Tản Đà được Hoài Thanh tôn là vị chủ soái của phong trào Thơ Mới, là cái gạch nối giữa hai thế kỷ, là người dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ.
Tôi đã đọc lại không biết bao nhiêu lần đoạn viết sau đây của Hoài Thanh, một trong những đoạn văn đầu tiên của “Thi nhân Việt Nam”: “Nhưng dù sao, với chúng tôi, tiên sinh vẫn là một bậc đàn anh; chúng tôi không dám xem tiên sinh như một người bạn. Tiên sinh còn giữ được của thời trước cái cốt cách vững vàng, cái phong thái thung dung. Đời tiên sinh tuy bơ vơ, hồn tiên sinh còn có nơi nương tựa. Tiên sinh đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi với tấm lòng bình thản của một người thời trước. Những nỗi chật vật của đời sống hằng ngày, những cảnh éo le thường phô bày ra trước mắt không từng làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh. Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên sinh cũng là buồn chán của một người trượng phu. Thở than nhưng có bao giờ rên rỉ”.
Nếu như Tản Đà là người mở ra “Thi nhân Việt Nam” thì Trần Huyền Trân chính là người khép lại giai phẩm đặc biệt này: “Viết đến đây tôi định khép cửa lại, dầu có thiên tài gõ cửa cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân”.
Bài thơ thứ nhất: “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”
Không có tài liệu nào kể lại về lần gặp gỡ đầu tiên của Trần Huyền Trân với Tản Đà. Trần Huyền Trân cũng như Hoài Thanh, đều kính trọng và coi Tản Đà như một người anh lớn, một tiên sinh, một người thuộc lớp trước đã có vị trí riêng trong làng thơ, làng báo.
Chúng ta đành tạm hình dung về buổi gặp gỡ ấn tượng đầu tiên qua bài thơ Uống rượu với Tản Đà của Trần Huyền Trân, viết năm 1938, khi Tản Đà đã 49 tuổi (một năm trước khi ông qua đời) còn Trần Huyền Trân khi ấy mới 25 tuổi.
Có thể phỏng đoán, người ít tuổi hơn (Trần Huyền Trân) sẽ đến thăm người nhiều tuổi hơn (Tản Đà) tại nhà của ông. Tôi cứ hình dung và tưởng tượng cuộc tiếp đón của Tản Đà với Trần Huyền Trân cũng giống như cuộc tiếp đón của Tản Đà với Đinh Hùng cách đó 1-2 năm.
|
Tản Đà. |
Đó là cuộc tiếp đón ở một nơi sơn thủy hữu tình tại quê nhà Bất Bạt, Khê Thượng, Sơn Tây, ngay bên núi Tản sông Đà, để hằng ngày ngắm cảnh: “Nước rợn sông Đà, con cá nhảy/ Mây trùm non Tản, cái diều bay”...
Những chàng trai trẻ vừa đến thăm một “đại ca” trong làng viết, vừa thưởng thức cái thú du ngoạn danh lam thắng cảnh, chẳng cũng tiện cả đôi đường ư? Tản Đà lại rất mến khách, luôn sẵn lòng giữ chân mời rượu, gọi người nhà mang cá mang tôm vừa kéo vó khỏi mặt nước sông Đà lên để làm mồi nhắm.
Và thế là cảm hứng thơ tìm đến với Trần Huyền Trân: “Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/ Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này/ Tôi say? Thưa, trẻ chưa đầy/ Cái đau nhân thế thì say nỗi gì/ Đường xa ư cụ? Quản chi/ Đi gần hạnh phúc là đi xa đường/ Tôi là nắng - cụ là sương/ Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều/ Gió mưa tóc cụ đã nhiều/ Lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình/ Huống tôi mái tóc đang xanh/ Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi/ Với đời một thoáng say mê/ Còn hơn đi chán về chê suông đời/ Rót đi, rót rót đi thôi!/ Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu/ Nguồn đau cứ rót cho nhau/ Lời say sưa mới là câu chân tình”.
Bài thơ trên đã trở thành một trong những bài thơ hay nhất về uống rượu của nền thơ Việt Nam hiện đại, được nhiều tửu quán ở Hà Thành treo trang trọng.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã dành những lời bình rất hay về bài thơ này: “Nói đến rượu, nhiều người nghĩ đến chuyện hưởng lạc, lại là thơ “tiền chiến” thì càng ngại. Vậy mà, ba lần rót rượu thì hai lần rót ra nỗi đau đời, một lần nói ra tuổi tác. Cả tiệc rượu không tiếng cười hể hả bét nhè, chỉ nỗi cảm thông và ý chí. Chuyện rượu không nói, thậm chí chuyện thơ cũng không nói, chỉ nói chuyện đời, chuyện tình nghĩa thế hệ. Tôi nghĩ đó là chỗ cao đẹp của hồn thơ Trần Huyền Trân”.
Bài thơ thứ hai: “Đời là thế ấy ta là thế thôi”
Nhiều người không biết rằng, sau bài thơ thứ nhất đã trở thành rất nổi tiếng này, Trần Huyền Trân còn 2 bài lục bát nữa cũng dành riêng cho Tản Đà. Bài lục bát thứ hai cũng viết trong năm 1938, là nỗi nhớ của thi sĩ họ Trần tới người bạn vong niên nơi sông Đà núi Tản.
Tôi chắc một điều rằng, cả hai thi sĩ của chúng ta đều rất nghèo. Tản Đà khi mất đi, trong căn phòng tại 71 Ngã Tư Sở chỉ còn mỗi chiếc giường nát.
Còn Trần Huyền Trân chính là người đã viết ra những vần thơ đắng đót như thế này: “Đã có lần khói bếp không lên/ Vợ ngược con xuôi túi hết tiền/ Chồng gục cả lòng trên giấy mực/ Đen ngòm mặt đất tối như đêm” (Đời một nhà văn).
Cùng sống trong cảnh nghèo, hình như những người nghệ sĩ càng thương nhau hơn, hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn: “Mờ mờ mưa luống rau xanh/ Nắng còn thoi thóp như tình tiễn đưa/ Trông mưa chạnh nhớ đời thơ/ Với người hôm ấy cũng mưa âm thầm/ Người là một kiếp thi nhân/ Tóc xanh đã nhuộm mấy lần biển dâu/ Nhà người bên một dòng sâu/ Xác xơ khóm trúc, hàng cau lạnh lùng/ Hồn thơ về lánh bụi hồng/ Quyển vàng, tóc bạc nằm chung một lều/ Có đàn con trẻ nheo nheo/ Có dăm món nợ eo sèo bên tai/ Chừng lâu rượu chẳng về chai/ Nhện giăng giá bút một vài đường tơ/ Nghiên son lớp lớp bụi mờ/ Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi/ Phải đây là bóng tôi kia/ Con đò bến cũ đi về phong ba/ Nhìn tôi người bỗng cười khà/ “Đời là thế ấy - ta là thế thôi!”/ Tôi giờ ngược ngược xuôi xuôi/ Rót vào lòng khắp tình người hợp tan/ Chiều nay chiều dệt mưa vàng/ Tôi buồn trông bóng nắng tàn trong mưa”.
|
Trần Huyền Trân. |
Tôi cho rằng bài lục bát này còn hay hơn cả bài trước về độ tài hoa của hình ảnh, câu chữ với những thi ảnh độc đáo, là sáng tạo riêng của Trần Huyền Trân, đã tạo những ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc, đặc biệt hai câu kết với rất nhiều dư âm.
Thế nên, theo tôi, Hoài Thanh đã hơi thiếu công bằng khi buông lời nhận xét trong Thi nhân Việt Nam: “Thơ Trần Huyền Trân không xuất sắc lắm”.
Bài thơ thứ ba: “Nét thơ xóa sổ đoạn trường ra đi”
Nếu như bài thứ nhất là gặp gỡ, bài thứ hai là nỗi nhớ thì bài thứ ba, cũng là bài cuối cùng, là bài thơ viếng nhau, được viết ngay năm sau đó, khi Tản Đà qua đời vào ngày 7-6-1939 (tức 20 tháng 4 năm Kỷ Mão): “Đêm nao sao rụng trên trời/ Cõi đời quạnh vắng mất người bạn thơ/ Nước non ơi! Mảnh dư đồ/ Mà hồn non nước bây giờ hỏi đâu?/ Lấy gì mà đổi được nhau/ Hỡi người sương gió mái đầu bấy nay/ Những là tỉnh tỉnh say say/ Ai say - Ai tỉnh? Lần này là thôi/ Chiều nao tám chín phương trời/ Muôn ngàn người có một người đi qua/ Dở dang này những ngày xưa: Người non nước hẹn thế cờ nước non/ “Khối tình lớn khối tình con”/ Khối tình bóp bẹp vo tròn vẫn nguyên/ Lòng thơ lấy rượu làm duyên/ Hồn thơ đủng đỉnh con thuyền An Nam/ Não nùng chớp biển mưa ngàn/ Thuyền nan cả sóng thuyền nan trở về/ Mai mai, mốt mốt, kia kia/ Cảnh ngao ngán cảnh, lòng tê tái lòng/ Hôm nao vút cánh chim hồng/ Mình không thẹn bóng, bóng không thẹn mình/ Rầy sao eo óc gia đình/ Men cay càng gửi bất bình càng cay/ Mịt mờ Nam Bắc Đông Tây/ Đã đầy mộng lớn, đã đầy mộng con!/ Còn gì là tấm lòng son/ Thân tàn một kiếp, chí mòn bốn phương/ Rồi... gió sương trả gió sương/ Nét thơ xóa sổ đoạn trường ra đi!/ Giờ đây kẻ ở người về/ Xót nhau mà biết còn gì khóc nhau/ Đời thơ chung một kiếp sầu/ Viếng người gọi có mươi câu chân tình”.
Bài thơ đầu gồm 20 câu lục bát, bài thứ hai gồm 24 câu lục bát, riêng bài cuối này có dung lượng nhiều hơn cả với 34 câu lục bát, như một tổng kết về cả đời thơ Tản Đà với nhiều tâm sự nỗi niềm. Giọng thơ khi buồn bã trầm mặc, khi u uất oán than, khi bi phẫn đau đớn.
Ta bắt gặp thấp thoáng trong bài thơ nhiều tác phẩm của Tản Đà như Vịnh bức địa đồ rách, Thề non nước, Khối tình lớn, Khối tình con, Nói chuyện với bóng... Những câu chuyện đời, gia cảnh nhà thơ cũng hiện lên với nhiều vất vả lo toan. Dường như cả Trần Huyền Trân lẫn Tản Đà đều có chung một bi kịch về sự không thỏa chí.
Cuộc đời của Tản Đà thì đã dừng lại, nhưng Trần Huyền Trân thì vẫn cần phải sống tiếp. Và rất may mắn ông còn được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại huy hoàng của dân tộc, từ bản Tuyên ngôn độc lập 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đã gần 80 năm ngày thi sĩ Tản Đà qua đời và cũng gần 30 năm thi sĩ Trần Huyền Trân giã từ cõi thế (ông mất ngày 22-4-1989 tại Hà Nội), nhưng bao tác phẩm thi ca mà hai thi sĩ để lại vẫn làm rung động người đọc hôm nay, trong đó có câu chuyện cảm động về 3 bài thơ mà Trần Huyền Trân viết riêng cho Tản Đà. Bài viết này của tôi, vì thế, như một nén tâm hương xin tưởng nhớ tới hai bóng người xưa...