Từ loạn luân đến loạn nước là một khoảng cách rất ngắn. Điển hình là câu chuyện của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) - vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử bị coi là người đã đẩy sự nghiệp của các chúa Nguyễn vào tình trạng rối ren vì loạn luân với một người trong họ.
Vốn có công lớn trong công cuộc Nam tiến và xây dựng thành Phú Xuân (Huế ngày nay), nhưng về cuối đời, Võ Vương bắt đầu say mê tửu sắc. Đây là cơ hội để Trương Phúc Loan, người cậu ruột đầy mưu mô tìm cách thao túng chúa. Để thực hiện ý đồ, Loan đã đẩy cháu mình vào mối tình loạn luân với cô em họ là Công nữ Ngọc Cầu.
Ngọc Cầu vốn là một người con gái có nhan sắc trời phú. Nắm được bản tính hiếu sắc của Võ Vương, Trương Phúc Loan đã tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên ra vào trong Vương phủ và gần gũi với chúa.
Sau nhiều lần ái ân vụng trộm, Ngọc Cầu đã mang thai với người anh họ và sinh ra một công tử, được đặt tên là Nguyễn Phúc Thuần. Điều này khiến bà trở thành một cung phi được sủng ái bậc nhất của Võ Vương. Tận dụng địa vị của mình, Ngọc Cầu đã nhờ chúa giúp anh em của mình được hưởng quyền cao, lộc bổng hậu hĩ. Tuy nhiên, do mặc cảm loạn luân nên Võ Vương đã không lập Nguyễn Phúc Thuần làm người kế vị. Theo chọn lựa của Vương phủ, đệ nhị công tử Nguyễn Phúc Luân, đương kim thế tử sẽ lên kế ngôi vương. Thấy mưu đồ giành quyền lực không thành, Ngọc Cầu lo lắng bàn với Trương Phúc Loan tìm cách đối phó.
|
Kinh đô Phú Xuân xưa, Huế nay. Ảnh tư liệu. |
Cơ hội đã đến khi Võ Vương qua đời. Ngọc Cầu và Trương Phúc Loan đã cho 100 võ sĩ vào Vương phủ giết tất cả những người ủng hộ Nguyễn Phúc Luân. Bản thân kế tử Nguyễn Phúc Luân bị tống ngục, nhường chỗ cho Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi vương lúc mới 12 tuổi. Từ đây, chính quyền của các chúa Nguyễn rối loạn và từng bước sụp đổ.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nghi án vợ con hoàng tử Cảnh loạn luân với nhau cũng được các sử gia ghi lại. Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh là con trưởng của vua Gia Long, sinh năm Canh Tý (1780) ở Gia Định. Ông kết duyên với Tống Thị Quyên, sinh được 2 con trai là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Năm 1801, hoàng tử Cảnh bị bệnh đậu mùa, hưởng dương 21 tuổi.
Sau khi ông mất, người được vua Gia Long chọn nối ngôi không phải Mỹ Đường mà là hoàng tử Đảm, em trai của hoàng tử Cảnh, vì hoàng tử Đảm có tư tưởng gần gũi hơn. Năm 1820, Gia Long băng hà, hoàng tử Đảm lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Mạng.
Đến năm 1824, có người bí mật tố cáo với Minh Mạng rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ là Tống Thị Quyên. Vua đã rất giận dữ, lệnh cho lính áp giải Hoàng thái phi Tống Thị Quyên đi biệt giam. Bà không được biện minh mà phải thừa nhận tội lỗi của mình, rồi sau đó bị xử tội chết bằng cách dìm nước. Mỹ Đường không bị kết án tử vì tội thông dâm với mẹ đẻ, nhưng bị gạch tên trong sổ hoàng tộc và giáng làm thứ dân.
Quanh vụ án này đã có rất nhiều giả thuyết khác nhau. Có ý kiến cho rằng đây là âm mưu nhằm loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Mỹ Đường trong hoàng tộc. Vào thời đó, có 2 tội không thể tha thứ là bất trung và thất đức. Bất trung thì Mỹ Đường không có biểu hiện gì, nên muốn loại bỏ cháu đích tôn của Gia Long thì chỉ còn cách khép vào tột thất đức, nghĩa là thông dâm với mẹ. Dù vậy, những tình tiết thực sự phía sau vụ án hoàng tộc này có lẽ mãi mãi vẫn là một ẩn số lịch sử của triều Nguyễn.
Nếu như ở các triều đại trên, việc loạn luân chỉ diễn ra nhỏ lẻ, không phổ biến thì với nhà Trần, loạn luân lại được coi là chuyện... thường. Nhà Trần được coi là một triều đại hưng thịnh hàng đầu của giai đoạn đại phong kiến Việt Nam. Tuy vậy, vấn nạn loạn luân ở triều đại này lại là điều bị nhiều sử gia phê phán mạnh mẽ.
Sở dĩ có hiện tượng loạn luân này là vì từ lịch sử lập quốc nhà Trần đã có quy định, để tránh ngôi vua truyền ra ngoài, chỉ có người trong tộc mới được lấy nhau. Đây chính là một kinh nghiệm lịch sử của nhà Trần từ việc Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, giành vương quyền từ nhà Lý. Theo thống kê, trong 175 năm tồn tại, nhà Trần đã diễn ra khoảng 35 cuộc hôn nhân nội tộc, trong đó có trường hợp vua Trần Anh Tông.
Trần Anh Tông vốn là con trưởng của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Khâm từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu, là cháu nội của Trần Thánh Tông, cháu ngoại của Trần Hưng Đạo, chắt nội của Trần Thái Tông. Nhà vua lại lấy Thuận Thánh, con gái Trần Quốc Tảng, là cháu nội của Trần Hưng Đạo, chắt Trần Liễu. Như vậy, quan hệ vợ chồng này là cháu cô cháu cậu hay chắt chú chắt bác lấy nhau.
Một trường hợp hôn nhân loạn luân khác thuộc về danh tướng Trần Hưng Đạo. Ông là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú. Vợ ông là công chúa Thiên Thành, em gái ruột của vua Trần Thái Tông...
Luật nay: Loạn luân là hành vi phi nhân tính
Về mặt đạo đức, những mối quan hệ giữa những người cùng huyết thống, giữa những người có liên hệ tình cảm mang tính chất gia đình như giữa mẹ vợ với con rể, bố chồng với con dâu, anh rể với em vợ... đều không nên có, vì nó vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt. Còn về mặt pháp luật thì trong lịch sử lập pháp Việt Nam, chỉ có Bộ luật Hồng Đức triều Lê mới gọi mối quan hệ giữa bố chồng - con dâu, mẹ vợ - con rể là loạn luân.
Nhìn chung, tất cả các mối quan hệ tình cảm giữa những người trong gia đình, nhưng không cùng huyết thống như vậy, về mặt đạo đức xã hội đều bị đánh giá là ngang trái, loạn luân, thậm chí bị coi là vi phạm pháp luật.
Nhằm điều chỉnh mối quan hệ tình cảm (ở đây là tình cảm trai gái, tình yêu giữa người nam và người nữ chứ không phải tình cảm yêu thương trong gia đình thông thường) giữa bố chồng - con dâu, mẹ vợ - con rể, bố mẹ nuôi - con nuôi, bố dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng (Điều 10).
Quy định này xuất phát từ quan niệm đạo đức, là một minh chứng cho sự kết hợp giữa pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội. Nếu những người nêu trên cố tình kết hôn thì họ sẽ bị xử phạt hành chính từ 100-500 nghìn đồng theo quy định của NĐ 87/2001/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Theo từ điển tiếng Việt, loạn luân là bất kỳ hành vi tình dục nào với người có quan hệ họ hàng gần hoặc người trong cùng gia đình. Dạng quan hệ tình dục nào và quan hệ có tính chất như thế nào là vi phạm pháp luật và bị cấm kỵ thì khác nhau tùy theo nền văn hóa và luật pháp nhưng hầu hết các xã hội coi loạn luân là điều cấm kỵ. Điều 150 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định: Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phải xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên (Thông tư liên tịch số 01/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25.9.2001).
Nhằm giải thích sâu hơn để phục vụ cho việc tố tụng, Thông tư liên tịch số 01/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25.9.2001 về việc hướng dẫn áp dụng các qui định tại chương XV - Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình - của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã chỉ rõ: "Loạn luân là việc giao cấu giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha".
Trong xã hội hiện đại, đã có khá nhiều vụ án loạn luân được đưa ra xét xử và kẻ vi phạm đã phải nhận hình phạt thích đáng.
Do loạn luân là hành vi phi nhân tính, đáng bị lên án và trừng trị nghiêm khắc, nên cũng như nhiều quốc gia khác, pháp luật Việt Nam có cùng quan điểm đặc biệt nghiêm trị. Bộ luật Hình sự quy định nếu hành vi hiếp dâm có tính chất loạn luân, làm cho phụ nữ có thai thì phải chuyển khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm (khung 1) lên 7 năm đến 15 năm tù (khung 2). Đối với tội hiếp dâm trẻ em nếu có tính chất loạn luân hoặc làm cho nạn nhân có thai thì đây là những tình tiết tăng nặng và đều phải chuyển khung hình phạt từ khung 1 lên khung 2, với thời gian bị phạt từ 12 năm lên đến 20 năm...