Chiều ngày 13/8, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ xuất hiện trước báo chí sau 5 năm vắng bóng. Trong cuộc nói chuyện kéo dài gần 4 tiếng, ông Vũ khẳng định sức khỏe của mình hoàn toàn bình thường.
Trong cuộc nói chuyện này, ông Vũ cũng nói về việc ngồi thiền nhịn ăn 49 ngày vào năm 2013. Trước ý kiến cho rằng đây là câu chuyện hoang đường, ông Vũ khẳng định mình có thể không ăn, thậm chí nhiều ngày không uống cũng không sao cả. Ông lấy ví dụ về đà điểu chỉ ăn 0,5kg thức ăn mỗi ngày, nhưng vẫn có thể tăng trọng tới 1kg. Ông cho rằng, đây là điểm mù với khoa học thông thường, nhưng cá nhân ông thì biết, đà điểu tăng cân nhờ dùng những nguồn năng lượng tổng hợp khác.
Ông Vũ cũng chia sẻ, ông hút tới 20 điếu xì gà mỗi ngày (người bình thường chỉ có thể hút 3 điếu), và đó là một nguồn năng lượng của ông. Theo ông Vũ, giờ đây không có bệnh tật nào xâm nhập nổi cơ thể ông.
Ông Vũ cho biết, nhờ việc hành thiền, dù ngồi trên núi hàng năm trời, ông vẫn biết hết mọi chuyện xảy ra ở tập đoàn Trung Nguyên, thâm chí còn am tường cả tình hình đất nước và thế giới.
|
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong buổi tiếp xúc báo chí ngày 13/8. Ảnh: Zing. |
Với nghi vấn ông bị tâm thần, ông Vũ tiết lộ mẹ ông đã phải hai lần đưa ông đi giám định tâm thần và các bác sĩ đã kết luận ông hoàn toàn không có vấn đề gì.
Tóm lại, theo ông Vũ, ông đã đạt được những điều phi thường nhờ việc hành thiền. Để nắm bắt thực hư của câu chuyện này, thử cùng tìm hiểu sâu hơn về phương pháp thiền và những cảnh giới thiền mà con người có thể chứng ngộ.
Các cảnh giới của thiền
Ngược dòng lịch sử, thiền vốn là một truyền thống tâm linh của văn minh Ấn Độ cổ đại, được Phật giáo kế thừa và phát triển thành một phương pháp tu tập quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới ngày nay.
Theo quan điểm của Phật giáo, thiền đơn giản là phương pháp buông xả. Khi hành Thiền, thiền giả buông xả cả thế giới phức tạp bên ngoài để đạt đến trạng thái an tịnh nội tâm. Chứng nghiệm được cái tâm thanh tịnh đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của thế giới này, người hành thiền sẽ đạt đến trạng thái hoan hỷ không thể tưởng tượng được. Đó là nguồn hạnh phúc hơn hẳn các dục lạc thế gian.
Để có thể nhập thiền, thiền giả phải có được sự buông bỏ trong cái tâm. Sự buông bỏ xảy ra từng giai đoạn, từng bước một, ứng với các cảnh giới có thể chứng ngộ khi hành thiền.
|
Thiền đơn giản là phương pháp buông xả. Ảnh: Zen Flower. |
Theo quan điểm Phật giáo Đại thừa, có bốn cảnh giới thiền cơ bản là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, có thể tóm lược như sau:
- Sơ thiền là một pháp thiền định phải trải qua dày công tu tập. Người Phật tử tu ở bậc sơ thiền, tâm lúc nào cũng hoan hỷ, xa rời ân ái theo thế gian, dù trải qua bao trở ngại, lúc nào cũng xả bỏ những ưu phiền tìm kiếm những pháp thiện mà làm, từ đó các pháp thiện sinh, nên không có sự buồn khổ.
- Nhị thiền là cảnh giới thiền vi diệu của những bậc tu sĩ dày công tu tập. Đạt cảnh giới thiền này, thiền giả nắm bắt được bản chất thế giới, có có trí tuệ thật tỉnh táo trước những pháp bất thiện, còn lại những pháp thiện luôn sinh khởi, hoàn toàn xa rời được tham, sân, si.
- Tam thiền là cảnh giới thiền cao thâm mà khi đạt đến, thiền giả được giải phóng khỏi thế gian, không còn nghe thấy mọi cảnh vật, tiếng động bên ngoài, an trú đại định vững chắc trong thế giới nội tâm, sáng suốt vi diệu thanh tịnh.
- Tứ Thiền là cảnh giới thiền cao nhất, Người tu đạt cảnh giới thiền này sẽ làm chủ được cả ý thức và vô thức, khai mở những khả năng của giác quan như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, dừng được hơi thở, dừng mọi sự sống, có khả năng nhập định vài trăm năm rồi xuất định, sống bình thường…
Ông Vũ thần thông hay… có vấn đề về tâm thần?
Từ những gì đã trình bày ở trên, theo quan điểm Phật giáo truyền thống, khi đạt cảnh giới thiền cao nhất, con người có thể đạt sự thần thông, làm được những điều nằm ngoài khả năng của con người bình thường.
Trên phương diện khoa học, các nghiên cứu đã xác nhận rằng việc hành thiền có thể dẫn đến gia tăng sức mạnh hệ thần kinh, trong đó có liên quan đến việc cải thiện nhận thức trong học tập, trí nhớ và sự chú ý. Cũng đã có những công trình nghiên cứu về khả năng phi thường (siêu năng lực) mà con người đạt được qua hành thiền như tiên tri, thần giao cách cảm… với nhiều cá nhân được khảo sát.
Tuy vậy, không có số liệu thực nghiệm nào được đưa ra để chứng thực các giả thuyết về siêu năng lực, nên lĩnh vực này vẫn còn là một “điểm mù” trong khoa học.
|
Mối liên hệ giữa thiền và siêu năng lực vẫn chưa được khoa học xác nhận. Ảnh: Crystalinks. |
Trở lại trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ, có lẽ vào thời điểm này không nên đưa ra lời nhận định ông là một người đã thực sự đạt cảnh giới cao của thiền hay là một người có vấn đề về tâm thần. Theo quan điểm Phật giáo, chỉ có những bậc chân tu đã đắc đạo mới đủ tư cách thẩm định một người đã chứng ngộ thiền đến mức nào. Còn trong y học, chỉ có những bác sĩ hành nghề vô vị lợi mới đưa ra được kết quả thẩm định đáng tin cậy về việc một người nào đó có bị tâm thần hay không.
Như vậy, những thông tin hữu ích nêu trên về thiền định sẽ giúp độc giả có hướng nhìn đa chiều về phương pháp tu thiền nói chung và trường hợp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói riêng, chứ không mang tính cổ súy, một chiều.
Chỉ xin nhắc lại một lời răn của Phật giáo dành cho người tu thiền: Nếu bị tà kiến xâm nhập khi hành thiền, thiền giả có thể sẽ rơi vào ảo tưởng rằng mình đã chứng ngộ cảnh giới cao cấp, đã kiến tính thành Phật. Đây chính là loại thứ 5 trong thất mạn, trong đại luật gọi là “tăng thượng mạng”, phạm giới trọng thứ tư, đại vọng ngữ trong giới tu hành Phật giáo.
Trên quan điểm y học, đây là một dạng rối loạn tâm thần có liên hệ với các chứng hoang tưởng, vĩ cuồng, nếu không được kiểm soát có thể sẽ làm con người bị thui chột khả năng nhận thức theo thời gian.