Điều đặc biệt của 9 cây sưa vừa trở thành Cây di sản Việt Nam

Google News

Quần thể cây giáng hương Ấn (sưa) ở làng Hương Trà có tuổi đời trung bình trên 200 năm. 9 cây có giá trị nổi bật trong quần thể này vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Vừa qua (ngày 5/4), tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quang Nam đã diễn ra lễ công bố quyết định và đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với quần thể 9 cây giáng hương Ấn làng Hương Trà.
Loài cây gắn với lịch sử một vùng đất
Theo TTXVN, làng Hương Trà (nay thuộc địa phận phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ) là vùng đất của ấp Hương Trà có khoảng từ đầu thế kỷ 16, nằm ở ngã ba sông Tam Kỳ - Kỳ Phú nên đất đai của làng hết sức màu mỡ, ruộng vườn tươi tốt.
Trong quá trình hình thành và phát triển, làng Hương Trà gắn liền với sự hình thành và phát triển của thủ phủ Tam Kỳ xưa và thành phố Tam Kỳ ngày nay.
Cũng như bao làng quê khác của Việt Nam nói chung và của Quảng Nam nói riêng, điểm đặc trưng của làng Hương Trà là gắn liền với bờ sông. Do đó, để phòng chống các dòng sông xâm thực, trong suốt quá trình lập đất, lập làng, để bảo vệ nhà cửa, làng mạc, giữ gìn hệ thống giao thông, các bậc tiền nhân đã lựa chọn cây giáng hương Ấn, được người dân địa phương gọi là cây sưa, để trồng trước nhà, trong vườn, dọc bờ đê làng… đã tạo không gian làng Hương Trà nổi bật với hai hàng cây xanh biếc trên con đường làng.
Hàng năm, mỗi độ tháng tư về, hoa giáng hương Ấn vàng rực tô thắm cả vùng đất Hương Trà. Hương hoa bay theo gió thơm xa khắp cả vùng, nên người dân nơi đây còn gọi là cây Cửu lý hương.
Dieu dac biet cua 9 cay sua vua tro thanh Cay di san Viet Nam-Hinh-3
Dieu dac biet cua 9 cay sua vua tro thanh Cay di san Viet Nam-Hinh-4
Những cây giáng hương Ấn làng Hương Trà mùa trổ hoa. Ảnh: Tiền Phong 
Quần thể cây sưa - giáng hương Ấn ở làng Hương Trà có tuổi đời trung bình trên 200 năm. Nhiều năm trở lại đây, để cùng với người dân làng Hương Trà bảo tồn và phát triển quần thể cây giáng hương Ấn, chính quyền các cấp thành phố Tam Kỳ đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động gìn giữ và quản lý cảnh quan ở Hương Trà và phát triển trồng trên các tuyến phố ở địa bàn thành phố, không gian công cộng với gần 2.000 cây giáng hương Ấn...
Nhằm bảo tồn tốt hơn nữa giá trị của quần thể cây giáng hương Ấn cổ thụ làng Hương Trà, tạo điểm đến cho du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn giá trị tài nguyên bản địa, tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, UBND thành phố Tam Kỳ đã cùng với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tiến hành khảo sát và lập hồ sơ đề nghị. Và ngày 22/03/2024, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-HMTg công nhận Quần thể 9 cây giáng hương Ấn (9 cây sưa) tại Làng sinh thái Hương Trà là Quần thể Cây Di sản Việt Nam.
Tại lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 9 cây sưa - giáng hương Ấn làng Hương Trà, GS-TSKH - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay thì việc người dân Tam Kỳ bảo quản, chăm sóc những cây sưa xanh tươi, phát triển tốt đến tận hôm nay là rất điều rất đáng quý và trân trọng, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng làng sinh thái Hương Trà.
Loài cây bản địa độc đáo, nhiều công dụng
Theo tài liệu "Cây gỗ kinh tế" của tác giả Trần Hợp và Nguyễn Bội Quỳnh, cây giáng hương Ấn có tên khoa học là Pterocarpus indicus. Về hình thái, đây là cây thân gỗ cao 25 - 30 mét, đường kính 90 - 100 cm. Thân thẳng, tròn. Tán lá dày. Vỏ màu nâu sẫm, nứt dọc, cành non có lông, sau nhẵn, lá kép lông chim một lần lẻ, mọc cách. Cuống chung có lông ngắn, mang 5 - 11 lá nhỏ, mọc cách, hình trái xoan thuôn; ngọn dần về phía đầu thành mũi. Gốc tù hoặc gần tròn. Mép nguyên. Gân bên 12 đôi. Cuống lá ngắn, có lông. Hoa nhỏ màu vàng có mùi thơm, hợp thành chùm ở các nách lá, dài 10 - 15 cm không phân nhánh, có lông màu nâu. Hoa có cuống nhỏ, phủ lông. Cánh dài hình chuông có 5 răng nhọn có lông ở mặt ngoài. Cánh tràng có móng, cánh cờ hình trái xoan. Nhị 10 hợp thành một bó, bầu có lông, 2-4 noãn. Quả tròn dẹt, đường kính tới 8 cm, có mũi cong về phía cuống, 1 - 2 ô, mỗi ô chứa 1 - 2 hạt. Quả có cánh mỏng.
Dieu dac biet cua 9 cay sua vua tro thanh Cay di san Viet Nam-Hinh-2
 
Lá và hoa của cây giáng hương Ấn. Ảnh: Flora of Bangladesh.
Thường mọc trong rừng nhiệt đới mưa mùa thứ sinh, giáng hương Ấn thuộc loài cây ưa sáng, đất cát pha, tầng đất sâu dày. Cây tăng trưởng về chiều cao mạnh nhất lúc 16 - 20 năm tuổi, sau đó giảm dần, tăng trưởng về đường kính từ độ tuổi 20. Cây mọc ở độ cao dưới 400 mét, chủ yếu trong rừng rậm nhiệt đới nửa rụng lá, thường mọc hỗn giao với một số loài cây lá rộng khác. Cây ưa đất thoát nước, có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, phong hóa từ các đá trầm tích và magma axit, có khi cả trên đất đỏ bazan.
Về mặt công dụng, cây giáng hương Ấn có gỗ rất đẹp, màu nâu hồng, mịn, có vân khá rõ, tia rất nhỏ, mật độ cao, mạch to mật độ cao, có mùi thơm dễ chịu. Gỗ giáng hương Ấn thường được dùng để đóng đồ gỗ cao cấp, đồ mỹ nghệ. Một số bộ phận của cây được dùng làm thuốc.
Ở Việt Nam, giáng hương Ấn mọc nhiều ở các tỉnh phía Nam. Trên thế giới, địa bàn phân bố của loài cây này là Nam Á, Đông Nam Á, miền trung và miền Nam Trung Quốc và một số đảo ở Thái Bình Dương.
Giáng hương Ấn được công nhận là loài cây quốc gia của Philippin, và cũng là loài cây biểu tượng của các tỉnh Chonburi và Phuket, Thái Lan. Hoa của loài cây này được xem là quốc hoa của đất nước Myanmar.

Việc tuyển chọn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010 với tên gọi "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam" được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng.

Cây Di sản bao gồm những cây gỗ lớn, cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.

Việc lựa chọn và vinh danh Cây Di sản góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.

Đến nay, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận hơn 1000 cây là Cây Di sản trên cả nước. Cây Di sản có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam là cây Táu bạc ở đền Thiên Cổ, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cây có tuổi thọ khoảng 2.200 tuổi.

Thanh Bình

>> xem thêm

Bình luận(0)