàn còn đào hầm trú ẩn ngay trên cồn cát giữa sông Thạch Hãn, gây bất ngờ cho địch.
Địch thường thả bom B-52 nối tiếp thành đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 2km. Ông Bùi Phan Kỳ tham mưu cho đơn vị xây dựng ít nhất 3 sở chỉ huy cấp sư đoàn cùng một lúc, các sở chỉ huy cách nhau hơn 2km. Sở chỉ huy phía trước ở làng Giáo Liêm, sau chuyển dần vào các làng Đồng Giám, Thanh Xuân; sở chỉ huy cơ bản và các đơn vị trực thuộc ở các làng Kỳ Lâm, Kỳ Trúc, Hà Thượng, Hà Trung (huyện Triệu Phong). Ông cũng luôn nhắc anh em, nếu thấy máy bay do thám của địch trên đầu mình cũng đừng sợ hãi vì nó “che chở” cho quân ta khỏi bị B-52 đánh phá.
Thieu tuong, Giao su Bui Phan Ky:
Giáo sư Bùi Phan Kỳ bên các con, cháu. Ảnh do nhân vật cung cấp. 
Cuối tháng 1-1973, ngụy quyền Sài Gòn âm mưu tái chiếm cảng Cửa Việt trước khi việc ngừng bắn theo Hiệp định Paris có hiệu lực. Quân Giải phóng một mặt kiên cường đấu tranh quân sự, mặt khác thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc. Phó chính ủy Bùi Phan Kỳ chỉ đạo các tổ công tác gọi loa vận động, cho phép hai bên có thể đàm phán với nhau qua điện thoại. Nhân dịp Tết Nguyên đán, ông Kỳ ngụy trang thành "anh nuôi" lên ngôi nhà chung (còn gọi là ngôi nhà hòa hợp dân tộc) để thăm dò thái độ của địch, rồi về bàn phương án vận động. Hồi ấy, Sư đoàn 320B có đoàn văn công vào biểu diễn, ông Kỳ bèn huy động anh em tổ chức sân khấu, thắp đèn sáng và tăng volume loa đài để binh lính địch ở bên kia sông vẫn có thể nhìn và nghe rõ. Ông kể: “Tôi quán triệt anh em phải vững vàng về tư tưởng, kiên trì vận động. Một số chỉ huy của ngụy quyền Sài Gòn đã quyết định bỏ súng ngay sau đó. Chúng tôi bắt đầu chứng kiến cái bắt tay, cái vỗ vai giữa những người lính của hai chiến tuyến”.
Ngày 31-1-1973, ngụy quyền Sài Gòn phải rút quân khỏi cảng Cửa Việt. Tháng 2-1973, thay mặt chỉ huy sư đoàn, Phó chính ủy Bùi Phan Kỳ đã chỉnh sửa và hoàn thiện văn bản tố cáo hành động của địch để gửi tới Đoàn đại biểu của ta để trình bày trước Hội nghị Paris…
Theo THỦY TIÊN - LƯU THÚY/QĐND

>> xem thêm

Bình luận(0)