Sau 23 tháng Chạp có nên thắp hương, thờ cúng?
Theo TS. Nguyễn Văn Vinh (nhà nghiên cứu Văn hóa) thì từ ngày 23 tháng Chạp trở đi mọi người vẫn thắp hương, thờ cúng tổ tiên bình thường, nhất là khi nhà có giỗ. Tuy nhiên những mong ước của gia chủ sẽ không linh nghiệm được.
“Từ 23 tháng Chạp trở ra gọi là trạng thái chống quyền lực của các thánh thần vì vị thần đứng đầu các vị thần như Táo quân, thần Ngũ Phương, Ngũ Hổ lên thiên đình nên mọi người quan niệm đến 30 mới là Tết.
|
Ảnh minh họa. |
Những ngày sau 23 đến 30 Tết, mọi người vẫn thắp hương được nhưng không cần chọn giờ, chọn ngày, cứ tùy nghi mà làm bởi lúc đó được gọi là trạng thái về không. Mọi người vẫn có thể thắp hương được sau đó nhưng việc cầu mong của gia chủ sẽ không được. Nếu gia đình có giỗ chạp vẫn cúng tổ tiên bình thường, không có gì ảnh hưởng nặng nề”, TS. Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết quan niệm trên là sai lầm. Sau 23/12, mọi người vẫn thắp hương, thờ cúng bình thường do chúng ta chỉ tiễn ông Công ông Táo chứ không tiễn hết các thần linh, họ vẫn đang ở trong nhà mình. Tuy nhiên, với những gia đình tách riêng bàn thờ thì chỉ nên để 2 cây đèn đỏ trên bàn thờ Táo quân, còn lại vẫn làm như bình thường.
Còn theo ý kiến của chuyên gia phong thủy Phạm Cương, sau 23 tháng Chạp, mọi người không chỉ thờ cúng, thắp hương bình thường mà còn phải lau dọn bàn thờ và tỉa bớt chân hương nữa.
“Ban thờ trong nhà thờ thần linh cai quản khu vực đó, sau 23 thì chỉ tiễn ông Táo về trời thôi còn thần linh vẫn cai quản ở đó, không thể nói là vắng bóng thần linh được”, KTS Phạm Cương cho biết.
Những việc nhất định phải làm sau khi cúng ông Công, ông Táo
1. Dọn dẹp, tẩy uế ban thờ (còn gọi là bao sái)
Do tin rằng, những ngày này thần linh đi vắng nên đây là dịp để các gia đình dọn dẹp ban thờ sau một năm, cũng là chuẩn bị ban thờ Tết.
Thông thường, trong lễ tiễn Táo quân, chủ nhà cũng xin phép việc sửa sang bàn thờ đón Tết. Một số gia đình cẩn thận hơn, ngoài lễ tiễn Táo quân, khi dọn dẹp ban thờ lại thắp hương với hoa quả, nhang đèn để xin phép thần linh.
Việc đầu tiên, cần chọn người trong gia đình có tính tỉ mỉ, cẩn thận, thường là người chủ sự gia đình hạ bát hương xuống để làm công việc bao sái ban thờ. Khi hạ bát hương, cần để bát hương ở nơi sạch sẽ, tránh bị va chạm, cẩn thận hơn trải hoặc phủ vải đỏ cho bát hương khi bao sái.
Trong một năm, ban thờ có thể bị bụi, bẩn. Các gia đình có thể tháo ban thờ để lau rửa hoặc dùng khăn sạch, nước sạch để làm công tác vệ sinh. Kết thúc công việc lau rửa, có thể dùng nước nóng hòa tinh dầu ngọc am, quế… hoặc đơn giản hơn là đun nước gừng để lau rửa lại một lần cuối. Tương tự với ảnh thờ, đồ thờ.
2. Tỉa chân hương (nhang) và thay tro bát hương
Trong một năm, trải qua các ngày rằm, mùng một và các kì giỗ, chân hương của bát hương sẽ rất nhiều. Lúc này, có thể tỉa từng chân hương, và để lại số chân hương lẻ như 3, 5, 7, 9 (theo số âm). Số chân hương còn thừa sẽ mang hóa (đốt) sau khi làm lễ.
Có thể thay tro mới trong bát hương. Một số gia đình cầu kì, sẽ mua rơm nếp về đốt, thay thế tro cũ trong bát hương. Đơn giản hơn, có thể mua tro bán sẵn ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng. Cần lưu ý giữ nguyên phần cốt của bát hương (thường là đá quý, kim loại quý…) để lại trong bát hương trong quá trình thay tro. Số tro thừa sẽ được mang rắc ở sông, hồ có nguồn nước lưu thông.
3. Thay ban thờ hoặc bát hương nếu cần thiết
Có một số trường hợp bát hương, ban thờ không còn phù hợp với điều kiện gia đình (gia chủ muốn ban thờ khang trang hơn), các gia đình có thể thay thế.
Đối với bát hương, cần lưu ý giữ lại phần cốt bát hương và chân nhang cũ. Bát hương, ban thờ cũ có thể mang hóa.
Tuy nhiên, việc mang bát hương thả ra sông, hồ cần lưu ý đến việc ảnh hưởng cảnh quan, môi trường. Đồng thời, tại các sông, hồ ô nhiễm, các gia đình không nên mang bát hương, ban thờ cũ ra đó để thả.
( Bài viết mang tính tham khảo)