"Tang lễ của người An Nam"
Tang lễ của người An Nam họa lại bức tranh toàn diện và sống động về nghi thức tổ chức lễ tang của người Việt vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thông qua góc nhìn, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Gustave Dumoutier - một học giả phương Tây am tường về Việt Nam.
Được coi là công trình khảo cứu công phu và toàn diện nhất về tang lễ, Tang lễ của người An Nam tổng hợp hệ thống thông tin công phu tỉ mỉ và có khả năng tái hiện những tập tục xưa theo cách chân thực nhất.
|
Bìa sách "Tang lễ của người An Nam" (Ảnh: Nhã Nam). |
Tập khảo cứu được chia làm nhiều phần. Phần đầu tiên và cũng chiếm nhiều thời lượng của công trình, Dumoutier nói về các nghi thức trước và sau khi có người mất.
Cụ thể: các bài kinh; thần chú; phó chúc được đọc trước và trong nghi thức tang lễ; các loại bùa mai táng và ý nghĩa; các nghi thức cần thực hiện; các nghi lễ để tiến hành chôn cất; thuật phong thủy trong việc làm mộ phần và buổi tang lễ.
Phần thứ hai tập trung vào linh hồn sau cái chết và luân hồi. Trong phần này, tác giả tái hiện tín ngưỡng cổ truyền về linh hồn sau cái chết, 10 tầng địa ngục và luân hồi.
Cuối cùng là phần phụ lục với những thông tin phong phú về tang phục, danh mục thuật ngữ và phụ lục ảnh để độc giả có thể nghiên cứu sâu thêm.
Tang lễ - một trong hai tập tục lớn của đời người
Đời người điểm tên hai tập tục lớn nhất là hôn nhân và tang lễ. Nghiên cứu về dân tộc học và các tín ngưỡng cổ truyền không thể bỏ qua hai nghi thức quan trọng bậc nhất này.
Các nghiên cứu về hôn nhân cũng như sự sống không hiếm, thậm chí được khai thác rất nhiều. Trong khi các nghi thức về sự chết, được tiến hành sau khi sự sống của một con người điểm tiếng thở cuối cùng lại có phần ít hơn hẳn.
Không chỉ là một tập tục thông thường, tang lễ là một nghi lễ mang tính tín ngưỡng dân tộc. Không giống nhiều học giả khai thác đề tài tang lễ trước đó, học giả người Pháp Dumoutier có những nhận định sâu sắc và phức tạp hơn.
Những gì ông thuật lại trong Tang lễ của người An Nam dễ dàng chứng minh sự kết hợp giữa Đạo giáo, tín ngưỡng phù thuật và Phật giáo, cùng vai trò của ông sư và thầy cúng.
Không dùng lăng kính của một người phương Tây theo tôn giáo nhất thần, Dumoutier quan sát sâu xa hơn và nhận định sự phức tạp của đời sống tôn giáo ở Việt Nam như một khu rừng tâm linh nhiều tầng.
Tác phẩm của ông với những ghi chép tỉ mỉ, lý giải từng khái niệm, là một tài liệu quý trong việc nhìn lại văn hóa truyền thống.
|
Hình minh họa nghi thức tang lễ của người An Nam (Ảnh: Nhã Nam). |
Tái hiện nghi thức tang ma trong tâm thức người Việt xưa
Trong Tang lễ của người An Nam, Dumoutier không ghi chép toàn bộ chương trình tang lễ mà chọn lọc đi sâu vào một số bước quan trọng, đặc biệt những bước có khấn khứa.
Ví dụ các nghi lễ: tống chung, kết hồn bạch, khâm liệm, thành phục, tục cúng và trấn yểm bất đắc kỳ tử, lễ an táng, cỗ tang, lăng mộ, tục thờ cúng tổ tiên và thuyết luân hồi.
Trong tập khảo cứu công phu này, độc giả dễ dàng tiếp cận những tập tục trong tang lễ mà người Việt vẫn còn lưu giữ đến nay như: liệm, an táng, chôn cất, các mâm cỗ tang, tục cải táng...
Trong đó, tác giả giải thích thêm về quan niệm cũng như ý nghĩa của các nghi lễ quan trọng, nhằm tái hiện một cách đầy đủ tâm thức của người Việt xưa trong các nghi thức ma chay.
Tập hợp tư liệu minh họa quý giá
Không chỉ dựa trên nguồn tư liệu tham khảo phong phú và đa dạng, Tang lễ của người An Nam còn gồm một lượng lớn bức vẽ, hình minh họa cổ vừa chi tiết vừa sống động, cùng những mẫu bùa chú khác thường, hiếm thấy.
Các hình bùa chú được bố trí chủ yếu trong hai phần Bùa mai táng và Chôn cất, kèm các chú thích về hình và chữ trên bùa để độc giả tiện tra cứu và tìm hiểu sâu thêm.
Các hình vẽ được bố trí theo từng phần cụ thể, nhằm minh họa cho các thông tin được tổng hợp trước đó, tái hiện chân thực và sống động hơn các nghi lễ tang ma xưa.
|
Cuốn sách tái hiện nghi thức tang ma trong tâm thức người Việt xưa (Ảnh: Nhã Nam). |
Ngoài ra, Tang lễ của người An Nam còn tập hợp nhiều tranh minh họa quý về 10 tầng địa ngục theo quan niệm đương thời trong phần Linh hồn ở địa ngục.
Người An Nam chia địa ngục thành 10 điện rộng lớn, mỗi điện do một vị thần cai quản gọi là Vương. Vì vậy với mỗi tầng địa ngục đều có hai tranh minh họa, một là điện của vị thần cai quản, hai là tầng địa ngục với các hình phạt.
Để tái hiện chân thực nhất một buổi lễ tiễn đưa người mất của người An Nam xưa, cuốn sách còn phụ lục ảnh với một loạt bản tranh minh họa miêu tả một đoàn đưa tang hoàn chỉnh.
Họa sĩ lấy hình mẫu là một thương lái gấm lụa cự phú tên Công Sủng, qua đời năm 1877, chôn tại Hà Nội.
Không chỉ dừng lại ở việc chuyển ngữ công trình từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, trong khả năng có thể, người hiệu khảo đã nỗ lực truy nguyên nguồn tư liệu được Gustave Dumoutier sử dụng.
Tang lễ của người An Nam là công trình khảo cứu công phu, dựa trên nguồn tư liệu tham khảo phong phú và đa dạng, cùng lượng tranh/ảnh minh họa hiếm có, sẽ là một tư liệu quý giá, đặc sắc, cho cả người đọc phổ thông lẫn nhà nghiên cứu chuyên sâu.
Gustave Dumoutier (1850-1904) là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự đáng kính của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học, lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.
Ông sinh ra tại Courpalay (Pháp), từng học tại Hội Khảo cổ vùng Seine-et-Marne.
Năm 1886, sau khi tham gia khóa học Việt ngữ và Hán ngữ tại Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương, Dumoutier sang Đông Dương làm phiên dịch cho Paul Bert.
Dumoutier được xem là nhân vật tiên phong và ghi dấu ấn bằng nhiều khảo cứu có giá trị trên nhiều phương diện. Tác phẩm khảo cứu giá trị và nổi tiếng nhất của ông là Tang lễ của người An Nam.