Người đàn ông bí ẩn
Trong nhật ký của mình, ngoài chồng, quý bà Trần Lệ Xuân còn nhắc đến 3 người đàn ông chỉ được viết bằng tên gọi tắt của họ: L, K và H trong đó H dường như gần gũi với bà nhất qua các đoạn mô tả trong nhật ký riêng từ rằng ông như nguồn cảm hứng tình ái khác thường, một Don Juan thứ thiệt.
"Ông yêu Lệ Xuân bởi vì con người của bà: Đẹp đến sững sờ, kiêu hãnh, ngang ngạnh, một người đàn bà sẽ không bị nhốt vào một chỗ mà những người đàn ông chung quanh ngăn ra cho bà. Quả thực, bà xứng đáng để vượt qua đại dương tìm kiếm", nhà văn Monique Brinson Demery viết trong cuốn sách "Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà rồng".
|
Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình Trần Lệ Xuân |
Nhưng như vậy không có nghĩa là ông Nhu chưa từng khiến bà rung động. Thậm chí, với Trần Lệ Xuân năm 15 tuổi, thì người đàn ông gần 30 tuổi ấy chẳng khác nào "soái ca" đích thực. Với một cô nữ sinh trung học chưa bao giờ ra khỏi nước mình thì trải nghiệm ở hải ngoại đã mang đến cho ông Nhu nét hấp dẫn kì lạ.
Vốn thông minh, thức thời, Lệ Xuân đã nắm bắt được ở người đàn ông ham mê sách vở hơn chính trị kia sẽ là nỗi khuây khỏa sau những trò chơi hai mặt và phản bội mà bà đã chứng kiến ở cha mẹ mình. Đặc biệt, cách ông Nhu mỉm cười nhiều hơn nói chuyện với cô nữ sinh thuở ấy cũng là nét quyến rũ chẳng dễ gì lẫn lộn.
Trong nhật ký, bà thể hiện rõ sự lo lắng thường trực về cuộc hôn nhân của mình. Suốt quãng đời chung sống, bà cho rằng chỉ có một lần chồng khiến bà ngạc nhiên khi tỏ ra ân cần với vợ, mua tặng vợ một chùm đèn pha lê nhân kỷ niệm ngày cưới của họ.
Cho dù ông Nhu có thể vẫn nhìn bà đăm đăm hoặc đặt tay mình lên tay vợ nhưng người đàn bà ấy luôn than thân trách phận: "Anh ấy không còn đủ trẻ để làm gì hơn".
"Mình ngày càng bớt yêu anh ấy", đó là lời tự thú Trần Lệ Xuân đau khổ viết cho chính mình khi bị bóp nghẹt từ từ trong cuộc hôn nhân không đam mê và ăm ắp dự cảm về một tương lai cô độc. Ngay cả người đàn ông tên H vốn gần gũi bà nhất vẫn không làm bà thỏa mãn vì người này hoàn toàn không có đủ 3 yếu tố ở một người đàn ông bà hằng mong ước đó là: Sự ngay thật, ngưỡng mộ và tôn sùng - những phẩm chất bà cho rằng ai có nó mới xứng với mình.
Bởi thế, để đền đáp cho những người đàn ông vây quanh mình, Lệ Xuân thường chỉ "buông một thoáng cười sau đó lẳng lặng kéo sát chiếc áo choàng lông vào người rồi đi lướt qua".
Sự ngộ nhận đàn bà
Hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao sau giây phút bị "đốn tim" bởi hình ảnh của ông Nhu, Trần Lệ Xuân vẫn không thể có được cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Lý giải trong cuốn sách của mình, Monique Brinson Demery cho rằng, vì trước khi có được sự rung động thực sự, điều lóe lên trong ý nghĩ của Lệ Xuân đơn giản là 2 chữ: Cơ hội.
Cơ hội để củng cố địa vị gia đình, để bẽ mặt những người thân vốn phân biệt đối xử, thiếu công bằng với bản thân. Vì thế bà chấp nhận sắm vai đệ nhất phu nhân một cách hoàn hảo nhất.
|
Quý bà Trần Lệ Xuân |
Sau khi sinh 3 đứa con, cả gia đình sống giữa Đà Lạt mộng mơ nhưng cuộc sống xa rời chính trường cũng không giúp ích để xóa đi khoảng cách giữa vợ chồng bà Nhu vì trong lúc bà bận bịu với con nhỏ, quán xuyến công việc từ to lớn đến vặt vãnh thì đức ông chồng lại chỉ biết tối ngày say sưa với thú chơi phong lan mà không ngó ngàng gì đến người vợ trẻ. Đỉnh điểm của sự cô độc trong trái tim Trần Lệ Xuân là khi bà mở lời thừa nhận với chồng tất cả những thú vui "dạ tiệc ban đêm, du ngoạn ban ngày" thì ông còn gật gù... khuyến khích.
Trần Lệ Xuân luôn cay đắng với ý nghĩ rằng chồng đã xài hết thời trẻ trung theo ý mình, cho người nào ông thích, và ở tuổi 34, bà bị kẹt với chút ít còn lại của chồng. Không khó để đoán bà muốn gì. Bà Nhu viết rằng bà phải tìm nhiều cách để "làm dịu ngọn lửa dục vọng".
Dù bà muốn tránh né bằng mọi cách nhưng qua nhật ký vẫn bộc lộ rõ những nhu cầu tình cảm của bà đã không được thỏa mãn cho đến khi người phụ nữ này tìm thấy một chỗ đứng trong chính trường.
Thời điểm gia đình Trần Lệ Xuân chuyển vào sống trong Dinh tổng thống VNCH, bà đã từng hy vọng không gian thu nhỏ ấy sẽ cải thiện được cuộc hôn nhân có dấu hiệu đứng bên bờ vực nhưng sau những cuộc cãi vã, chờ đợi, nổi loạn bà kết luận: Mình hãy còn trẻ trung xinh đẹp và hẳn ông ấy đã quá già để thích thú với điều đó. Nghĩ vậy nên người đàn bà tự cho mình thông minh hơn người đã dấy lên niềm thương cảm với ông chồng bị nghi ngờ "bất lực" và tủi phận mình còn hừng hực xuân xanh.
Nhưng đó là một trong những sai lầm "chết người" của trái tim đàn bà. Khi bà Nhu mang thai con út mới vỡ lẽ, bẽ bàng phát hiện chồng ngoại tình. Bà nổi xung thiên với ông không vì tội ngoại tình mà vì ông đã làm điều đó với một kẻ bà cho là thô tục và hèn hạ. Bà thể hiện sự khinh miệt của mình bằng cách không cho dòng tên cô ta xuất hiện trong nhật ký đời mình.
Còn ông Nhu thì biện hộ cho ông và người yêu: "Cô gái ấy dịu dàng, tốt bụng. Nhất là cô ta không hèn hạ, chỉ phải tội nghèo", bà viết trong nhật ký. Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, giữa dinh cơ đồ sộ của anh em họ Ngô, bà Nhu ý thức rõ mình đang ngày càng "bất hạnh một cách sâu sắc".
Rốt cuộc, trong trái tim người đàn bà muốn ôm cả đất, muốn ôm cả trời ấy, chẳng ai là "soái ca" đích thực kể cả người đàn ông được bà mệnh danh là Don Juan thứ thiệt, luôn có những câu trả lời khiến người tình vui sướng không dứt, luôn ví von "vượt qua cả đại dương mới tìm ra em". Sau tất cả, ông Nhu thời mới quen, L, K hay H vẫn chỉ như những nhân tình thoáng chốc, bỏ bà đi "như những dòng sông nhỏ" mà thôi...