Chào mừng ngày truyền thống ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8), từ ngày 22/8, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức triển lãm 3D chủ đề "Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây".
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hàng trăm tài liệu quý, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu được công bố về hoạt động ngoại giao của nước ta trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ dưới triều Nguyễn (1802-1858), trước khi thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta thành thuộc địa.
Lịch sử tái hiện qua triển lãm 3D độc đáo
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, các tài liệu giới thiệu tại triển lãm "Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây" chủ yếu được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Đó là các hiện vật, tư liệu như Châu bản năm Gia Long thứ 16 (1817) cho biết tàu đem theo lễ vật của vua Ba Lãng Sa (Pháp) tặng vua nước Việt Nam để tỏ tình hữu hảo; năm 1825, Bá tước Đại tá hải quân Pháp đến Đà Nẵng xin đặt lãnh sự và thông thương, nhưng vua Minh Mạng đã từ chối; họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thời Minh Mạng (1825)…
Với không gian tương tác 3D, triển lãm sẽ giới thiệu với người xem một không gian lịch sử thông qua hai phần: “Đóng cửa Tây” và “Mở cửa Đông”.
Ở phần 1 với chủ đề “Đóng cửa Tây”, các Châu bản cho thấy các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức trong quan hệ với các nước đã thực hiện nhất quán chính sách “tự thủ”, “khép kín”. Mặc dù vậy, triều Nguyễn không hoàn toàn tuyệt giao với những gì liên quan đến phương Tây (chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ).
|
Không gian trưng bày trong triển lãm 3D "Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây". Ảnh chụp màn hình. |
Các vua triều Nguyễn từng gửi phái bộ đi xem xét tình hình phương Tây, mua đồ thiết yếu, súng đạn của phương Tây, học hỏi về khoa học kỹ nghệ... Bên cạnh đó, tàu thuyền phương Tây cũng không ít lần nhận được sự giúp đỡ, đón tiếp của triều Nguyễn. Một số nhà Nho còn dâng điều trần đề nghị giao hảo với phương Tây.
Phần 2 với chủ đề “Mở cửa Đông” vẽ lên một bức tranh khác: Trong khi thực hiện chính sách “không phương Tây”, vua triều Nguyễn lại ưu tiên phát triển mối quan hệ với các nước phương Đông như Cao Miên (Campuchia), Vạn Tượng (Lào), Xiêm La (Thái Lan)… đặc biệt với nước láng giềng Trung Quốc.
Triển lãm kỳ vọng mang đến cho người xem những trải nghiệm, khám phá thú vị, thông tin bổ ích, góc nhìn mới mẻ và hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động ngoại giao của nước ta dưới triều Nguyễn. Tìm hiểu hoạt động ngoại giao của tiền nhân cũng là cách để chúng ta có thể “gạn đục khơi trong”, đúc rút ra những giá trị cho cuộc sống đương đại.
Một số tư liệu đặc sắc trích từ triển lãm
Về quan hệ với Trung Quốc:
“Vua cho sự thể bang giao là một việc quan trọng, hạ lệnh cho quan Bắc Thành noi theo việc cũ của triều Lê, xây thêm điện vũ (Đặt điện Cần chánh ở bên trong năm cửa trước điện Kính Thiên, ngoài cửa điện Cần chánh dựng một cái rạp dài, đằng trước đặt cửa Chu Tước) và nhà tiếp sứ ở bên sông; Lại hạ lệnh cho Lạng Sơn sửa đài Ngưỡng Đức; từ sông Nhị Hà đến Lạng Sơn tính đường đặt bảy sở nhà trạm, ở đó đều đặt công quán”.
Về quan hệ với Cao Miên:
“Cũng dưới triều Gia Long, nước ấy bị quân Xiêm xâm lược chiếm cứ Nam Vang, cố Quốc vương ấy tự bỏ nước của mình, một mình chạy đến ở thành Gia Định, nước Cao Miên không còn là sở hữu của Quốc vương ấy nữa. Trẫm (vua Minh Mạng) vâng theo mệnh lệnh của vua cha ta Thế Tổ Cao Hoàng Đế đem quân đi đánh đuổi quân Xiêm, khôi phục nước đó”.
|
Nội dung của triển lãm 3D "Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây" được trình bày trực quan, sinh động, hấp dẫn. Ảnh chụp màn hình. |
Về quan hệ với Xiêm La:
"Những ngày này, bọn giặc Xiêm La đã chạy xa, nhưng dư đảng vẫn còn tử thủ, nên việc binh lương rất quan trọng khẩn cấp, vả lại kế phòng giữ biên cương còn cần phải điều động lính tuyển để bổ sung, cho đến việc thuyền bè, vũ khố còn cần sửa chữa tu bổ”.
Về quan hệ với Vạn Tượng, Nam Chưởng:
“Vâng mật dụ của Hoàng thượng, mật sức cho quan trấn Hưng Hóa ủy phái binh dân địa phương chia nhau đến vùng thượng du hạt đó cho đến giáp địa giới nước Vạn Tượng, Nam Chưởng thăm dò xem gần đây có tăm hơi quân Xiêm không, quốc trưởng nước Vạn Tượng phải chăng từng bị quân Xiêm đánh bại, đã chạy trốn đến nơi nào, cốt cho được xác thực, báo về cho trấn thành đó làm bản tấu cụ thể trình gấp”.
Quan hệ với Thủy Xá:
"Nước Thủy Xá ở nơi hoang sơ hẻo lánh, phong tục thuần phác, ngưỡng mộ uy đức của Thánh tổ Nhân hoàng đế ta". "Các quan ở Nội các phụng Thượng dụ về việc cấp sắc thư cùng các vật phẩm cấn thưởng cho quốc vương, xứ thần nước Thủy Xá".
Về quan hệ với Pháp:
"Vệ úy Thị nội, quản lý các đài Định Hải, Điện Hải, kiêm lãnh Thủ Ngự cửa biển Đà Nẵng tâu, có một chiếc thuyền của nước Ba Lãng Sa đến cảng. Người em của viên Tài phó thuyền ấy trình rằng, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn vâng chỉ về nước nghỉ hưu trí, có nhận mua các loại hàng cho nước ta". (Nguyễn Văn Thắng là tên tiếng Việt của Jean-Baptiste Chaigneau - sĩ quan kiêm nhà thám hiểm người Pháp đã giúp đỡ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với triều đại Tây Sơn).
Về quan hệ với Hoa Kỳ:
“Vua (Minh Mạng) bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lĩnh chức Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: ‘Nước ấy (Hoa Kỳ) muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi’”.
Về quan hệ với Anh:
“Ngày 13 tháng 9 năm Thiệu Trị (1847), Thự Tổng đốc Nam Ngãi tâu, ngày mồng 1 tháng 9 năm đó, hai chiếc tàu quân sự của nước Anh vào tấn Đà Nẵng. Theo thuyền trưởng, họ được Quốc vương phái đến trình Quốc thư và cống phẩm, mong hòa hảo thông thương”.
Theo Cục Di sản văn hóa, châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán - Nôm. Đây là các văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 - 1945), bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao.
Châu bản là các tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ... Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến, có giá trị nổi bật về nội dung bởi những thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ.
|