Trong tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" cũng như các bộ phim nói về nhân vật “Điêu Thuyền”, trải qua không ít biến cố, mỹ nhân này đã trở thành thiếp yêu bên cạnh Lã Bố. Thế nhưng sau khi Lã Bố tử trận ở lầu Bạch Môn, tung tích của mỹ nhân này cũng biến mất từ đó. Điều khiến khán giả thắc mắc rằng một người có sở thích cướp vợ kẻ thù như Tào Tháo tại sao lại bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để nạp mỹ nhân trứ danh này vào hậu cung.
Cuộc đời của mỹ nhân nổi danh bậc nhất trong "Tam Quốc diễn nghĩa"
Điêu Thuyền là một mỹ nhân xinh đẹp, giỏi ca múa, khéo cư xử thời kỳ Tam Quốc, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví là "Bế nguyệt" (khiến mặt trăng phải xấu hổ mà giấu mình đi).
Dưới thời Hán Hiến Đế (190 - 220 sau Công Nguyên), Điêu Thuyền cũng như Tây Thi là đại diện cho những số phận hồng nhan nhưng bạc mệnh vì những mưu toan chính trị. Mặc dù, trong các bộ chính sử, người ta hoàn toàn không tìm thấy bất cứ ghi chép nào về nguồn gốc xuất thân của mỹ nhân lừng danh này. Tuy nhiên, trong nhiều truyền thuyết dân gian thì Điêu Thuyền vốn họ Nhậm, tên là Hồng Xương.
Cái tên Điêu Thuyền trở nên lừng lẫy đến vậy là nhờ xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa". Ít ai ngờ rằng, vẻ đẹp khiến “hoa hờn nguyệt thẹn” ấy lại ẩn chứa một nguồn sức mạnh phi thường đủ để làm cho bánh xe phải đổi hướng khi khiến liên minh Đổng Trác - Lữ Bố bị tan rã. Nhiều người cho rằng Điêu Thuyền chính là “nữ tướng” mạnh nhất thời Tam Quốc.
Điêu Thuyền ra sao sau khi Lã Bố chết?
Số phận của Điêu Thuyền trong các truyền thuyết dân gian cũng có nhiều dị bản khác nhau. Có thuyết nói, Quan Vũ đã đem Điêu Thuyền giấu đi, Tào Tháo sau khi biết chuyện liền phái người đuổi bắt, Điêu Thuyền rút kiếm tự sát. Một thuyết khác lại nói, nhờ sự sắp xếp của Quan Vũ, Điêu Thuyền trở về quê hương, sống cho tới già. Cũng có người nói, sau khi về quê, Điêu Thuyền xuất gia làm ni cô, sống cuộc đời ẩn dật, yên bình.
Theo giả thuyết khác, sau khi đánh bại Lã Bố và cướp được Điêu Thuyền, Tào Tháo bên ngoài thì tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ nhưng lại ngấm ngầm đồng ý ban mỹ nhân này cho Lưu Bị để chia rẽ mối giữa Lưu và Quan. Biết được mưu đồ của Tào Tháo, Quan Vũ đã giết chết Điêu Thuyền.
Tại sao Tào Tháo không dám động đến Điêu Thuyền
Mặc dù được đánh giá là một vị quân chủ nổi danh với tài dùng binh, dùng người xuất sắc, thế nhưng Tào Tháo lúc sinh thời lại có một tật xấu để lại tai tiếng ngàn đời. Đó là thói phong lưu, háo sắc và sở thích cướp vợ thiên hạ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau khi giết được Lã Bố, Tào Tháo lại không dám chiếm đoạt Điêu Thuyền cho mình.
Theo trang Sohu, câu trả lời xuất phát từ tính cách đa nghi, sự đề phòng cao độ, giỏi nhìn người và dùng người đồng thời tham vọng bá chủ mạnh mẽ của Tào Tháo. Xét về diện mạo của Điêu Thuyền thì cho dù là ai cũng sẽ nhận ra vẻ đẹp của cô. Sở dĩ Tào Tháo không bị động lòng chỉ vì ông phát hiện ra một điểm đặc biệt ở người phụ nữ này. Cụ thể, từ cuộc đời của Điêu Thuyền, Tào Tháo đã nhìn ra sự nguy hiểm khôn lường của "hồng nhan họa thủy".
Để gây mâu thuẫn giữa Đổng Trác và Lã Bố, đơn giản chỉ có nhan sắc hơn người thì chưa đủ, nếu Điêu Thuyền không có chút tâm địa thì sao có thể phá hỏng mối quan hệ giữa hai người này. Hơn nữa, dù là Đổng Trác hay Lã Bố thì cũng đều là những đối thủ đáng gờm của Tào Tháo, vậy mà cả hai người này ít nhiều đều vì sự xuất hiện của Điêu Thuyền mà dẫn tới kết cục thảm hại.
Giữ một mỹ nhân như vậy bên mình chẳng khác nào giữ lại một mầm tai họa. Có lẽ, sau nhiều lần cân nhắc, Tào Tháo đã cam chịu buông tay trước Điêu Thuyền. Với Tào Tháo, mục tiêu của ông là cả thiên hạ và chắc chắn sẽ không chấp nhận rủi ro lớn chỉ vì mỹ sắc.