Trong Tam Quốc, có thể nói Tào Tháo là một trong những chính trị gia tham vọng và nổi tiếng bậc nhất. Tào Tháo (155 – 220), biểu tự Mạnh Đức, là người đã đặt nền móng để lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.
So với Tôn Quyền của Đông Ngô, Lưu Bị của Thục Hán, Tào Tháo có nhiều lợi thế hơn cả. Sinh trưởng trong gia đình giàu có, đồng thời có nhiều thuận lợi trong quá trình lập nghiệp, Tào Tháo nhanh chóng gây dựng được cơ nghiệp lớn và có sức ảnh hưởng trong Tam Quốc.
Đặc biệt, với chiến lược "phò tá thiên tử để hiệu lệnh chư hầu" đã biến con đường lập nghiệp cùng tham vọng thống nhất thiên hạ của Tào Tháo trở nên danh chính ngôn thuận và vô cùng thuận lợi.
Sinh thời, Tào Tháo được coi là một chính trị gia, nhà cầm quân có tư duy chiến lược. Vị quân chủ này không những thành công trở thành một trong ba thế lực mạnh nhất Tam Quốc, mà còn góp phần mang lại thịnh vượng và cuộc sống vinh hiển cho con cháu sau này.
Theo sử sách, Tào Tháo có tổng cộng 12 người vợ và thê thiếp. Tuy nhiên, trong số đó có đến 10 người đã từng có chồng. Đây quả là ‘sở thích’ kỳ lạ của Tào Tháo. Việc có nhiều vợ như vậy thì đương nhiên số lượng con của Tào Tháo cũng không ít. Chỉ tính riêng con trai, Tào Tháo đã có tới 25 người con.
Có nhiều con trai đến như vậy, nhưng câu hỏi đặt ra rằng tại sao nhà Tào Ngụy lại bị gia tộc Tư Mã, đặc biệt là Tư Mã Ý dễ dàng đoạt quyền?
Để có được cơ nghiệp của Tào Ngụy, có thể thấy rằng đó là cả một quá trình nỗ lực rất lớn của Tào gia, đứng đầu là Tào Tháo. Nhưng cuối cùng cơ nghiệp này lại bị Tư Mã Ý đoạt quyền vào phút cuối. Tào Tháo là người rất biết nhìn người và sử dụng nhân tài. Chẳng lẽ vị quân chủ này không nhìn ra con người của Tư Mã Ý?
Trên thực tế, Tào Tháo đã sớm nhìn ra con người của Tư Mã Ý, thậm chí còn dặn con trai là Tào Phi phải cẩn trọng, đề phòng người này. Lúc còn sống, Tào Tháo tuy chiêu mộ Tư Mã Ý nhưng cũng luôn đề phòng và cảnh giác.
Hơn nữa, với số lượng con trai đông đảo như vậy, Tào Tháo có lẽ cũng tạm yên tâm phần nào. Tuy nhiên, điều ông không ngờ nhất chính là Tư Mã Ý lại sống quá thọ trong bối cảnh loạn lạc như thời Tam Quốc.
Vậy, khi Tư Mã Ý đoạt quyền của Tào Ngụy, vì sao hàng chục người con trai của Tào Tháo không một ai sẵn sàng đứng lên để chống lại?
Hóa ra điều kỳ lạ này là có nguyên nhân.
Nguyên nhân Tư Mã Ý dễ dàng đoạt quyền?
Tào Ngụy sớm mất quyền lực vào tay gia tộc Tư Mã kể từ sau khi Tư Mã Ý tiến hành cuộc đảo chính năm 249, sử gọi là Sự biến lăng Cao Bình. Hoàng đế của Tào Ngụy kể từ đó chỉ còn tồn tại trên lý thuyết và quyền lực trọng yếu do gia tộc Tư Mã nắm giữ.
Nguyên nhân cho sự sụp đổ nhanh chóng của Tào Ngụy là do 25 người con trai của Tào Tháo về cơ bản đều chết trẻ. Ngay cả Tào Phi, tức Ngụy Văn Đế, một trong những người con nổi bật nhất của Tào Tháo, cũng chỉ sống đến năm 39 tuổi.
Mặc dù có sự tin tưởng Tư Mã Ý, nhưng trong thời kỳ trị vì của Tào Phi, binh quyền đều nằm trong tay vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tào Ngụy. Do đó, Tư Mã Ý đương nhiên cũng không thể thực hiện bất kỳ hành động sai trái nào hay manh nha ý đồ tạo phản.
Những người con trai khác của Tào Tháo cũng đều đoản thọ. Tào Thực, người con nổi tiếng tài hoa của Tào Tháo, cũng chỉ sống tới năm 41 tuổi.
Sau đó, đến thời Tào Duệ, tức Tào Ngụy Minh Đế, con trai Tào Phi, cũng đoản mệnh. Tào Duệ chỉ trị vì tổng cộng 13 năm và cũng là vị hoàng đế cuối cùng của Tào Ngụy nắm được thực quyền trong tay.
Sau cùng, Tào Phương lên ngôi nhưng không đủ năng lực để áp chế Tư Mã Ý.
Tư Mã Ý cả đời ẩn nhẫn, chịu đựng 3 đời Tào gia, đến khi Tào Phương lên ngôi, vị mưu sĩ này mới dần bộc lộ tham vọng quyền lực.
Điểm yếu của con cháu Tào Tháo chính là đoản thọ. Ngược lại, tuổi thọ cao lại là ưu điểm hiếm có của Tư Mã Ý. Không những có tài thao lược, ẩn nhẫn, sức chịu đựng cao, Tư Mã Ý thành công vượt qua sự đề phòng của Tào Tháo, Tào Phi, Tào Phương và cuối cùng lật ngược tình thế bằng một cuộc chính biến ngoạn mục khi đã bước sang tuổi 70.
Ngoài ra, gia tộc Tư Mã cũng nổi tiếng là có nhiều nhân tài, thực lực rất mạnh. Do đó, nền tảng quyền lực do Tư Mã Ý tạo ra ban đầu trở thành bước đệm quan trọng cho con cháu sau này soán ngôi nhà Tào Ngụy, lập nên nhà Tấn, thống nhất Tam Quốc.