Sự thật chấn động về vợ yêu kỳ lạ nhất của Trần Anh Tông

Google News

(Kiến Thức) - Trong số các Hoàng hậu, phi tần của Trần Anh Tông (1293-1314) có một người nổi tiếng không phải vì nét đẹp kiêu sa, đức độ nhu thuận mà nổi tiếng bởi sự quả cảm, dũng mãnh. 

Người phụ nữ khác thường đó là Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị La, còn được gọi là bà chúa Mái.
Trần Anh Tông lên ngôi vào đầu tháng 3 năm Qúy Tị (1293), làm vua đến tháng 3 năm Giáp Dần (1314), ở trên ngai vàng 21 năm thì nhường ngôi cho con để ở ngôi vị Thái thượng hoàng trong 6 năm (1314 - 1320) rồi qua đời tại cung Trùng Quang ở phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay) vào ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), thọ 44 tuổi, được đặt thụy hiệu là Hiển văn duệ vũ khâm minh nhân hiếu hoàng đế.
Về thân thế, Trần Anh Tông tên thật là Trần Thuyên, sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tí (1276), ông là con trưởng của Trần Nhân Tông, thân mẫu là Bảo Thánh hoàng hậu Trần Thị Quyên Thanh (con gái cả của Trần Hưng Đạo).
Đánh giá về ông, sử sách có nhiều lời ngợi khen, thí dụ như trong tác phẩm Việt giám thông khảo tổng luận có lời bình rằng: “Anh Tông định ra cấp bậc triều ban của văn võ, đặt quy thức khoa cử của sĩ nhân, khi đại hạn thì soát ngục tha tù, năm đói to thì cho vay phát chẩn; trị đạo lấy nuôi dân làm kíp, chính sự lấy phong hiến làm đầu; văn vật chế độ, đổi mới một lượt, cũng đủ là bậc vua hiền của nhà Trần”.
Mặc dù trị vì ở thời thái bình, nhưng không phải không có lúc ở một số nơi có tình trạng bất ổn, trộm cướp, phản loạn nổi dậy khiến triều đình và nhà vua phải nhọc công lo nghĩ, vất vả đem quân đánh dẹp.
Chuyện bình định phản tặc không chỉ là việc của các tướng lĩnh mà điều kỳ lạ là một người vợ của vua Trần Anh Tông lại trực tiếp cưỡi ngựa cầm gươm ra trận, đó là Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị La.
Theo chính sử và các nguồn tài liệu khác nhau, Trần Anh Tông có nhiều vợ, người giữ vị trí đứng đầu hậu cung của ông là Hoàng hậu Bảo Từ (cháu nội Trần Hưng Đạo), sau đó là Hoàng hậu Chiêu Hiến (con gái của danh tướng Trần Bình Trọng), ở thứ bậc thấp hơn là Thứ phi Phạm thị (con gái danh tướng Phạm Ngũ Lão), Đệ tam cung phi Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phi tần Đà La Thanh (người Tây Vực), Cung tần Trần thị…
Su that chan dong ve vo yeu ky la nhat cua Tran Anh Tong
 Tượng thờ vua Trần Anh Tông ở đền Trần – Nam Định. (Hình minh họa – Nguồn: namdinhonline). 
Về thứ phi Nguyễn Thị La, theo bản Vương phả soạn năm Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời Lê Thánh Tông và được lưu giữ ở đền Mái (còn gọi là miếu Mái, nay thuộc xã Nghĩa Chính, huyện Kim Động, Hưng Yên) thì vào thời Trần ở xã Dưỡng Phú, huyện Kim Động, phủ Xích Đằng, xứ Sơn Nam Thượng có ông Nguyễn Công Minh lấy vợ là Trương Thị Ngoạn người xã Dưỡng Hòa, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Hai vợ chồng ăn ở hiền lành, đức độ, được mọi người yêu quý; họ sinh được hai người con trai khôi ngô, tuấn tú, có tài trí. Tuy nhiên, ông bà vẫn mong muốn có một mụn con gái cho vui cửa vui nhà, vì thế khi nghe tin chùa Tuyết Sơn (Hương Tích) rất linh thiêng, hai vợ chồng liền tìm đến lễ Phật, cầu xin Tam bảo mười phương phù hộ cho được sinh con gái.
Bản vương phả viết rằng: “Vốn là một gia đình nối đời nghề thày thuốc, làm phúc giúp người, nên cầu sao được vậy, sau đó bà Trương có mang. Ngày mồng 7 tháng 3 năm Bính Dần [1266] bà sinh được một người con gái, mặt sáng như gương, môi đỏ như phấn hồng, mắt phượng mày ngài, ai nấy đều thầm nghĩ bà sinh hạ được vị thần hương thánh nữ. Khi lên 5 tuổi, dung mạo của nàng càng đẹp, cha mẹ yêu quý đặt tên là Nguyễn Thị La”.
Khi Nguyễn Thị La 13 tuổi, tính tình lanh lợi, thông minh, hình dáng như nguyệt như hoa, cha mẹ rất yêu quý mới cho nàng đi học, khiến văn chương hiểu rộng, kinh truyện làu thông. Tiếc thay chỉ một năm sau, cha mẹ lần lượt nhuốm bệnh qua đời, Nguyễn Thị La rất đau xót, nàng cùng các anh làm lễ an táng chu đáo, thờ phụng đúng nghi lễ.
Bấy giờ cùng trong xã Dưỡng Phú có gia đình họ Đinh giàu có, nhiều thế lực muốn Nguyễn Thị La về làm vợ con trai mình là Đinh Hoàng nhưng bị nàng cự tuyệt. Vì thấy họ Đinh thường gây khó dễ nhằm thúc ép ưng thuận hôn nhân, do đó Nguyễn Thị La mới bỏ về quê ngoại ở xã Đương Hòa, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân ở nhờ tại gia đình nhà ông cậu. Trong thời gian cư ngụ tại đây, nàng bốc thuốc chữa bệnh làm phúc, lại giúp đỡ kẻ nghèo khó thóc gạo nên ơn đức thấm sâu, dân chúng coi nàng như bậc trí nhân, trí đức, rất coi trọng, kính phục xin sau này nguyện thờ phụng hương khói mãi mãi; họ lại coi nàng như nàng tiên giáng trần nên gọi là Tiên Nương.
Tình cảm của Nguyễn Thị La với người dân và mảnh đất quê ngoại cũng rất thắm thiết, gắn bó, nàng từng làm 4 câu thơ rằng:
Đất Dưỡng Hòa thái tục phong trần,
Hương hỏa lưu truyền để lại dân.
Nghĩa đổi đất trời đều chẳng đổi,
Sánh cùng nhà nước vạn nghìn xuân.
Lại nói về gia đình Đinh Hoàng, bị cự tuyệt hôn nhân nên lấy làm tức giận, cho người đi tìm kiếm, dò xét suốt 3 năm mới biết được tin tức của Nguyễn Thị La. Lúc này, họ Đinh đã tụ họp bè đảng được hơn 1000 người làm trộm cướp, chúng phá phách cả một vùng, và vì căm tức đã đến nhà giết hại hai người anh của rồi mưu tính tìm về Dưỡng Hòa bắt nàng.
Có người dân xã Dưỡng Phú biết được mưu ấy mới về quê ngoại báo cho Nguyễn Thị La biết. Thấy tình thế cấp bách, nàng bèn với cậu thu gói hành lý đi lánh nạn, sau đó về kinh đô Thăng Long trọ ở phường Cửa Tây mở cửa hàng bán trầu, nước.
Một hôm, vua Trần Anh Tông ngự giá ra chơi gác Hương Lầu ở cửa Tây, khi vua ngắm cảnh bỗng cảm thấy buồn ngủ bèn thiếp đi, mơ màng trong giấc mộng bỗng thấy có nàng tiên cưỡi rồng từ trên trời bay đến trước mặt vua, tay cầm dải khăn hồng đề 4 câu thơ:
Trời định nàng tiên xuống cõi trần,
Vua hiền cho được sánh hôn nhân.
Cửa Tây như thấy hàng bán nước,
Dưỡng Phú quê nhà, họ Nguyễn tên.
Nhà vua chợt tỉnh, sau đó ngài ngự xuống phố phường du ngoạn, đến xế chiều đi qua hàng trầu, nước bỗng thấy cô chủ quán vô cùng xinh đẹp, nhan sắc dung mạo như người trong mộng bèn vào hỏi chuyện. Thấy nàng trả lời thông minh, tác phong cử chỉ đoan trang, lại được biết đúng người đẹp họ Nguyễn, quê ở xã Dưỡng Phú, vua cho là điềm trời se duyên bèn sai xe loan rước nàng vào cung, cho ở điện phía Tây và phong làm Đệ nhị Cung phi.
Su that chan dong ve vo yeu ky la nhat cua Tran Anh Tong-Hinh-2
Nữ kiệt xông giao tranh giữa trận tiền. (Hình minh họa – Nguồn: sachxua.net). 
Không lâu sau, Đệ nhị Cung phi Nguyễn Thị La nghe tin đám trộm cướp ở Kim Động do cha con họ Đinh cầm đầu ngày càng dữ tợn nổi lên làm giặc, khuấy đảo cả phủ Xích Đằng, quan quân địa phương không thể dẹp nổi, nàng bèn tâu với vua xin được đi đánh. Vua Trần nghe lời tâu rất ngạc nhiên mới phán rằng:
- Giặc cướp nổi lên, muốn đánh dẹp phải chọn người trí dũng trong triều, nay nàng chỉ là một người đàn bà, sao làm được việc ấy, lời tâu xin đi đánh giặc chẳng phải là mạn tấu hay sao?
Cung phi bèn lạy, tâu rằng:
- Việc cung kiếm nữ nhi ra trận đâu phải từ trước tới nay không có. Thiếp tuy là nữ nhi nhưng tự nhận thấy mình có chút mưu trí, thao lược và biết võ nghệ. Nay xin được hoàng thượng phê chuẩn.
Vua Trần Anh Tông thấy nàng quả quyết như vậy liền đồng ý cấp cho quân lính, lương thảo đi đánh. Cung phi bèn mặt giáp trụ cân đai, giả làm trai, tiếp nhận binh lính chí làm tiền quân, hậu quân, tả quân, hữu quân còn mình trực tiếp chỉ huy trung quân; mỗi quân gồm 2.500 người cùng tiến thẳng đến sào huyệt giặc ở Xích Đằng. Sau nhiều trận giao tranh, quân phản loạn bị tiêu diệt, bắt sống gần hết, chủ tướng giặc bị chém đầu tại trận.
Sau khi giành được thắng lợi, Cung phi Nguyễn Thị La đem quân về quê nội ở Dưỡng Phú mở tiệc khao thưởng binh sĩ và tiếp đãi họ hàng, dân làng. Nàng lại cho xây dựng một hành cung bên sông, gọi là “bến Mái xứ”.
Làm vợ vua, Cung phi Nguyễn Thị La sinh hạ được hai hoàng tử và một công chúa, họ hàng của nàng nhờ đó cũng được vinh hiển sang giàu. Năm cung phi 42 tuổi, bà xin phép vua về thăm quê, lễ bái từ đường dòng họ; thuyền rồng chở cung phi đi từ Thăng Long theo sông Nhị Hà về Dưỡng Phú bằng đường thủy, không may khi gần đến nơi thì thuyền gặp gió lớn bị đắm. Thi hài Cung phi trôi vào bãi sông xứ rừng Mái rồi đất cát bồi cao thành một gò lớn (sau gọi là gò Mái).
Nhà vua nghe tin Cung phi gặp nạn vô cùng thương xót, lệnh cho dân xã Dưỡng Phú dựng đền thờ phụng, cúng tế thờ tự đời đời và sắc phong cho Cung phi Nguyễn Thị La là Vương phi công chúa, chuẩn cho xã Dưỡng Phú thờ phụng, xã Dưỡng Hòa góp công của, tiền bạc cúng tế. Dân chúng từ đó gọi Cung phi Nguyễn Thị La là bà chúa Mái và hương khói tưởng nhớ từ đó đến nay.
Lê Thái Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)