Sở thích lạ đời của Chu Nguyên Chương khiến phi tần ai oán

Google News

Chu Nguyên Chương là vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng to lớn với đất nước.

Vị hoàng đế từng đi ăn mày

So thich la doi cua Chu Nguyen Chuong khien phi tan ai oan

Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) được coi là một trong những vị Hoàng đế có xuất thân thấp kém nhất trong lịch sử Trung Hoa, cai trị từ năm 1368 đến 1398. Các sử gia gọi thời kỳ cai trị của ông là Hồng Vũ Chi Trị.

Chu Nguyên Chương được xem như là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng to lớn với đất nước, nhưng cũng bị chê trách vì sự hà khắc, tàn bạo, độc đoán, sát hại hàng loạt những công thần khai quốc trong thời gian nắm quyền.

Chu Nguyên Chương sinh ra trong một gia đình bần nông ở Tứ Châu (nay là huyện Hu Dị, tỉnh Giang Tô). Bố mẹ ông có 8 người con nhưng 2 người không may chết yểu, còn 4 nam 2 nữ. Chu Nguyên Chương là con út, thuở nhỏ gọi là Trùng Bát, ngay cả tên họ chính thức cũng không có. Mãi đến sau khi gia nhập nghĩa quân Quách Tử Hưng, ông mới lấy tên là Chu Nguyên Chương, tên chữ là Quốc Thụy.

Năm 16 tuổi, Chu Nguyên Chương đi chăn gia súc thuê nhưng không lâu sau đã bị chủ đuổi vì dám lén thui một con gia súc trong đàn để ăn. Cũng cùng năm đó, một bệnh dịch đã cướp đi sinh mạng của cha mẹ và anh chị của ông, khiến ông phải tá túc làm sư trong một ngôi chùa.

Tuy nhiên, do chùa cũng không thể nuôi hết các sư nên Chu Nguyên Chương phải rời chùa, đi khất thực kiếm cơm trong vòng 3 năm. Sau đó, ông lại trở về chùa làm sư trong 3 năm nữa và trong thời gian này ông mới bắt đầu học đọc và viết.

Năm 1352, Chu Nguyên Chương gia nhập Hồng Cân quân (quân khăn đỏ) của Quách Tử Hưng, được Tử Hưng tin cậy, nhậm chức Tả phó Nguyên soái nghĩa quân.

Sau đó, từ kẻ vô danh tiểu tốt, Chu Nguyên Chương đã trở thành người đứng đầu quân doanh, xuất quân Bắc phạt, đánh chiếm được nhiều vùng rộng lớn.

Tháng giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế, khai quốc vương triều nhà Minh. Cùng năm đó, ông công phá Đại Đô (Bắc Kinh), lật đổ nhà Nguyên, từng bước thực hiện thống nhất đất nước.

Đa nghi, tàn bạo, giết hại nhiều công thần

Tuy nhiên, sau khi xưng đế không bao lâu, Chu Nguyên Chương ngày càng trở nên đa nghi, độc đoán, luôn lo sợ mình bị hãm hại, phản bội. Ông đã xuống tay tàn nhẫn giết hàng loạt công thần, lão tướng và họ hàng của họ để rồi được cho là vị vua giết nhiều công thần nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Theo Minh sử, năm Hồng Vũ thứ 13 (1380), Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương dùng tội danh “tự quyền xây dựng phe phái” đã giết Thừa tướng Hồ Duy Dung rồi thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay một mình hoàng đế, xóa bỏ chế độ tể tướng vốn tồn tại 1500 năm ở Trung Quốc.

Thấy thái tử Chu Tiêu bản chất trung hậu nhu nhược không thể trấn áp được các công thần, Chu Nguyên Chương tiếp tục thanh lọc, dùng tội danh “mưu đồ làm phản để" giết một lượng lớn các công thần, lão tướng khác như Lý Thiện Trường, Lục Trọng Đình, Đường Thắng Tông... Gia quyến của những công thần bị giết cũng không thể tránh được tội chết.

Ngoài ra, Chu Nguyên Chương còn nổi tiếng đối xử rất tàn nhẫn với phi tần. Một khi ông nghi ngờ vị phi tần nào không chung thủy dù không có chứng cứ thì vị phi tần đó cũng vẫn sẽ lĩnh kết cục vô cùng thảm khốc. Theo đó, Chu Nguyên Chương đặt ra quy định, những phi tần một lòng hai dạ sẽ bị dùng hình phạt thiết quần (một cái váy bằng sắt hay đai trinh tiết thời xưa). Để thực hiện hình phạt này, các phi tần bị coi là phản bội sẽ phải mặc một cái váy bằng sắt rồi bị nung cháy đỏ trên lửa, khiến da thịt phạm nhân bị nướng chín, đau đớn đến chết.

Sở thích lạ đời

Tương truyền, thuở hàn vi, khi còn đi khất thực (ăn mày), do nạn đói hoành hành, Chu Nguyên Chương  thường xuyên phải nhịn đói vì cả ngày không xin được miếng ăn nào. Thậm chí, có lần 3 ngày ông không xin nổi một miếng ăn. Do quá đói, ông lả đi, nằm ở giữa đường.  

May mắn, một bà lão đi ngang qua thấy thương tình liền đưa ông về nhà. Bà lão lấy miếng đậu phụ duy nhất còn sót lại trong nhà và một nhúm rau cùng chút cơm thừa nấu cho Chu Nguyên Chương ăn.

Chu Nguyên Chương ăn xong, tỉnh táo lại, tinh thần cũng phấn chấn hơn. Ông bèn hỏi bà lão xem vừa nãy bà cho mình ăn cái gì. Bà lão đã nói đùa rằng đấy là "canh trân châu phỉ thúy bạch ngọc".

So thich la doi cua Chu Nguyen Chuong khien phi tan ai oan-Hinh-2

Sau này, khi đã trở thành hoàng đế, một lần Chu Nguyên Chương ốm nặng, các món ngon nhất trong thiên hạ cũng không vừa miệng ông. Ông lại nhớ đến món "canh trân châu phỉ thúy bạch ngọc" từng được bà lão nấu cho ăn ngày xưa. Chu Nguyên Chương vội sai đầu bếp hoàng gia nấu món canh này nhưng người này không biết cách nấu, khiến ông tức giận nên phải chết. 

Sau đó, Chu Nguyên Chương tiếp tục yêu cầu đầu bếp từ quê nhà nấu món canh này. Người đầu bếp này rất thông mình, hiểu được xuất thân nghèo khó của Chu Nguyên Chương, nên đã dùng cải trắng làm chân trâu, rau chân vịt (cải bó xôi) làm phỉ thúy, đậu phụ làm bạch ngọc, nước hầm xương cá để nấu món "canh trân châu phỉ thúy bạch ngọc" dâng lên cho hoàng đế. Chu Nguyên Chương ăn thấy ngon, giống vị món canh ngày xưa bà lão nấu cho ông, bèn ra lệnh ban thưởng hậu hĩnh cho đầu bếp.

Sau đó, Chu Nguyên Chương thường xuyên ăn "canh trân châu phỉ thúy bạch ngọc". Ông thậm chí còn ban món canh này cho quần thần, phi tần cùng thái giám trong cùng ăn. Tuy nhiên, không phải ai ăn món canh này cũng cảm thấy ngon lành, thích thú bởi suy cho cùng, đây cũng chỉ là món canh đậu phụ dân dã. Các quần thần may mắn không phải ăn "canh trân châu phỉ thúy bạch ngọc" thường xuyên. Tuy nhiên, các phi tần, thái giám trong cung thường được Chu Nguyên Chương ban cho món canh này, nhiều người cảm thấy ai oán nhưng chỉ biết khóc thầm, ngậm ngùi ăn chứ không dám trái ý vua.

Theo Minh Nhật/ Danviet

>> xem thêm

Bình luận(0)