Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – biểu tượng vượt qua nghịch cảnh

Google News

Hình ảnh cậu bé Nguyễn Ngọc Ký với đôi tay mềm nhũn, òa khóc khi bị từ chối cho đi học, rồi bắt đầu viết chữ với đôi chân co quắp, đau đớn... đã gây xúc động mạnh về một biểu tượng không khuất phục.

Tấm gương vượt khó tuyệt vời
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28 tháng 6 năm 1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1951, khi cậu bé Ký lên 4 tuổi thì một biến cố ập đến. Ký bị bệnh sốt bại liệt và dẫn đến bị liệt cả hai tay.
Năm 7 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký rất muốn đến trường nhưng vì bệnh tật nên ông không thể đi học. Không chịu khuất phục số phận, ông đã dùng chân để viết chữ và được cô giáo cho vào lớp học, dù cô giáo vẫn không tin rằng cậu học trò liệt tay có thể học được chữ.
Thay giao Nguyen Ngoc Ky – bieu tuong vuot qua nghich canh
 Thầy Nguyễn Ngọc Ký thời trẻ. Ảnh được in trên bìa sách Tôi học đại học, Nhà xuất bản Trẻ.
Được đi học, cậu học trò Ký nỗ lực không ngừng. Năm 1963, Ký được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, đạt hạng 5, được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Hồ Chí Minh.
Từ năm 1966, ông học Ngữ văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970, tốt nghiệp đại học, ông nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông trở về quê ở Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên. Năm 1992, ông được nhận danh hiệu "Nhà giáo ưu tú".
Từ năm 1994, ông chuyển vào sống tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh để vừa công tác vừa chữa bệnh.
Năm 2005, ông được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết.
Ngoài công việc giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đồng thời cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông viết nhiều tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất với cuốn tự truyện “Tôi đi học”
Tôi đi học” được Nguyễn Ngọc Ký viết vào tháng 9 năm 1996, khi ông bắt đầu quãng đời sinh viên tại khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội ở khu sơ tán vùng núi Đại Từ, Thái Nguyên. Bản thảo được hoàn tất vào hè năm 1968 trong bộn bề khó khăn của cuộc sống sơ tán thiếu thốn.
Năm 1970, cuốn sách ra mắt độc giả lần đầu với tên gọi: “Những năm tháng không quên”, sau đó đổi thành “Tôi đi học”. Ngay lập tức, cuốn tự truyện đã đưa tên tuổi thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trở thành một biểu tượng của sự vượt lên nghịch cảnh.
Mở đầu cuốn “Tôi đi học” có trích lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm. Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt”.
Người thầy truyền cảm hứng mãnh liệt
Trong suốt hơn 50 năm qua, biết bao thế hệ học sinh đã nhìn vào tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký để nỗ lực vươn lên.
Bộ GD&ĐT đã đưa vào trong sách giáo khoa những câu chuyện về cuộc đời để các em nhìn vào học tập như: “Em Ký đi học” (sách tập đọc lớp 3 từ 1964-1983), “Anh Ký đi học” (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000), “Bàn chân kỳ diệu” (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay).
Thay giao Nguyen Ngoc Ky – bieu tuong vuot qua nghich canh-Hinh-2
 Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành một biểu tượng về tinh thần hiếu học, không khuất phục khó khăn.
Hình ảnh cậu bé Ký với đôi tay mềm nhũn, bị cô giáo từ chối cho đi học, òa khóc nức nở, sau đó được cô nhận vào học, tập viết những nét chữ đầu tiên bằng gạch non, rồi bằng bút, những nét bút xiêu vẹo, khó nhọc, bàn chân co quắp, đau đớn… đã gây xúc động, in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ học trò.
Cuốn “Tôi đi học” cũng được tái bản nhiều lần, truyền cảm hứng mãnh liệt về tinh thần hiếu học, không khuất phục khó khăn. Nhiều dòng chữ chứa chan xúc động gửi tới tác giả Nguyễn Ngọc Ký sau khi đọc xong tác phẩm.
Trong lời tự bạch đầu cuốn sách, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký kể lại, có một kỷ niệm làm ông nhớ mãi. Đó là sau một buổi giao lưu ở một trường nọ, ông được một phụ huynh gần trường nhiệt tâm đón bằng được về nhà.
Ông đã vô cùng xúc động khi phụ huynh đó đưa khoe cuốn “Những năm tháng không quên” trong tủ sách quý của con bà mà trang đầu có mấy dòng chữ viết tay thật nắn nót: “Đây là cuốn sách bố tâm đắc mua được gửi về tặng con trai trước khi vượt qua vĩ tuyến 17 vào Nam chiến đấu. Con chịu khó đọc và hy vọng nó sẽ giúp con rất nhiều trong quá trình vượt khó chăm ngoan học giỏi khi không có bố bên cạnh. Hôn con trai của bố thật nhiều!”.
Còn ông cụ thân sinh của nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khi thấy cuốn “Tôi đi học” tái bản đã mừng rỡ, mua về tặng ngay cháu nội (là con của nguyên Bộ trưởng). Sau đó, còn phóng rất to một tấm ảnh chụp riêng trang bìa có hình thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đang ngồi viết bằng chân treo ngay trước bàn học của cháu. Câu chuyện này thấy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã được nguyên Bộ trưởng Luận kể lại cho nghe.
Thay giao Nguyen Ngoc Ky – bieu tuong vuot qua nghich canh-Hinh-3
Hình ảnh cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ngồi viết bằng chân đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò. 
Nhiều học trò đã nhìn vào tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký mà thay đổi để trở thành người có ích cho xã hội. Như một bức thư của một kỹ sư điện gửi thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vào năm 2007: “Một hôm có người bạn cho em mượn cuốn TÔI ĐI HỌC của thầy. Bạn dặn em là đọc lướt mau rồi gửi lại. Nhưng thầy biết không, khi đã đọc hết trang thứ nhất em không thể không đọc tiếp trang thứ hai.
Hơn nữa em thấy em không thể nào đọc nhanh được. Đọc đến đâu sự xúc động, cuốn hút đã khiến em thích thú mê đắm và nhiều chỗ phải rơi nước mắt đến đấy. Nên nhiều trang em cứ phải đọc đi đọc lại. Chính nhờ đọc cuốn sách ấy của thầy mà em đã thay đổi chính mình. Từ một học sinh ham chơi em đã chăm chỉ quyết chí phấn đấu theo gương thầy và thế là em đã thi đỗ vào đại học”.
Theo thông tin từ gia đình thầy Nguyễn Ngọc Ký, thầy Ký mất lúc 2h05 ngày 28/9 tại nhà riêng ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, hưởng thọ 75 tuổi sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh suy thận. Linh cữu cố nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký được đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên thuộc TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Một người có cánh đã bay về trời
Tin thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký qua đời đã để lại nhiều tiếc thương đối với những người biết đến ông – một biểu tượng cho tinh thần không khuất phục, một người thầy giáo tuyệt vời.
Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã gọi thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là “Một người có cánh đã bay về trời” cùng những chia sẻ: “Hồi tôi học tiểu học, cứ thứ 7 là có tiết kể chuyện. Một hôm thầy giáo chủ nhiệm nói: hôm nay thầy kể cho các em nghe câu chuyện về một người có cánh. Tất cả lũ học trò chúng tôi vô cùng náo nức đợi thầy kể.
Người có cánh đó là cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký. Hai cánh tay cậu bị bại liệt từ nhỏ. Nhưng cậu đã bay tới những ước mơ đẹp đẽ của mình bằng đôi cánh của tâm hồn. Cậu đã trở thành một cậu bé thần kỳ, trở thành một nhà giáo, một nhà văn.
Thế hệ chúng tôi hồi đó ai cũng biết đến Nguyễn Ngọc Ký và luôn nghĩ về ông như một tấm gương sáng của nghị lực phi thường và một tâm hồn rộng lớn. Nếu không có đôi cánh ấy, Nguyễn Ngọc Ký sẽ bị ngấn chìm vào bóng tối của tuyệt vọng.
Vào 2h sáng nay, cậu bé thần kỳ Nguyễn Ngọc Ký, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký đã đập cánh bay về miền trời vô tận. Xin cúi đầu đưa tiễn ông”.

Mời quý độc giả xem video: "Vĩnh biệt thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - Người chắp cánh ước mơ cho thế hệ sau". Nguồn: Tri thức & Cuộc sống. 


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)