Trường Bình công chúa tên thật là Chu Mỹ Xúc, công chúa cuối cùng của Minh triều, con gái của Hoàng đế Sùng Trinh và Chu Hoàng hậu.
Khi bước sang tuổi 15, Trường Bình công chúa được vua cha ban hôn cho công tử Châu Thế Hiển – con trai Đô úy trong triều. Sùng Trinh vốn rất yêu thương cô con gái của mình nên dù việc triều chính vô cùng bận rộn vẫn hết sức lưu tâm chuyện chọn chàng phò mà xứng đáng cho con.
Thế nhưng thời gian những tưởng là hạnh phúc nhất đời người của Trường Bình lại hóa thành một dấu mốc đánh dấu cuộc đời nàng bước sang trang khác. Do nạn giặc cỏ Lưu Khấu tiến đến gần, hôn sự của nàng công chúa thích thơ văn, có tài thêu thùa này đành phải hoãn lại.
Những người trong Tử Cấm Thành khi ấy ngày ngày chỉ biết ngóng tin chiến trận một cách sợ hãi. Họ sợ rằng một ngày nào đó bọn giặc cỏ sẽ kéo vào kinh thành nên chẳng thể nào còn tâm trạng để nghĩ tới hôn sự của công chúa. Hôn lễ giữa Trường Bình và Châu Thế Hiển cứ như vậy bị hoãn lại hết lần này tới lần khác.
Ngày 4 tháng Giêng năm Sùng Trinh thứ 7, khi khí thế của nghĩa quân Lý Tự Thành ngày một trở nên hùng mạnh, triều đình bấy giờ cũng trở nên vô cùng rối ren. Phượng Dương, Nam Kinh xảy ra động đất, Bắc Kinh xuất hiện hiện tượng “sao nhập nguyệt”. Những nơi từ quê gốc cho tới nơi phát tích của nhà Minh đều xuất hiện điềm báo xấu khiến Sùng Trinh càng tuyệt vọng.
|
Ảnh minh họa. |
Lúc bấy giờ, ngân khố triều đình cạn kiệt, Sùng Trinh đề nghị các quan hiến tiền để làm chi phí cho quân đội song tất cả đều đồng loạt than nghèo kể khổ, thậm chí ngay cả với những người thân thiết với vua. Trong mắt họ, triều đại nhà Minh khó có thể tồn tại hơn được nữa.
Cuối cùng, Sùng Trinh đã phải ngửa cổ lên trời mà than rằng: “Nước mất thì vua chết”. Ông ra chiếu chỉ cuối cùng, buộc tất cả các hậu phi đều phải tự sát.
Đêm hôm đó, Châu Hoàng hậu cùng rất nhiều phi tần đã treo cổ tự sát. Sau khi biết tin, Trường Bình công chúa liền chạy tới cung Thọ Trữ. Nhìn mẫu hậu ngay trước mặt mà đã cách biệt âm dương, công chúa liền quỳ xuống ôm lấy chân vua cha mà cầu xin một con đường sống.
Sùng Trinh khi đó chỉ biết lắc đầu nói: "Con à, vì sao con lại sinh ra trong nhà của ta?" rồi vung kiếm chém đầu công chúa. Song theo bản năng, Trường Bình dùng tay trái giơ lên đỡ nên lập tức bị chém đứt. Nàng kêu lên một tiếng thất thanh rồi ngất xuống trong vũng máu lênh láng.
Sùng Trinh muốn chặt đầu con gái nhưng vừa bước đi, tay chân lại run rẩy, hơn nữa nghĩ rằng Trường Bình đã chết nên cuối cùng không nỡ xuống tay mà bỏ đi. Ngay ngày hôm sau, sau khi toàn bộ vợ và con gái mình đã chết, Sùng Trinh cũng treo cổ tự vẫn tại Môi Sơn. Thái giám cuối cùng của ông khi đó là Vương Thừa Ân cũng tự vẫn theo chủ. Đây chính là bi kịch vong quốc nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Trường Bình khi ấy được Ngự y Giám Hà Tân cùng cung nữ đưa tới phủ của ông ngoại Chu Khuê. Trường Bình mất quá nhiều máu, ai nấy đều nghĩ rằng nàng sẽ chẳng thể qua khỏi nên chỉ chờ Trường Bình trút hơi thở cuối cùng là đem đi chôn cất.
Thế nhưng như một kỳ tích, Trường Bình công chúa bỗng nhiên tỉnh dậy sau 5 ngày. Giữ được mạng sống song khi nàng tỉnh dậy, thành Bắc Kinh đã là thiên hạ của Hoàng đế Đại Thuận Lý Tự Thành.
Triều đình nhà Thanh khi đó một mặt muốn trừ khử các hoàng tử, hoàng thân của Sùng Trinh, mặt khác muốn đãi ngộ các nữ nhân trong gia quyến tiên đế để lấy lòng người Hán. Chính vì vậy mà công chúa Trường Bình trở thành một vị khách rất đặc biệt của triều đình nhà Thanh.
Để lấy lòng người Hán, Đa Nhĩ Cổn đã tổ chức lễ tế Sùng Trinh kéo dài ba ngày, phong cho ông là Hoài Tông Đoan Hoàng đế rồi đổi thành Trang Liệt Mẫn Hoàng đế. Quan tài của Châu Hoàng hậu cũng được đào lên để tổ chức an táng theo đúng lễ nghi dành cho hoàng hậu.
Dẫu vậy, là một công chúa nay lại tàn phế, phải chứng kiến vương triều của cha mình lụi bại, nàng vốn từ lâu đã không còn hứng thú với cuộc sống. Niềm hy vọng duy nhất của Trường Bình là các huynh đệ khi xưa chạy trốn được có thể xuống phía Nam gây dựng lực lượng, khôi phục Đại Minh. Song tất cả đã trở thành vô nghĩa khi Thuận Trị đế nhanh chóng xử tử hậu duệ của Sùng Trinh, mọi hy vọng phục quốc của Minh triều nay đã không còn nữa.
Quá tuyệt vọng, Trường Bình công chúa dâng thư xin Thuận Trị được xuất gia làm ni cô. Nàng muốn đoạn tuyệt với cuộc đời bi thảm của mình ở đây. Thế nhưng, nhà Thanh tuyệt đối không thể để “tấm bình phong” che mắt người Hán xuất gia như vậy được. Thuận Trị đế đã cao tay che mắt thiên hạ bằng cách nối lại mối duyên năm nào giữa Trường Bình công chúa và Châu Thế Hiển.
Hôn lễ khi ấy đã được tổ chức vô cùng long trọng nhằm lấy lòng người Hán, song trong lòng Trường Bình, nàng chẳng thể vui mừng khi cảm thấy phận đời của mình quá đỗi nhỏ bé. Vài tháng sau hôn lễ, triều Thanh dẫn quân đánh tan quân của Chu Do Tùng ở Nam Kinh. Chu Do Tùng bị bắt sống mang về Bắc Kinh xử tử đồng nghĩa với hy vọng cuối cùng của Minh triều đã chấm dứt.
Trường Bình công chúa quá đau lòng nên đã qua đời vài tháng sau đó khi đang có mang 5 tháng. Nàng đã kết thúc cuộc đời đầy bi kịch của mình khi mới 18 tuổi cùng đứa con xấu số trong bụng chưa kịp ra đời.