Những bộ xương này do một nhóm nhà khảo cổ thuộc ĐH Sheffield (Vương quốc Anh) phát hiện tại bệnh viện tu viện ở Thornton Abbey, gần Immingham, North Lincolnshire, Anh.
Dịch hạch - “cái chết đen” tàn khốc
Theo kết luận ban đầu, hố chôn bao gồm cả nam, nữ trưởng thành cũng như 27 trẻ em và nguyên nhân dẫn đến cái chết là do bệnh dịch hạch. Các mẫu răng từ các bộ xương cũng đã được gửi đến Đại học McMaster, Canada, để lấy DNA cổ đại. Khi phân tích các mẫu xương, các nhà khoa học cũng tìm thấy Yersinia pestis, loại vi khuẩn gây nên dịch hạch và cho biết dịch bệnh bắt đầu phát triển ở Lincolnshire vào mùa xuân năm 1349.
|
Hình ảnh về những bộ xương được tìm thấy ở Lincolnshire. |
Dịch hạch “cái chết đen” là một căn bệnh truyền nhiễm của động vật và con người, do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Bệnh này cũng còn được gọi là dịch hạch Bubonic. Cái chết đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.
Vào thời Trung cổ, Cái chết đen đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1/3 dân số châu Âu trong thế kỷ 14 và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400.
Đến thế kỷ 17, dịch hạch trở lại và trở thành một trận đại dịch hạch với số bệnh nhân tăng cao. Tại rất nhiều thành phố đông dân, cụ thể năm 1665, ở London dịch hạch cướp đi sinh mạng của 15% dân cư thành phố này trước khi nó biến mất.
Sự tàn phá của dịch hạch đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu. Màu đen u ám bao trùm khắp nơi. Từng hang cùng ngõ hẻm ở thành phố đến làng mạc ngổn ngang xác người bị nổi hạch toàn thân chưa kịp chôn cất. Cuối cùng người ta phải đào những hố chôn tập thể để giải quyết tình trạng này.
Những cư dân sống sót thì tìm cách chạy trốn khỏi quê hương để tránh nhiễm bệnh, mãi đến một thế kỷ sau mới bắt đầu quay trở về. Ước tính châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch, sau này dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ 19.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ, Yersinia pestis là chủng gây nên bệnh dịch hạch. Vi khuẩn Yersinia pestis tồn tại trên cơ thể nhiều loài động vật thuộc bộ gặm nhấm, trong đó có chuột. Chúng lây lan từ con vật này sang con vật khác nhờ bọ chét. Nếu bọ chét hút máu của một con vật nhiễm vi khuẩn rồi lại hút máu người thì bệnh sẽ lây sang người.
Ngoài ra, bệnh còn lây qua nhiều đường khác nhau như: lây qua đường tiêu hóa khi con người ăn uống phải những thứ do chuột nhiễm bệnh trực tiếp reo rắc mầm bệnh vào. Lây qua đường hô hấp khi nước bọt của người bệnh lây sang người khác khi nói chuyện, hắt hơi…
Tháng 10/1897, một bác sĩ người Nga gốc Do Thái tên là Vladimir Havkin mới tìm ra cách điều trị dịch hạch và kiểm soát được dịch bệnh kinh hoàng này. Nhờ phương pháp điều trị của ông bằng cách kết hợp các loại thuốc streptomycin, chloramphenicol, tetracycline, gentamicin và doxycyline... dịch bệnh đã được kiểm soát. Và hành trình của đại dịch “Cái chết đen” chính thức được chấm dứt trên toàn thế giới.
Biểu hiện của bệnh là hạch nổi khắp cơ thể. Khi những mạch máu trong các hạch vỡ, máu khô và biến thành những cục màu đen cản trở sự lưu thông máu. Do sự hiện diện của những cục máu đen trên cơ thể nạn nhân mà thời đó người ta gọi dịch bệnh đáng sợ là Cái chết đen. Một khi đã mắc bệnh thì bệnh nhân sẽ lên cơn sốt cao và mê sảng.
Tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3-5 ngày. Hầu hết người bệnh đều chết trong đau đớn mà không có tia hy vọng.
Hiếm có những ngôi mộ tập thể
Tiến sĩ Hugh Willmott, một giảng viên hàng đầu về khảo cổ lịch sử châu Âu, thuộc ngành Khảo cổ học của Đại học Sheffield cho biết, “Mặc dù ước tính có đến một nửa dân số nước Anh chết vì dịch hạch thời đó, nhưng những ngôi mộ tập thể liên quan đến sự kiện này thì rất hiếm hoi”.
Tiến sĩ Willmott cho biết, khi đại dịch nổ ra, những người thời xưa thường buộc phải đào các bãi chôn khẩn cấp để xử lý một lượng lớn thi thể của những người qua đời do nạn dịch. Dựa vào tư thế và vị trí của các bộ hài cốt, các chuyên gia cho rằng người ta đã chôn các nạn nhân một cách vội vã trong cùng một ngày.
Người dân đặt thi thể của họ vào các quan tài gỗ mỏng, nhưng giờ đây các quan tài đã phân hủy hoàn toàn. “Có lẽ do số lượng người chết thời đó quá nhiều, nên người ta lựa chọn cách chôn cất những người thân của mình một cách bình thường nhất có thể”, ông Willmott nói.
Trước đây cũng đã từng phát lộ ra hai địa điểm có hố chôn người tập thể vì dịch hạch ở các nghĩa trang của London và các cơ quan chức năng buộc phải mở một nơi chôn cất khẩn cấp mới để đối phó với số lượng lớn người chết.
“Nhưng phát hiện lần này vô cùng đặc biệt bởi ngôi mộ tập thể này chưa từng biết đến và nằm ở một nơi yên bình ở vùng nông thôn Loncolnshire. Đây sẽ là manh mối để tôi và cộng sự có thể làm sáng tỏ nhiều vấn đề từ cuộc sống, văn hóa hay là cả những khó khăn mà những người này phải đối mặt với trận đại dịch khủng khiếp như vậy”, Tiến sĩ Willmott cho biết thêm.
Tiến sĩ Diana Mahoney Swales thuộc Khoa Nghiên cứu Đời sống Đại học Sheffield phụ trách nghiên cứu về xương của những hài cốt này nói rằng, “Một khi các bộ xương được đưa về phòng thí nghiệm, chúng tôi sẽ bắt đầu tìm hiểu xem họ thực sự là ai. Chúng sẽ xác định xem họ là nam hay nữ, trẻ em hay người lớn, dựa vào xương xem họ đã trải qua những căn bệnh nào, chẳng hạn như các bệnh trao đổi chất như còi xương… Tuy nhiên, đối với bệnh dịch hạch thì cần phải sử dụng phân tích AND để điều tra thêm nữa”.
Được biết, các nhà khảo cổ học đã làm việc ở địa điểm này kể từ năm 2011, không chỉ có những bộ xương, các vật dụng, đồ dùng mà họ tìm ra phần nào nói lên cuộc sống của họ thời bấy giờ.
“Mặc dù thật ngạc nhiên khi tìm thấу các bộ xương liên quan đến đại dịch hạch từ cách đây cả trăm năm, nó sẽ giúp chúng tôi tìm hiểu không chỉ về người đó mà còn về cuộc sống của họ trước khi qua đời. Một trong những cách chúng ta có thể kết nối với điều đó là thông qua các vật dụng hằng ngày mà họ để lại”, Diana Mahoney Swales nói.
Trước đó vào năm 2015, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một khu mộ tập thể, chôn cất khoảng vài chục người, vốn đã tử vong vì bệnh dịch hạch từ năm 1665, trong khu vực nhà ga xe lửa Liverpool Street, thuộc dự án đường sắt châu Âu Crossrail ở trung tâm thủ đô London của Anh.
Khu vực phát hiện 30 bộ xương trong ngôi mộ tập thể, gần bãi chôn cất tập thể các nạn nhân bị dịch hạch Bedlam trong cùng thành phố. Họ cho rằng đây là hài cốt của những nạn nhân từng chết vì bệnh dịch hạch vào năm 1665, vì một tấm bia đá mang dòng chữ “1665” nằm gần vị trí các bộ hài cốt.
Được biết từ năm 1569 đến năm 1738, nơi này được sử dụng để chôn cất người chết. Khoảng thời gian này diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của nước Anh như nội chiến, phục hồi chế độ quân chủ, đại hỏa hoạn London 1666 và cả đại dịch hạch “cái chết đen” nổi tiếng trong lịch sử loài người…