Trong thời kỳ lịch sử đẫm máu như Tam Quốc, bên cạnh những cuộc đấu trí, cuộc so tài giữa các võ tướng, danh tướng hàng đầu lúc bấy giờ luôn là chủ đề hấp dẫn. Việc các võ tướng chiến thắng trong các trận đơn đấu cũng có ý nghĩa rất lớn góp phần khích lệ sĩ khí của các đại quân trước khi tham chiến.
Trong số các võ tướng vang danh Tam Quốc, không thể không nhắc đến Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân. Luận về võ công, cả Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân đều là các cao thủ khiến nhiều người phải kiêng dè. Tuy nhiên, nếu không giao đấu thì bình thường khó phân thắng bại, bởi ba người nằm trong "Ngũ hổ tướng" của Lưu Bị, tình cảm huynh đệ rất tốt.
Vậy, xét về năng lực toàn diện, làm sao để biết ai mạnh hơn ai?
Đáp án cho bài toán so sánh này hoàn toàn có thể được giải mã thông qua phân tích từ đối thủ chung của Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân. Người đó chính là Tào Tháo.
Đánh giá của Tào Tháo về Quan Vũ
Đi theo Lưu Bị ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, Quan Vũ là võ tướng nổi danh trong Tam Quốc. Tào Tháo cũng nhanh chóng chú ý và dành sự ngưỡng mộ cho Quan Vũ.
Năm 190, khi liên minh 18 lộ chư hầu đem quân đi đánh Đổng Trác, Kiệu kỵ Hiệu úy Hoa Hùng đã liên tiếp chém nhiều tướng. Lúc bấy giờ, Viên Thiệu than thở rằng: "Tiếc rằng Nhan Lương, Văn Xú chưa tới. Nếu có một người ở đây thì đâu cần phải sợ Hoa Hùng?".
Sau đó, Quan Vũ bước ra và nhanh chóng trổ tài giết chết Hoa Hùng khiến các chư hầu kinh ngạc. Chiến tích này của Quan Vũ đã ngay lập tức để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng Tào Tháo.
Tào Tháo dành sự quan tâm đặc biệt cho Quan Vũ, thậm chí từng vì Quan Vũ cầu xin mà tha chết cho một người. Theo đó, năm 198, sau khi đánh bại và giết chết Lã Bố tại Hạ Bì, Tào Tháo bắt được Trương Liêu. Ngay khi Tào Tháo chuẩn bị ra lệnh giết chết Trương Liêu, Quan Vũ bèn lên tiếng cầu xin.
Điều này khiến nhiều người bất ngờ bởi Quan Vũ nổi tiếng cao ngạo lại lên tiếng cầu xin Tào Tháo tha chết cho Trương Liêu.
Nể tình Quan Vũ nên Tào Tháo đã quyết định tha chết cho Trương Liêu. Mãnh tướng này đã đầu hàng Tào Tháo và sau này lập được nhiều công lao hiển hách cho Tào Ngụy.
Đến năm 200, Tào Tháo thống lĩnh đại quân tiến đánh Từ Châu khiến quân của Lưu Bị không chống nổi, thua chạy tan tác. Lưu Bị khi đó bỏ chạy sang Hà Bắc để nương nhờ Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam, còn Quan Vũ buộc phải đầu hàng Tào Tháo, theo về Hứa Xương, để bảo vệ gia quyến của Lưu Bị.
Danh tướng này còn dám ra điều kiện với Tào Tháo, gọi là "ước pháp tam chương", nhấn mạnh chỉ hàng Hán, không hàng Tào, và nếu biết tin Lưu Bị ở đâu thì sẽ đi tìm ngay. Điều kiện vô lý này không những được chấp nhận mà Tào Tháo còn tìm mọi cách để lấy lòng Quan Vũ.
Theo đó, Tào Tháo ban tặng mỹ nữ, rượu ngon, vàng bạc…, thậm chí là Xích Thố, tuấn mã nổi tiếng từng được Lã Bố cưỡi, cho Quan Vũ. Hơn nữa, ông còn tâu lên Hán Hiến Đế, sắc phong cho Quan Vũ trở thành Hán Thọ Đình Hầu.
Trong thời gian tạm quy hàng Tào Tháo, Quan Vũ đã lập được nhiều chiến công hiển hách như chém Nhan Lương, Văn Xú, hai tướng hàng đầu của Viên Thiệu trong trận Bạch Mã năm 200. Mãnh tướng như Từ Hoảng cũng chỉ có thể cầm cự được 20 hiệp khi đơn đấu với Nhan Lương. Do đó, việc Quan Vũ có thể dễ dàng chém chết Nhan Lương giữa chốn ba quân khiến tất cả mọi người kinh ngạc. Chiến tích này lại một lần nữa cho thấy khả năng chiến đấu tuyệt vời của Quan Vũ.
Đương nhiên việc liên tiếp giết chết hai ái tướng của Viên Thiệu cũng khiến Tào Tháo càng thêm yêu quý và mong muốn quy phục được Quan Vũ.
Đáng tiếc, Quan Vũ là người trung nghĩa, một mực đi theo Lưu Bị, khước từ mọi đãi ngộ mà Tào Tháo ban tặng. Ngay sau nghe tin Lưu Bị đang ở bên Viên Thiệu, Quan Vũ lập tức đi tìm. Vì muốn giữ chân Quan Vũ, Lưu Vị đã không cấp giấy qua ải. Quan Vũ đã qua 5 ải chém 6 tướng của Tào Tháo để mở đường máu mà đi.
Thấy vậy, Tào Tháo vẫn truyền công văn để thả Quan Vũ đi. Điều này đủ để thấy Tào Tháo ái mộ tài năng và phẩm chất của Quan Vũ như thế nào.
Ngoài võ công hơn người, Quan Vũ cũng là một danh tướng giỏi chiến thuật. Điều này đã được minh chứng khi Quan Vũ đánh tan 7 đạo quân Ngụy ở Phàn Thành vào năm 219, dựa vào mưa lũ.
Sau khi đánh tan 7 đạo quân Ngụy, chém tướng Ngụy là Bàng Đức, Quan Vũ dựa vào mưa lũ dự định thừa thắng xông lên san phẳng Phàn Thành và đánh tới kinh đô để bắt Tào Tháo.
Ngay sau khi hay tin Quan Vũ giành chiến thắng vang dội, Tào Tháo khi đó rất lo lắng, thậm chí có ý định dời đô và đưa Hán Hiến Đế ra khỏi Hứa Xương.
Biết rõ võ công của Quan Vũ qua những chiến tích vang danh Tam Quốc, nhưng khả năng quân sự của Quan Vũ khi tham chiến mới thực khiến Tào Tháo được phen hoảng sợ, thậm chí còn muốn dời đô. Như vậy, rõ ràng, đối với Tào Tháo, Quan Vũ là một danh tướng mạnh nhất.
Đánh giá của Tào Tháo về Trương Phi
Thoạt đầu, Tào Tháo chỉ biết rằng Trương Phi rất giỏi võ nghệ. Nhưng việc Trương Phi vì bất cẩn mà đánh mất Từ Châu vào năm 195 khiến Tào Tháo không đánh giá cao võ tướng này. Trong suy nghĩ của Tào Tháo, Trương Phi chẳng có gì đáng sợ.
Tuy nhiên, theo Tam Quốc diễn nghĩa, trận Bạch Mã (năm 200) đã trực tiếp làm thay đổi thái độ của Tào Tháo với Trương Phi.
Cụ thể, sau khi Quan Vũ nhanh chóng giết chết hai tướng Nhan Lương, Văn Xú để đáp lại ân tình, Tào Tháo đã hết lòng khen ngợi. Thế nhưng, lúc này, Quan Vũ lại nói với Tào Tháo rằng, bản thân ông chưa thấm vào đâu khi nghĩa đệ là Trương Phi còn có thể trong đám quân trăm vạn lấy đầu thượng tướng dễ như lấy vật gì ở trong túi.
Câu nói này của cho thấy Quan Vũ đánh giá rất cao võ công của Trương Phi. Do đó, sau khi nghe xong, Tào Tháo đương nhiên cũng dè chừng Trương Phi.
Sau này, vào năm 208, trong trận Trường Bản, Lưu Bị chịu thất bại nặng nề nên phải tháo chạy. Tào Tháo dẫn đại quân đi truy kích và đuổi kịp Lưu Bị tại Đương Dương – Trường Bản.
Trương Phi lúc bấy giờ nhận nhiệm vụ chặn hậu để Lưu Bị tháo chạy. Dẫn theo 20 kỵ binh mai phục phía sau, Trương Phi chọn đầu cầu Trường Bản để quan sát tình hình quân địch.
Trương Phi một mình một ngựa đứng trên cầu hét lớn: "Ta là Trương Dực Đức, người nước Yên. Ai dám cùng ta quyết trận sinh tử".
Tiếng hét lớn của Trương Phi khi đó như tiếng sấm khiến đại quân Tào run sợ. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Trương Phi tiếp tục quát lớn và không ngờ khiến cho Hạ Hầu Kiệt, một võ tướng ở bên cạnh Tào Tháo phải sợ chết khiếp. Các tướng lĩnh vùng đại quân Tào thấy vậy nên cũng không dám tấn công. Lúc này, Tào Tháo chợt nhớ tới lời nói của Quan Vũ về sức mạnh của Trương Phi, hơn nữa lo ngại có mai phục, nên ông nói với tả hữu và quyết định rút lui.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, Tào Tháo kiêng dè sức mạnh của Trương Phi.
Tào Tháo khen ngợi Triệu Vân
Tấm lòng trung nghĩa, sự dũng cảm và hết lòng vì chủ của Triệu Vân được Tào Tháo đánh giá cao. Trong trận Trường Bản năm 208, Triệu Vân đơn thương độc mã phá vỡ vòng vây của quân Tào để cứu A Đẩu (con trai Lưu Bị) đã để lại ấn tượng mạnh với Tào Tháo. Nhìn khả năng chiến đấu của Triệu Vân, Tào Tháo khen ngợi rằng: "Thật là một hổ tướng".
Tào Tháo sở dĩ ra lệnh cho binh sĩ không được bắn tên và phải bắt sống Triệu Vân vì muốn chiêu mộ võ tướng này. Đây cũng là sự cảm kích và thể hiện sự quý trọng tài năng của Tào Tháo dành cho Triệu Vân.
Đối với Tào Tháo, Triệu Vân là một nhân tài hiếm có và ông chỉ mong muốn chiêu mộ. Cả đời tung hoành ngang dọc, Tào Tháo cũng là một người có hiểu biết rộng. Ông từng chứng kiến dáng vẻ anh hùng của Lã Bố, Quan Vũ, Trương Phi và nhiều dũng tướng khác. Do đó, đối với Tào Tháo, Triệu Vân là tài năng đáng ngưỡng mộ.
Vậy, theo Tào Tháo, ai là người có sức mạnh toàn diện nhất?
Dựa theo những phân tích trên, có thể thấy rằng, Tào Tháo nể sợ Quan Vũ ở cả phương diện võ công và khả năng quân sự. Vị quân chủ của Tào Ngụy dè chừng Trương Phi ở sức mạnh võ nghệ và tán thưởng Triệu Vân ở khả năng võ công hiếm có.
Như vậy, theo Tào Tháo, Quan Vũ chính là danh tướng có thực lực toàn diện mạnh nhất, tiếp đến Trương Phi và cuối cùng là Triệu Vân. Điều ít biết về khúc nhạc đầu phim Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử.