Lê Thần Tông tên thật là Lê Duy Kỳ, sinh ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi (1607), là con trưởng của Lê Kính Tông, thân mẫu là Đoan Từ hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ của chúa Bình An vương Trịnh Tùng).
Tiền kiếp của vua là một ông lão ăn mày
Vị vua kỳ lạ này được ca ngợi là người “có sống mũi cao, mặt rồng, thông minh học rộng, mưu lược sâu sắc…” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Thần Tông dáng mạo hiền hòa,
Thông minh, học rộng, tài ba hơn người.
(Nguyễn Thị Huệ - Việt Nam bốn ngàn năm)
Cũng giống như các vị hoàng đế khác, sự ra đời của Lê Thần Tông cũng nhuốm màu sắc kỳ lạ, nhưng khác ở chỗ không phải là huyền tích thiên thần giáng sinh hay nằm mộng có con… mà lại là về tiền kiếp của vua. Trong sách Tang thương ngẫu lục cho biết về tiền kiếp của Lê Thần Tông như sau: “Vua Kính Tông hồi tiên triều (triều Lê), ở ngôi lâu năm mà chưa sinh hoàng nam để lập làm Thái tử, thường cầu khấn trời đất, quỷ thần mãi. Rồi hoàng hậu Trịnh thị có mang, ngày lên giường cữ mãi chưa sinh được, lòng vua lo lắng. Chợt vua chiêm bao thấy có người bảo:
- Hoàng tử còn ở chợ Báo Thiên, hậu cung đã sinh mau sao được!
Tỉnh dậy vua sai nội giám thử ra chợ ấy dò xem. Bấy giờ vừa tang tảng sáng, chợ vắng tanh chưa có ai. Nội giám chỉ thấy dưới gầm phản hàng thịt có lão ăn mày, tóc bạc phơ, tuổi chừng 81- 82 đang ngắc ngoải chờ chết. Nội giám vội chạy về tâu. Vua lại sai ra hỏi xem. Đến sáng thì lão ăn mày chết. Giữa lúc ấy trong cung, hoàng hậu sinh hoàng tử. Hoàng tử lớn lên nối ngôi, tức Thần Tông… Vua sinh được bốn con là Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông đều nối ngôi thiên tử, phúc thọ vào bậc nhất đời Trung Hưng”.
Tác giả sách Tang thương ngẫu lục có lời bình rằng: “Lão già ở chợ Báo Thiên lại là hậu thân của vua Thần Tông triều Lê,… một lão ăn mày tái sinh vào bậc đế vương, khiến người không thể hiểu nổi”.
|
Tượng thờ vua Lê Thần Tông. (Hình minh họa - Ảnh: Trần Đình Ba) |
Trong Lịch triều hiến chương loại chí không ghi chép về chuyện lạ lùng của Lê Thần Tông nhưng có đôi dòng viết về vua như sau: “Thần Tông uyên hoàng đế tên là Duy Kỳ, con trưởng của Kính Tông, mẹ là Thái hậu Đoan Từ họ Trịnh, con gái Bình An vương. Khi Kính Tông chết, được Bình An vương lập lên. Vua lấy ngày sinh làm Thọ dương khánh tiết. Vua mũi cao, mặt rồng có vẻ khác người, sáng suốt học rộng, thường thích văn thơ, cùng với nhà chúa một nhà hòa vui êm thấm. Bình An vương chết, Thanh vương Trịnh Tráng, Tây vương Trịnh Tạc lần lượt kế chân phụ chính. Vua ung dung rủ áo chắp tay hưởng lộc lâu dài. Vua ở ngôi được 25 năm, truyền ngôi cho Hoàng Thái tử. Nhường được 6 năm, khi Chân Tông chết, lại lên ngôi được 13 năm nữa. Thọ 56 tuổi, đặt niên hiệu 7 lần”.
Đôi nét độc đáo về lễ Khánh thọ của Lê Thần Tông
Lê triều hội điển là cuốn sách chép về các chế độ, luật lệnh thời Lê Trung hưng được tổng hợp, phân loại, sắp xếp theo cách thức một bộ hội điển, nội dung được phân làm 6 phần theo thứ tự từ Hộ thuộc đến Lại thuộc, Binh thuộc, Hình thuộc, Công thuộc và Lễ thuộc.
Về lễ sinh nhật của vua, thời xưa lễ này được gọi là lễ Khánh Thọ hoặc Khánh tiết, các nghi thức trong lễ này được sách Lê triều hội điển cho biết khái quát như sau: “Trước đó một ngày, quan Khâm mệnh chuẩn bị cáo yết các tôn vị ở Thái miếu, điện Chí Kính, Văn Miếu và các cung miếu. Làm sẵn một ngôi điện lợp tranh ở chợ huyện. Sớm hôm ấy, văn võ bá quan đón sẵn ở chợ huyện. Quan Chưởng Khánh (dùng quan Thượng thư) làm lễ bái trước điện tranh. Văn võ bá quan làm lễ bốn vái. Bá quan đi trước rước vào điện Vạn Thọ, làm lễ theo nghi thức xong thì ban yến. Các viên được dự yến trong điện, tùy theo phẩm hàm, chia ra đứng hầu hai bên thềm. Yến xong, bá quan vào bái yết ở sân điện. Làm lễ 5 vái xong rước vua vào nội điện. Quan Khâm mệnh và quan Chưởng khán khiêng cây vạn tuế vào nội điện. Bá quan lần lượt đi ra”.
|
Nữ nhạc múa hát trước sân điện nhà vua. (Hình minh họa – Nguồn: antoki.frvn). |
Theo như ghi chép ở trên thì lễ sinh nhật của vua có một phần nghi thức được tổ chức ở chợ, có lẽ nó xuất phát từ chính câu chuyện đầu thai lạ kỳ của Lê Thần Tông và các đời vua nối sau vẫn tuân theo nghi thức ấy. Sách Tang thương ngẫu lục có viết rằng:
“Khi ở ngôi, [Thần Tông] lấy ngày sinh làm tiết Thọ Dương, hàng năm đến ngày ấy, nhà chức trách dựng hành tại ở chợ Báo Thiên, bộ Lễ sắm xe giá tán quạt, đến hành tại rước hai cây thiên tuế, vạn tuế làm bằng trúc về cung; các quan ở tòa Kinh diên lại rước hai cây ấy đi quanh giường ngự ba vòng, chúc Hoàng đế sống lâu muôn tuổi. Lễ cử hành xong, vua ngự ở điện Vạn Thọ, nhận lễ chầu mừng, ban yến ở sân điện. Các triều vua sau cũng theo như thế, gọi là lễ Khánh Thọ bảo thần”.
Trong thời gian ở ngôi của mình, có lần Lê Thần Tông tổ chức một lễ sinh nhật độc đáo với việc cho phép cả quan lẫn dân vào dự và xem biểu diễn ca trù. Sách Lược sử ca trù có đoạn viết: “Đời vua Thần Tông (1619-1662), ngày sinh nhật vua, vua ngự ở điện Vạn Thọ, chúa Trịnh dẫn trăm quan vào làm lễ chúc mừng, trong cung yến tiệc suốt ngày và hát đủ mọi lối, có bọn nữ nhạc múa hát khúc đại thực. Các quan đều dẫn người vào xem, chen chúc nhau, ai cũng muốn đến gần xem cho rõ. Vua thấy thế mới truyền tiểu giám lấy những hòn đá lớn để cho nữ nhạc đứng lên trên mà hát, chủ yếu cho mọi người cùng nghe thấy và cùng trông thấy. Từ ấy, đổi gọi khúc ấy là đại thạch”.
Lê Thần Tông lên ngôi tháng 6 năm Kỷ Mùi (1619), ở ngôi đến tháng 10 năm Qúy Mùi (1643) được 24 năm cầm quyền thì truyền ngôi cho con là Lê Chân Tông rồi lên làm Thái thượng hoàng. Tháng 10 năm Kỉ Sửu (1649) sau khi con là Lê Chân Tông mất, chúa Trịnh và quần thần lại rước Thái thượng hoàng lên ngôi lần thứ hai, ông làm vua đến 9 năm Nhâm Dần (1662), ở ngôi được ngôi 13 năm. Tính tổng cộng hai lần làm vua, Lê Thần Tông ở ngôi được 37 năm.