Tần Thủy Hoàng (tháng 1 hoặc tháng 12, 259 TCN - 10 tháng 9, 210 TCN) tên thật là Doanh Chính hay còn có tên gọi khác là Triệu Chính, là vị vua thứ 36 của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 TCN đến 221 TCN trong thời kỳ Chiến Quốc. Năm 13 tuổi, Doanh Chính đăng cơ làm Tần Vương, do trọng phụ Lã Bất Vi nhiếp chính.
Sau khi đích thân trị vì, ông đã tiêu diệt 6 nước và tự xưng là Thủy Hoàng Đế, tức vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông tại vị 37 năm, trong đó xưng vương 25 năm, xưng đế 12 năm. Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng qua đời vì bệnh ở tuổi 49.
Nhiều người thắc mắc, Tần Thủy Hoàng có nhiều con như vậy, lại là hoàng đế, nhưng vì sao ngày nay không ai tự nhận là hậu duệ của ông? (Ảnh minh họa)
Trong thời gian trị vì, Tần Thủy Hoàng đã thông qua một loạt cải cách lớn về kinh tế và chính trị, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước kia, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ.
Không chỉ nổi tiếng vì sự tàn ác, Tần Thủy Hoàng còn được biết đến là người bị ám ảnh bởi cái chết. Tuy bản tính thông minh, hào khí ngút trời nhưng Tần Thủy Hoàng u mê tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất lão. Nhiều lần ông đã bị bọn lừa phỉnh lừa gạt, trở thành trò đùa trong thiên hạ... Cuối cùng, Tần Thủy Hoàng vẫn không thể tránh được quy luật sinh tử.
(Ảnh minh họa)
Được biết, họ Doanh là một trong những họ người hiếm gặp, nằm trong 8 họ lớn nhất thời cổ đại của Trung Quốc. Vậy thì vì sao họ của vị vua đầu tiên của đất nước lại trở nên hiếm hoi trong thời hiện đại như vậy?
Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng có tổng cộng 33 người con. Trong đó có 20 người con trai và 13 người con gái. Mẹ của những người này không được lịch sử đề cập. Bản thân Tần Thủy Hoàng cũng không lập Hoàng hậu và không có tài liệu lịch sử nào ghi chép vị Hoàng đế này đặc biệt sủng ái ai. Hai người con trai nổi tiếng nhất, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của nhà Tần sau khi Tần Thủy Hoàng chết là Phù Tô (con trai cả) và Hồ Hợi (người con trai thứ 18, có thuyết nói là con trai út).
Theo Sử ký, Phù Tô là người được Tần Thủy Hoàng lựa chọn để kế nghiệp. Nhưng do mâu thuẫn với cha về tư tưởng cai trị đất nước, Phù Tô bị Tần Thủy Hoàng điều ra biên giới, không giữ lại bên cạnh. Chính quyết định này khiến Phù Tô bị hoạn quan Triệu Cao và người em trai Hồ Hợi bày mưu hại chết. Trong lịch sử Trung Quốc xảy ra rất nhiều vụ anh em trong nhà tàn sát lẫn nhau để giành ngôi vua. Hồ Hợi cũng là người có dã tâm như vậy.
Sau khi lên ngôi, lấy hiệu là Tần Nhị Thế, Hồ Hợi vẫn ''có tật giật mình'', luôn lo sợ bị những anh em khác tố cáo tội giết anh để cướp ngôi. Ông ta quyết định tàn sát tất cả. Một số người con trai của Tần Thủy Hoàng đã thoát khỏi cuộc thanh trừng đẫm máu của Hồ Hợi. Họ bỏ trốn khỏi kinh thành Hàm Dương và thay tên đổi họ.
(Ảnh minh họa)
Nhiều nhà sử học Trung Quốc cho rằng, sau khi nước Tần bị diệt, nước Sở và Hán thay nhau lên nắm quyền. Con cháu của Tần Thủy Hoàng dù còn sót lại cũng không dám xưng là họ Doanh. Nhà Hán do Lưu Bang sáng lập tồn tại hơn 400 năm, họ Doanh vì thế càng thêm mai một. Mặt khác, Tần Thủy Hoàng khét tiếng trong lịch sử là hoàng đế bạo ngược, bị người dân căm ghét, nếu hậu duệ của ông còn lưu lạc trong dân gian, dù có biết về nguồn cội cũng không dám xưng họ là Doanh nữa. Thế nhưng giả thuyết này không hề có bằng chứng lịch sử chứng minh.
Một vài chuyên gia cho rằng hậu nhân của Tần Thủy Hoàng đã được lưu truyền cho đến nay và phát triển thành những họ người khác, bao gồm: Tần, Doanh, Ngân, Dần. Trong ''Bách Gia Tính'' tổng hợp toàn bộ họ người của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy 4 họ này có quy mô cực nhỏ, nhưng đều có âm đọc gần giống nhau.
Mặc dù vẫn chưa thể xác định về hậu nhân của Tần Thủy Hoàng nhưng toàn bộ người dân Trung Quốc đều luôn ghi nhớ hình tượng của một vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử đã thống nhất thiên hạ, tai tiếng tàn ác nhưng vẫn không thể phủ nhận chiến công lẫy lừng.