Một vài câu chuyện
Từ thời xa xưa, trong số các đại đệ tử của Phật, tôn giả Mục Kiền Liên được xưng danh là thần thông đệ nhất. Sau khi quy y Phật 7 ngày, tôn giả đã dứt trừ lậu hoặc, chứng quả A La Hán và đắc thần thông. Trong sách "10 đại đệ tử của Phật" (Nxb Tôn giáo), ở phần viết về Mục Kiền Liên có kể ra câu chuyện Mục Kiền Liên ở trong thiền định mà thưa hỏi với Phật dù nơi ở cách nhau rất xa.
Sách chép: Một ngày nọ, Đức Phật ở tại tịnh xá Kỳ Hoàn nước Xá Vệ, còn Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất vâng lời Phật đến vườn Trúc Ca Lan Đà, thành Vương Xá lãnh đạo các tỳ kheo đi giáo hóa trong dân gian. Hai vị tôn giả này ngụ trong một thiền phòng, đêm yên tĩnh, bốn bề không tiếng động. Gần sáng Xá Lợi Phất phá tan không khí trầm mặc hỏi Mục Kiền Liên: “Này tôn giả, xin phép cho tôi hỏi đường đột thế này, vậy chớ đêm nay ngài có trụ tại chánh định tịch diệt hay không?”.
Tôn giả Mục Kiền Liên hỏi lại: “Sao ngài lại hỏi tôi như thế?”. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Vì lâu thật lâu tôi không nghe hơi thở hô hấp của ngài, cũng không thấy ngài cử động, dường như không có mặt tôn giả trong phòng này”.
Mục Kiền Liên trả lời: “Tôn giả Xá Lợi Phất! Đêm nay tôi vừa khởi lên một vấn đề cần thiết, tinh tấn trên sự tu hành, nên tôi đến thỉnh ý Phật. Vừa rồi ngài không nghe tiếng tâm tôi, là vì tôi vừa ở bên Phật hỏi chuyện”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nghe vậy ngài Xá Lợi Phất vô cùng ngạc nhiên vì hai nơi ở rất xa nhau. Tôn giả hỏi có phải ngài Mục Kiền Liên dùng thần túc thông đến bên Phật hay là Phật dùng thần túc thông đến đây không. Nhưng ngài Kiền Liên đều bảo không phải. Sau cùng ngài Mục Kiền Liên mới giải thích: “Thưa tôn giả, chẳng có gì lạ lùng hết, đức Thế Tôn có thiên nhãn và thiên nhĩ thông. Tôi và tôn giả cũng có thần thông ấy, cần để tâm vận dụng, chúng ta đều có thể nói chuyện với đức thế tôn bất cứ lúc nào và ở đâu”.
Ở ngay Việt Nam, bộ chính sử như "Đại Việt sử ký toàn thư" cũng ghi nhận thần thông của nhiều vị thiền sư. Chẳng hạn trong kỷ vua Trần Anh Tông, năm 1312 có chép về sư Du Chi Bà Lam: “Sư đã sang ta vào thời Nhân Tông, vẻ người già nua, tự nói là 300 tuổi, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước, lại có thể thu cả ngũ tạng lên ngực, làm cho trong bụng lép kẹp, chỉ còn da bụng và xương sống thôi”.
Hoặc truyền thuyết về sư Nguyễn Minh Không dùng pháp thuật thần thông sang nước Tống xin đồng về đúc An Nam tứ khí. Nhà sư chỉ mang theo một cái đãy mà vào kho đồng triều Tống lấy hết đồng bỏ vào vẫn chưa đầy. Sau đó ngài quảy lên vai gánh về, qua sông thì ngả nón làm phép mà vượt các sông lớn nhỏ để về nước. Những câu chuyện linh dị đó đến ngày nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian và cả trong các sách vở của nhà thiền nước ta.
Thần thông là kết quả tất nhiên
Các câu chuyện nói trên chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều câu chuyện về thần thông của các thiền sư. Qua đó cho thấy việc đạt được thần thông là một việc phổ biến ở các thiền sư đắc đạo chứ không phải những trường hợp cá biệt.
Trong sách "Xứ Phật huyền bí" (nguyên tác là tự truyện của đạo sư Yogananda, Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nxb Văn hóa thông tin ấn hành), đạo sư Yogananda nói rằng khi một vị chân sư đã thực sự chứng ngộ, người tự nhiên có được những năng lực mầu nhiệm như biết được quá khứ, nhìn thấy trước tương lai, chữa khỏi bệnh tật cho người khác, hoặc có thể thực hiện được những điều mà người đời tưởng như không thể nào làm được.
Một vị chân sư cũng có thể biết trước được những gì sắp xảy đến cho mình, kể cả việc mình sẽ chết lúc nào. Hơn thế nữa, nếu vì một lý do cần thiết chính đáng nào đó, một vị chân sư có thể tùy ý thay đổi ngày giờ ra đi của mình một cách dễ dàng.
Một vị chân sư cũng có thể viên tịch khi còn rất trẻ, hoặc có thể sống lâu đến 100, thậm chí 200 tuổi nếu cần thiết. Các vị làm như vậy không theo một nguyên tắc bó buộc nào, mà hoàn toàn dựa vào tâm niệm hóa độ chúng sanh.
|
Tranh vẽ Tổ Bồ Đề Đạt Ma làm phép dùng một cọng cỏ vượt sông. Nguồn: Baike. |
Về việc thị hiện khả năng thần thông của các thiền sư, ngài Yogananda nói rằng mục đích thị hiện thần thông của các thiền sư không phải vì các ngài muốn khoe khoang khả năng mà chỉ vì để hóa độ chúng sanh. Đạo sư Yogananda viết: “Trong kinh nghiệm thực tế trải qua của bản thân mình, tôi đã thấy rõ là một vị chân sư không bao giờ sử dụng bừa bãi các quyền năng siêu nhiên đã đạt được, trừ khi các vị đang nhắm đến một mục tiêu cụ thể nào đó, mà thường là nhằm mục đích giáo hóa. Rất nhiều khi, tai họa ập đến với các ngài do nghiệp quả đã gây ra từ trước, nhưng các ngài vẫn vui vẻ chấp nhận thay vì dùng đến những năng lực huyền bí đã có được của mình”.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là thần thông chỉ là một phương tiện chứ không phải mục đích cần đạt tới của người tu hành. Đối với người tu hành, mục đích tối hậu là giải thoát khỏi phiền não chứ không phải để đắc thần thông. Bởi vậy trong lịch sử Phật giáo cũng có nhiều thiền sư ngộ đạo có thần thông nhưng cũng có nhiều vị Tổ đã đắc đạo mà không thấy tài liệu nào viết về thần thông của ngài.
Như vậy, thần thông là một kết quả thường xảy ra khi các thiền sư đã đắc đạo nhưng cũng không phải là một kết quả có tính chất phổ cập. Theo lời Phật dạy thì cũng có vị tu hành đắc đạo đạt đến giải thoát nhưng không có thần thông vì vị đó không có sở nguyện đắc thần thông. Ngược lại cũng có những vị tu hành tiến bộ và đã đắc thần thông nhưng chưa thực sự đạt đến niết bàn giải thoát.
Đến đây cũng có thể có người đặt ra câu hỏi rằng “Thần thông chắc gì đã có thật, biết đâu chỉ là hư truyền mà thôi?”. Đối với điều này, tác giả chỉ xin dẫn ra hai ví dụ: Hơn 2000 năm trước Đức Phật đã nói rằng trong một bát nước sạch có 8 vạn 4 ngàn sinh vật cho nên từ đó yêu cầu tỳ kheo trước khi uống nước phải đọc chú để chú nguyện cho chúng sanh trong nước. Điều này phải đến thời nay, bằng kính hiển vi người ta mới xác nhận được là đúng.
Mặt khác trong kinh A Di Đà, Phật Thích Ca cũng từng nói đến “Các thế giới ở phương dưới”. Thời đó thiên văn học đâu đã biết quả đất của chúng ta treo lơ lửng giữ hư không. Phải đến hàng ngàn năm sau khoa học mới biết điều đó nhưng Phật thì đã nói từ lâu rồi.
Bởi vậy không hẳn điều gì chưa được khoa học chứng minh đã là không có thật.