Theo chính sử, vào năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070), “mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Như vậy, đây là sự kiện đánh dấu Nho giáo đã được chính quyền phong kiến Việt Nam bắt đầu coi trọng, đề cao. Ngoài tượng Khổng Tử và Chu Công còn có tứ phối gồm bốn học trò nổi tiếng của Khổng Tử là Nhan Tử (Nhan Hồi), Tăng Tử (Tăng Sâm), Tử Tư (Khổng Cấp), Mạnh Tử (Mạnh Kha) và thất thập nhị hiền, tức 72 học trò giỏi của ông.
Việc thờ cúng Khổng Tử và các tiền hiền ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử chủ yếu mô phỏng theo nghi thức thờ cúng ở Trung Quốc. Trong Văn Miếu ở Thăng Long, ngoài thờ Khổng Tử và các hiền triết Trung Hoa ra, sau này còn có một số người Việt Nam được đưa vào phối thờ mà nổi tiếng nhất là Chu Văn An, một vị Nho học đời Trần, từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và biên soạn sách Tứ thư thuyết ước, sách quảng bá đạo Nho. Việc thờ cúng ở Văn Miếu không hẳn giống hoạt động của một tôn giáo, nhưng được xem như một trong những nghi thức tế lễ quốc gia.
|
Cổng vào di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). (Hình minh họa – Nguồn: mitsuwatravel.com). |
Qua thời gian và những biến động lịch sử, Văn Miếu nhiều lần được tu sửa, mở rộng, xây dựng thêm một số công trình khác. Vua chúa rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo vệ Văn Miếu; đến thời Hậu Lê, nhất là vào thời Lê Trung hưng vua Lê chúa Trịnh thường cho tu sửa Văn Miếu, Quốc Tử Giám và làm bái yết tại đây. Thí dụ như vào năm Ất Hợi niên hiệu Chính Hoà thứ 16 (1695), “mùa đông tháng 10 chúa Trịnh Căn đến nhà Thái học, bái yết Tiên Thánh, nhân làm thơ ca tụng đạo đức thánh nhân, khắc và bia dựng ở nhà Thái học (Đại Việt sử ký tiền biên).
Bài thơ này được khắc trên bia đá, sau lại được khắc trên biển gỗ, nay vẫn còn, nội dung bằng chữ Nôm như sau:
Đạo thống tường xem nhật nhật minh,
Vậy nên biểu lập trước trung đình.
Tôn nghiêm vốn có bề phương chính,
Trân trọng nào sai mức đất bằng,
Rộng chứa văn chương hằng rỡ rỡ.
Tỏ ghi đức giáo hãy rành rành
Vững bên sóc sóc đồng thiên địa,
Thấy thấy ai là chẳng ngưỡng thành.
Từ thời Lý đã lập Văn Miếu, đắp tượng thờ Khổng Tử để thờ phụng, nhưng qua nhiều triều đại, do quan niệm rằng sinh thời Khổng Tử giữ chức Tư khấu ở nước Lỗ, coi về việc hình phạt nên trang phục tượng thờ được tạc theo phẩm phục của quan Tư khấu. Mãi đến tháng 12 năm Ất Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (1775), theo lời tâu trình của một đại thần, vua Lê Hiển Tông đã sai chế lại trang phục cho bức tượng Khổng Tử theo trang phục của vua. Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết như sau: “Bắt đầu chế mũ miện, áo cổn mặc vào tượng đức thánh Khổng Tử thờ ở Văn Miếu. Tham tụng Nguyễn Huy Nhuận nói: “Thánh nhân là thầy của đế vương muôn đời, mà lễ phục vẫn dùng phẩm phục quan Tư khấu, không tỏ được lòng tôn sùng”. Bèn đổi làm mũ miện, áo cổn là phẩm phục của vương giả để thờ”.
|
Tượng thờ Khổng Tử tại điện Đại Thành - Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. (Hình minh họa – Nguồn: Wikimapia). |
Về bức tượng Khổng Tử hiện tại ở Văn Miếu thì chắc chắn được tạo lại vào năm Kỷ Dậu niên hiệu Vĩnh Khánh thứ nhất (1729) đời Lê Phế Đế; theo biển đề dưới chân tượng bằng chữ Hán đã cho biết nội dung như sau: “Thuận An phủ thự Đồng tri phủ Nguyễn Kim Hoa, Gia Phúc huyện, Bá Thủy xã nhân tạo Tiên Thánh tượng. Vĩnh Khánh nhất niên bát nguyệt sơ bát nhật”. Phía cuối đề chữ “Biển” khá lớn. Nghĩa là: Quyền Tri phủ phủ Thuận An, người xã Bá Thủy, huyện Gia Phúc tạo tượng Tiên Thánh, ngày 8 tháng 8 năm Vĩnh Khánh thứ nhất. Biển”.
Biển đề trên bệ tượng thờ Khổng Tử được sơn son thiếp vàng, hình chữ nhật, hai góc trên vát chéo, chiều dài chừng 35cm, chiều cao 27 cm, được đặt trên giá đỡ bằng gỗ.
Đây cũng có thể xem như một trong những bức tượng Khổng Tử có niên đại sớm nhất hiện nay ở nước ta, tuy nhiên bức tượng này ban đầu không phải được đặt tại Văn Miếu Thăng Long mà được đưa từ nơi khác về.
Sử sách cho biết, vào năm Mậu Thìn (1808) khi cho xây dựng Văn miếu ở kinh đô Huế, vua Gia Long đã quyết định thay bài vị thay cho tượng và tranh thờ để cho việc thờ phụng Khổng Tử và học trò của Ngài được trang nghiêm hơn. Triều đình cũng xuống chiếu cho các địa phương, nơi nào có Văn miếu thì đặt bài vị (gọi là thần vị) Tiên sư để thờ, nếu trước đó đã có tượng (thần tượng) thì phải chọn nơi đất sạch mà đem chôn đi và thay bằng thần vị để thờ. Trong sách Đại Nam thực lục có ghi lời vua Gia Long nói với các quần thần như sau:
“Trong Văn miếu trước có tượng, hiệu là Văn Tuyên vương, trẫm nghĩ rằng tước vương tuy trọng nhưng không hợp nghĩa tôn thầy, tượng tuy cổ thật, song gần như là khinh nhờn. Đó là vì khi bắt đầu gây dựng còn noi theo chế độ các đời trước, chưa rỗi chỉnh đốn lại. Nay bàn lễ xét văn là trách nhiệm ở trẫm, bọn khanh nên hiểu ý trẫm, tâu bày việc đó cho trẫm nghe.
Bầy tôi xin theo chế độ nhà Minh, đổi làm bài vị, xưng là Chí Thánh tiên sư Khổng Tử cho hợp lệ ý. Vua cho là phải”.
Như vậy Văn Miếu Thăng Long từ thế kỷ XIX không còn tượng thờ mà chỉ có bài vị mà thôi. Mãi về sau này, vào năm 1960 trong quá trình khảo sát, kiểm kê hiện vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội, ngành văn hóa Thủ đô đã tìm thấy tại huyện Từ Liêm bộ tượng Khổng Tử, Tứ phối mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII và quyết định đưa về đặt tại điện Đại Thành trong khu vực Văn Miếu từ đó đến nay.
Phía sau bức tượng Khổng Tử có khám thờ, trên có ngai và bài vị đề hàng chữ: “Đại Thành Chí Thánh Tiên sư Khổng Tử thần vị”. Đây chính là bài vị thờ (thần vị) được tạo tác theo chiếu chỉ của vua Gia Long năm Mậu Thìn (1808) về việc thờ phụng tại Văn miếu trên cả nước.