Theo quan niệm, lau dọn bàn thờ (còn gọi là bao sái) là công việc yêu cầu sự cẩn trọng cao và cần phải hết sức chú ý, tránh phạm phải những điều kiêng kị để gia đình không gặp vận hạn. Vậy cách lau dọn bàn thờ như thế nào là chuẩn xác nhất?
Kiêng kị phải tránh khi lau dọn bàn thờ
- Không làm đổ vỡ đồ thờ: Đồ thờ cúng trên bàn thờ là những vật linh thiêng, thể hiện sự trang trọng tôn kính với người thân và tổ tiên đã khuất, nên theo quan niệm dân gian, nếu không cẩn thận làm đổ vỡ thì gia chủ sẽ gặp chuyện không may vì thiếu đi sự tôn trọng với người đã khuất.
- Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh.
- Tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước bài vị của thần Phật. Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật, thần phật có ngôi vị cao hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép.
- Không được rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”, nên dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên.
|
Nên cẩn thận để không làm đổ vỡ đồ thờ. (Ảnh minh họa) |
Cách lau dọn bàn thờ để không tán lộc, động tài
Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người), trước khi lau dọn bàn thờ (bao sái), người bao sái cần tắm rửa sạch sẽ và dịp này chỉ nên lau sạch đèn nến, đồ thờ, không làm tổng thể như dịp Tết. Tối kị động chạm dịch chuyển bát hương vì quan niệm thần linh, gia tiên khó an vị để phù hộ con cháu.
Nước bao sái bàn thờ là nước 5 thứ thảo dược (quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn), hoặc rượu gừng để tẩy uế, làm sạch đồ thờ cúng. Đun sôi cho kỹ những thảo dược đó với 1,5 lít nước, để ấm rồi dùng nước đó để lau rửa bàn thờ và đồ thờ cúng. Nếu muốn thơm hơn thì đun lâu hơn cho nước đặc, hoặc mua thêm hương liệu (đối với bàn thờ lớn, hoặc nhiều bàn thờ). Việc bao sái ai làm cũng được, chỉ cần cẩn thận, tỉ mỉ để tránh đổ vỡ đồ thờ quý, vật phẩm, ảnh gia tiên…
Các nhà tâm linh cũng cho rằng, khoảng 2 - 3 tháng hãy bao sái bàn thờ một lần. Không lau dọn thường xuyên vì khu vực đặt bát hương rất cần tụ khí, nếu động chạm liên tục thì theo tâm linh cũng không tốt. Còn bình thường khi thắp hương chỉ nên lau bàn thờ cho sạch sẽ, không để bụi bẩn, hay mạng nhện dính ở đó.
Cũng theo Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Phật học), có người bảo việc bát hương đầy chặt chân hương sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phải bao sái sạch sẽ, rút sạch chân hương để bát hương quang quẻ, không che mắt thần linh, gia tiên thì mới phù hộ được cho con cháu. Còn các chuyên gia tâm linh cho rằng, việc tỉa chân hương có thể làm hàng tháng vào dịp cuối tháng để bát hương, bàn thờ luôn sạch sẽ, sáng sủa và tránh hỏa hoạn.
Sau khi lau dọn xong xuôi sẽ đến công đoạn đặt lại đồ thờ lên ban thờ. Trước khi đặt lại đồ thờ lên, dùng 7 tờ tiền vàng đốt rồi hơ 4 phía trên, dưới, phải, trái của bàn thờ. Sau khi đặt lại đồ thờ thì thắp 3 nén hương lên bát hương và vái lạy lần nữa.
Bàn thờ là một yếu tố vô cùng quan trọng còn mang lại tài lộc, an khang, sức khỏe tâm linh cho mọi người trong gia đình. Nếu bàn thờ thu nạp được sinh khí tốt thì con cháu sẽ hưởng phúc, làm ăn phát đạt, mọi sự hanh thông. Quan trọng là con cháu bày tỏ lòng thành kính trước gia tiên, thần phật và cầu mong bình an may mắn cho gia đình.
*Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo!