Quần hùng Tam Quốc, Viên Thiệu, Lưu Biểu đều rất sủng ái con út, vì vậy mà sau khi họ mất, thế lực rơi vào cảnh nội chiến liên miên. Tào Tháo từng cảm thán: "sinh tử đương như Tôn Trọng Mưu", bản thân Tào Tháo cũng nhận thức được tác hại của việc chọn con út làm người kế vị, nhưng chính ông cũng lại mắc phải sai lầm khác.
Tào Tháo: Để hai con tranh đấu đoạt quyền
Sau khi trưởng tử Tào Ngang mất, Tào Tháo vẫn chưa định đoạt người kế vị, ông để Tào Phi và Tào Thực đấu đá lẫn nhau nhằm tìm ra người thừa kế thích hợp nhất. Cách làm này nghe thì có vẻ sẽ giúp tìm ra được người tài giỏi hơn nhưng chính quá trình đấu đá này lại khiến hai huynh đệ ruột thịt nảy sinh ra những mẫu thuẫn không thể hóa giải.
Chính vì chỉ chăm chăm vào đấu đá, đề phòng lẫn nhau mà cuối cùng, Tào Phi và Tào Thực lại mất cảnh giác, để chính quyền rơi vào tay gia tộc Tư Mã, đây là điều mà Tào Tháo khi chọn người thừa kế không nghĩ đến.
Tôn Quyền: Yêu nhất con út
Sau khi con cả là Tôn Đăng qua đời, Tôn Quyền khi đó đã 60 tuổi. Mặc dù đã lập người con thứ 3 là Tôn Hòa lên làm thái tử, nhưng ông đồng thời cũng phong người con thứ 4 của mình là Tôn Bá làm Lỗ Vương. Tôn Quyền làm như vậy để khiến Tôn Bá nghĩ rằng mình có cơ hội cạnh tranh ngôi vị hoàng đế với Tôn Hòa, triều đình cũng theo đó phân chia ra làm hai phe, một theo thái tử Tôn Hòa, một theo Lỗ Vương.
Hai bè phái vì muốn tranh đoạt hoàng vị mà khiến cả Đông Ngô "nghiêng ngả" theo, ngay cả khai quốc công thần Lục Tốn cũng vì cuộc đấu đá này mà tức chết. Tôn Quyền sau đó mới đích thực hồ đồ, ông phế thái tử Tôn Hòa đầy ải ra Trường Sa, đồng thời cũng giết chết Lỗ Vương đồng thời đẩy tất cả những người theo phe cánh của Lỗ Vương vào con đường chết, rồi lập hoàng tử út Tôn Lượng lên làm thái tử.
Cũng chính vì thái tử còn quá nhỏ tuổi mà chỉ 10 năm sau, Đông Ngô nội chiến liên miên, bản thân nước Ngô cũng thoái trào từ đó.
Lưu Bị: A Đẩu là giỏi nhất
Trong 3 người, người lựa chọn người thừa kế thành công nhất chính là Lưu Bị. Vì muốn lập Lưu Thiện làm thái tử mà Lưu Bị không tiếc hi sinh người con nuôi Lưu Phong tài giỏi và dũng mãnh.
Lưu Bị trước khi mất, ở bên cạnh ngoài Gia Cát Lượng và Lưu Thiện ra thì còn có Lỗ vương Lưu Lí, điều này cho thấy ông rất yêu quý người con này, nhưng Lưu Bị lại chưa bao giờ có ý định thay đổi thái tử, điều này nhằm bảo vệ Thục Hán được an định.
Tổng thể mà nói, Lưu Thiện không được kiệt xuất như cha của mình, nhưng so với Ngụy và Ngô sau khi Tào Tháo và Tôn Quyền mất đi thì Lưu Thiện trị nước cũng xem là ổn định nhất trong ba nước. Mặc dù quá trình cai quản đất nước sau này của Lưu Thiện cũng xảy ra không ít vấn đề, nhưng sự diệt vong của Thục Hán vẫn là vì quốc lực của Thục Hán kém xa so với Ngụy quốc, chứ không phải nói Lưu Bị thay người thừa kế là giải quyết được vấn đề.
Điều quan trọng đó là, thân là một người thừa kế, Lưu Thiện tuy năng lực bình thường nhưng vẫn luôn rất ngoan ngoãn nghe theo di nguyện của Lưu Bị đó là nghe lời Gia Cát Lượng. Sau khi Gia Cát Lượng mất, Lưu Thiện cũng nghe lời Gia Cát Lượng, để Tưởng Uyển và Phí Uy chủ trì việc trong và ngoài nước, bản thân không can dự quá nhiều.
Thân là một người thừa kế, Lưu Thiện rất trung thành và nghiêm túc chấp hành con đường chính trị khi Lưu Bị còn sống, bắc phạt diệt Ngụy, khôi phục Trung Nguyên, so với hai người thừa kế của Ngụy và Ngô, Lưu Thiện ở điểm này rất đáng được khen ngợi.
Nếu để Lưu Thiện ở thời bình, có lẽ sẽ không thể thành công vang dội, nhưng để làm một vị vua trung thành và kiên quyết chắc sẽ không vấn đề gì.