Nữ nhân Trung Hoa nào 5 lần ngồi ngôi thái hậu?

Google News

Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Hoa từng trải qua tám đời hoàng đế, mang thân phận là thái hậu, thái hoàng thái hậu tôn quý suốt năm triều đế vương.

Đó là bậc nữ nhân xưa nay chưa từng có. Phu quân của bà là hoàng đế, ông ngoại là hoàng đế, cậu ruột là hoàng đế, anh họ là hoàng đế, con trai cũng là hoàng đế, thậm chí cả ba người cháu ruột của bà cũng đều trở thành hoàng đế.
Chỉ cần một cái gật đầu bà sẽ lập tức trở thành “Võ Tắc Thiên thứ hai”. Nhưng khi văn võ bá quan cầu xin bà buông rèm nhiếp chính, thì bà lại thẳng thắn khước từ.
\Nu nhan Trung Hoa nao 5 lan ngoi ngoi thai hau?
Chân dung Quách Niệm Vân.
Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Hoa đã trải qua 8 đời hoàng đế. Với thân phận là thái hậu, thái hoàng thái hậu tôn quý của năm triều, bà đã cứu vãn triều đại nhà Đường trong những ngày sóng gió.
Hoàng hậu trung lương, quý tộc chân chính
Người phụ nữ ấy tên Quách Niệm Vân, gia thế hiển hách, vừa sinh ra đã có thân phận tôn quý tột cùng.
Ông nội của bà là danh tướng Quách Tử Nghi, vốn là nhất đại công thần dẹp yên loạn An Sử, là trụ cột vững chắc giúp chấn hưng triều chính, cứu vớt Đại Đường khỏi cảnh diệt vong. Cha bà là Quách Ái được Đường Đại Tông chọn làm phò mã, mẹ bà là Thăng Bình công chúa. Ông ngoại bà là Đường Đại Tông Lý Dự, cậu ruột là Đường Đức Tông Lý Thích, anh họ là Đường Thuận Tông Lý Tụng. Bản thân bà cũng được gả vào hoàng thất, trở thành người vợ kết tóc của Lý Thuần – Đường Hiến Tông sau này.
Năm đó, Lý Thuần đích thân đến tận cửa nhà đề nghị kết thông gia với họ Quách, lễ nghi chu toàn, đủ thấy Quách Thị có thân phận hiển quý nhường nào.
Quách Thị từ nhỏ đến lớn sống trong áo gấm cơm ngọc, được mọi người kính trọng. Một nữ nhân lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, hoặc có thể trở nên kiêu căng hống hách không coi ai ra gì, hoặc cũng có thể trở thành thục nữ hiền đức đoan trang, có đủ khí chất cao sang của một quý tộc — Quách Thị chính là người phụ nữ quý tộc như thế.
Ông nội của bà là Quách Tử Nghi “công cao hơn chủ”, mấy đời hoàng đế đều vô cùng tín nhiệm ông, bởi ông một lòng trung thành với triều đình, trước sau không nắm giữ binh quyền, cũng không bị công danh lợi lộc dẫn động.
Quách Thị từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia tộc, ở bà hội tụ đủ nghi dung và phẩm đức hiền lương của một tiểu thư khuê các. Năm Trinh Nguyên thứ 11 (năm 795), Quách Thị hạ sinh con trai thứ ba của Lý Thuần là Lý Hựu, tức Đường Mục Tông sau này. Sau đó, bà lại sinh thêm một cô con gái, về sau là Kỳ Dương Trang Thục công chúa.
Năm Nguyên Hòa nguyên niên (năm 806), Thái tử Lý Thuần nối ngôi, trở thành Đường Hiến Tông. Tháng 8 cùng năm, Quách Thị được sách phong làm quý phi.
Quách Thị là chính thê, nhưng điều kỳ lạ là Hiến Tông chỉ phong bà làm quý phi chứ không phải hoàng hậu, mặc dù địa vị của bà trong hậu cung là lớn nhất. Quần thần năm ấy đã ba lần dâng tấu lên Hiến Tông rằng: Triều đình không thể chỉ có đế vương mà không có hoàng hậu. Hơn nữa Quách quý phi xuất thân cao quý, sinh được con nối dõi, hơn nữa lại là vợ chính thất của Hiến Tông, trước nay đều hiền thục đức độ, nổi tiếng trong ngoài cung đình. Ngoài bà ra không ai xứng đáng hơn với ngôi vị quốc mẫu này, vậy xin lập Quách quý phi làm hoàng hậu.
Nhưng Hiến Tông đã không phê chuẩn bản tấu xin ấy.
Trái ngược với nỗi bất bình của quần thần, Quách quý phi không mảy may để ý đến vinh hoa. Với bà, dù có làm hoàng hậu hay không thì vẫn phải làm tốt những việc bản thân cần làm: chăm sóc đế vương, chưởng quản hậu cung, tôn trọng các đại thần, đối xử tốt với các phi tần, giáo dưỡng con cái trở thành người có đức hạnh thuần khiết thanh cao. Bà không hề có chút oán hận hay thiếu sót nào, và cũng chưa từng tranh giành ngôi vị hoàng hậu với ai. Trên thực tế, Quách quý phi chính là người đứng đầu hậu cung, uy thế chẳng khác gì hoàng hậu, chỉ là không có danh hiệu mà thôi. Quần thần trong triều thấy vậy, lại càng thêm kính trọng bà muôn phần.
Lấy xã tắc làm trọng, quyết không học theo Võ Tắc Thiên
Quách Thị sống vào nửa cuối triều đại nhà Đường, khi đó Đại Đường đã bắt đầu bước vào giai đoạn rối ren: hoạn quan chuyên quyền, các phe phái đấu đá lẫn nhau, hoàng quyền đi xuống, triều chính lung lay.
Hiến Tông tại vị 15 năm, cuối cùng lại bị hoạn quan nội thị giết hại. Sau đó con trai của Quách Thị là Thái tử Lý Hựu lên ngôi hoàng đế, sử sách gọi là Đường Mục Tông.
Bà cũng từ quý phi trực tiếp thăng lên làm hoàng thái hậu. Mục Tông đối với mẫu hậu vô cùng hiếu kính, nhưng ông bản tính xa xỉ, đắm chìm trong tửu sắc, chỉ ở ngôi được 4 năm thì băng hà.
Cháu nội của Quách thái hậu là Hoàng thái tử Lý Trạm khi đó tuổi vẫn còn nhỏ, quần thần thỉnh thái hậu buông rèm nhiếp chính. Thái hậu nói: “Xưa kia Võ hậu nhiếp chính suýt chút nữa đã làm tiêu vong cơ nghiệp. Gia tộc họ Quách nhiều đời trung trinh với đất nước, hoàn toàn khác với nhà Võ Thị. Thái tử còn nhỏ tuổi nhưng có tể tướng quần thần giúp đỡ thì có gì là không nên? Từ xưa tới nay, chưa từng thấy hậu cung chấp chính mà đất nước lại được hưng thịnh như đời Nghiêu Thuấn”. Nói xong, thái hậu xé nát tờ biểu đề nghị mình nhiếp chính.
Anh trai bà là Thái thường khanh Quách Chiêu thấy trong cung đồn rằng bà sẽ học theo Võ Tắc Thiên, liền bí mật dâng thư lên thái hậu nói rằng: “Mẫu hậu lâm triều can dự chính sự, ấy là điều tệ hại xuyên suốt các triều đại. Nếu muội nghe theo đám hoạn quan, ta quyết sẽ dẫn theo con cháu họ Quách từ quan mà về quê làm ruộng”. Quách thái hậu xem xong lá thư khóc rằng: “Phúc thay tổ tiên đã có được con cháu trung nghĩa giống như huynh trưởng ta vậy”.
Từ sau Võ Tắc Thiên, nữ nhân trong cung đều nóng lòng muốn được bước lên vũ đài chính trị. Quách thái hậu lại có thể giữ tròn bổn phận của một hậu phi, không can dự triều chính, khiến bà càng được triều đình và dân chúng khen ngợi.
Quyết đoán trước hiểm nguy, giúp Đại Đường vượt qua sóng gió
Dưới sự giúp đỡ của Quách thái hậu, tiểu hoàng tử đã nối ngôi hoàng đế trở thành Đường Kính Tông. Ông tôn mẹ của mình lên làm hoàng thái hậu, Quách thái hậu được thăng lên làm thái hoàng thái hậu.
Kính Tông lên ngôi chỉ vỏn vẹn 2 năm lại bị hoạn quan giết hại, Giang vương Lý Ngộ được lập làm giám quốc, không lâu sau Lý Ngộ lại bị hại. Nhất thời chính biến các nơi thay nhau nổi lên, triều cương rối loạn, thế lực các phe đấu đá tranh đoạt quyền lực, vương triều Đại Đường đứng trước nguy nan.
Đối diện với an nguy trước mặt, Thái hoàng Thái hậu Quách Thị đã đích thân ra mặt. Với uy vọng chí tôn của mình, bà đã đưa ra chiếu thư cáo dụ thiên hạ: Lập một người cháu khác của bà là Lý Ngang, cũng tức là em trai của Kính Tông đăng cơ đế vị, trở thành Đường Văn Tông. Âm mưu của đám hoạn quan đã bị dập tắt, cục diện chính trị bình ổn trở lại, vương triều Lý Đường tạm thời vượt qua nguy cơ mà kéo dài tiếp tục, thậm chí còn có dấu hiệu phục hưng.
Dạy dỗ con cháu làm vị vua anh minh hiền đức
Sau khi lên ngôi, Đường Văn Tông tôn mẹ mình là Tiêu Thị lên làm hoàng thái hậu. Lúc đó, Thái hoàng Thái hậu Quách Thị được bố trí ở Hưng Khánh cung, Vương thái hậu ở Nghĩa An điện, Tiêu thái hậu là mẹ ruột của Văn Tông thì sống ở đại nội. Đường Văn Tông vốn hiếu thuận, phụng sự ba cung đều như nhau. Mỗi khi các nơi tiến cống kỳ trân dị vật thì trước tiên đưa đến tông miếu, tiếp đó dâng đến ba cung, còn dư thừa mới để hoàng đế chi dùng. Trong hậu cung nhà Đường chưa từng có nhiều thái hậu như vậy, được tôn kính gọi là “Tam cung thái hậu”.
Đường Văn Tông khi còn tại vị, một lòng chuyên tâm vào việc triều chính, ông cũng muốn diệt trừ đám hoạn quan lộng quyền. Nhưng ông không địch nổi thế lực đen tối lớn mạnh, cuối cùng đã bị hoạn quan giam lỏng.
Năm Khai Thành thứ 5 (năm 840), Đường Văn Tông đột ngột băng hà, không có hậu duệ. Một người cháu khác của Quách Thị là Lý Triền được đưa lên ngôi, tức Đường Vũ Tông. Trong cung bắt đầu cần phân biệt ba vị thái hậu, chiếu theo cung điện thì Vương Thị được phong hiệu là Nghĩa An thái hậu, Tiêu Thị là Tích Khánh thái hậu, còn Quách Thị vẫn là thái hoàng thái hậu, ngôi vị tôn quý nhất trong tam cung. Cũng như các vị tiên đế, Đường Vũ Tông phụng dưỡng ba vị thái hậu hết sức chu đáo.
Đường Vũ Tông may mắn lên ngôi ‘Cửu ngũ chí tôn’, nhưng bản tính thích săn bắn và vui chơi, nhiều đại thần can ngăn nhưng không hiệu quả. Một số người hầu thân tín của Vũ Tông được phép ra vào cung cấm thoải mái, khiến nhiều người bất bình. Có một lần, ông đến thỉnh an Thái hoàng Thái hậu Quách Thị và hỏi bà về cách trị nước, Quách Thị nói: “Tấu thư của các quan đại thần can gián thì cần phải đích thân đọc qua, cái nào áp dụng được thì áp dụng, còn những cái không thể áp dụng được thì hãy hỏi ý kiến của tể tướng. Không nên chối bỏ ngoài tai những lời nói thẳng, không tin theo những lời xu nịnh, lấy kẻ sĩ trung lương làm tâm phúc. Đây là điều mà ‘thịnh thế thiên tử’ cần làm theo”.
Vũ Tông nghe theo lời khuyên của bà, sau khi trở về đã nghiêm túc đọc tấu chương của quần thần. Vũ Tông cũng bớt việc vui chơi, bỏ việc săn bắn, bắt đầu chuyên tâm vào triều chính, tiếp thu lời can gián, có những hành động thực tế, chính sự nhà Đường từ đó dần dần khởi sắc.
Năm Hội Xương thứ 6 (năm 846), Đường Vũ Tông băng hà. Hoàng đế qua đời mà không có hậu duệ, dòng dõi hậu duệ trực hệ của Quách hậu do đó cũng chấm dứt. Theo trình tự thừa kế, ngôi vị hoàng đế rơi vào tay của Quang vương Lý Di, tức Đường Tuyên Tông, con trai thứ 13 của Đường Hiến Tông.
Mẫu thân của Tuyên Tông là Trịnh thái phi, trước đó từng là nô tỳ hầu hạ Quách hậu, vì được Đường Hiến Tông sủng hạnh mà sinh hạ hoàng tử. Thế nhưng do Trịnh Thị thân phận thấp kém, sau khi sinh Lý Di thì vẫn bị điều đi biệt cung mà không được ở lại trong cung. Đường Tuyên Tông đăng cơ đã tôn Trịnh Thị làm hoàng thái hậu, trong khi vẫn giữ ngôi vị thái hoàng thái hậu của Quách Thị, khi tổ chức yến tiệc vẫn tôn Quách hậu vào bậc đầu, còn Trịnh Thị ở ngôi thứ. Sau này, không rõ có phải vì mâu thuẫn giữa Quách hậu và Trịnh Thị hay không mà Đường Tuyên Tông cho rằng thái hoàng thái hậu là người chủ mưu trong cái chết của Đường Hiến Tông để đưa Đường Mục Tông lên ngôi, từ đó mà đối đãi với Quách hậu khá tệ bạc. Quách hậu từ địa vị tôn quý tột đỉnh trong suốt mấy triều đại nay đột nhiên rơi xuống đáy vực, trong lòng không khỏi u uất sầu não.
Năm Đại Trung thứ 2 (năm 848), Quách hậu bước lên Cần Chính lâu, chưa kịp nhảy xuống tự vẫn thì được tả hữu ngăn lại kịp thời. Nửa đêm hôm ấy Quách hậu băng hà ở Hưng Khánh cung, hưởng thọ 69 tuổi. Bà được truy tôn thụy hiệu là Ý An hoàng hậu.
Đường Tuyên Tông không cho hợp táng Quách hậu với Hiến Tông, mà an táng bà ở ngoài vườn Cảnh Lăng, cũng không cho phép đặt bài vị của bà trong miếu thờ Hiến Tông để tế bái. Mãi đến sau khi Tuyên Tông băng hà, mộ phần của bà mới được dời vào trong Cảnh Lăng hợp táng của Hiến Tông.
Ý An hoàng hậu Quách Thị là nữ nhân duy nhất trong lịch sử trải qua tám đời hoàng đế, năm lần ở ngôi thái hậu. Bà đã từng hưởng vinh hoa phú quý tột đỉnh, năm đời đế vương đều phải hành lễ con cháu với bà. Bà đã đích thân trải qua các biến cố của cục diện triều chính và sinh ly tử biệt, tận mắt chứng kiến nhiều lần đổi thay hoàng đế, nhưng bà trước sau vẫn yên phận trong hậu cung, phò trợ cho con cháu. Đứng trước cám dỗ của danh lợi quyền thế, nếu không có định lực phi phàm thì rất khó làm được điều ấy, vậy nên những bậc đế vương này đều vô cùng tôn kính bà. Tuy Quách Thị phải sống cảnh ảm đạm năm cuối đời, nhưng vẫn không xóa nhòa đi tiếng thơm mà hậu thế dành cho bà.
Theo Vũ Dương/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)