Những bóng hồng trong cuộc đời tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

Google News

Cuộc đời của cố Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn luôn gắn kết với những người phụ nữ mà ông hằng yêu thương, chịu ơn họ

Có những người phụ nữ đã chấp nhận đi cùng “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn trên một con thuyền đầy hiểm nguy, bất trắc của nghiệp tình báo. Đó là không chỉ là bà Hoàng  Thu Nhạn – người bạn đời, người vợ luôn trung thành tận tụy bên ông mà còn có rất nhiều phụ nữ vô danh, thầm lặng khác

Tôi nhớ một ngày mùa đông năm 2007, khi thực hiện bộ phim tài liệu “Người phụ nữ mang tên loài cỏ đẹp” về nữ tình báo Nguyễn Thị Yên Thảo (Mỹ Nhung, Tám Thảo), chúng tôi đến căn nhà lịch sử 214A Lý Chính Thắng, quận 3 - TPHCM, chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động giữa Tám Thảo và bà Hoàng Thu Nhạn -phu nhân của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn.
Hai người phụ nữ không còn trẻ nữa, rưng rưng nhớ những phút giây sinh tử mà những người trong cuộc phải đối mặt. Cho đến lúc ấy, bà Hoàng Thu Nhạn mới hiểu thêm những đồng đội của chồng trong đường dây tình báo tuyệt mật. Mấy mươi năm trước, Tám Thảo là một thiếu nữ xinh đẹp, quyến rũ.
Là con gái một thương nhân lớn bán vải, lụa ở Sài Gòn. Tám Thảo tạo được vỏ bọc thuận lợi để hoạt động tình báo. Khi Phạm Xuân Ẩn từ Mỹ về Sài Gòn hoạt động báo chí, chính Tám Thảo là người tổ chức móc nối, đưa ông ra căn cứ ở Củ Chi, gặp lại tổ chức tình báo.
Từ đó, cô là giao liên nối dài những bước chân cho ''điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn vào căn cứ và ngược lại, mang những chỉ thị mật cho các cơ sở nội thành. Đó là công việc lướt trên hiểm nguy và cái chết. Như chuyến “giao hàng” gồm 24 cuộn phim Kodax chụp tư liệu mà Phạm Xuân Ẩn dày công lăn lộn trong hàng ngũ cao cấp chính quyền Sài Gòn mới có được. Khi giao cho thủ trưởng 24 cuộn phim Kodax có đánh số hẳn hoi, Tám Thảo mới hay mình vừa thoát qua cửa tử. 

Sau Mậu Thân 1968, trước tình hình địch phản công dữ dội, để bảo vệ đường dây hoạt động của ông Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo được tổ chức đưa vào chiến khu, công tác tại Cục Tình báo Miền.
Sau chiến tranh, trong một buổi họp mặt, Phạm Xuân Ẩn gắp thức ăn cho Tám Thảo, bị đồng đội đùa: ''Cha, ông Ẩn chăm chút cho Tám Thảo dữ a''.

Nhung bong hong trong cuoc doi tuong tinh bao Pham Xuan An
Anh hùng Phạm Xuân Ẩn và bà Hoàng Thu Nhạn trong ngày cưới

Ông lặng đi, nói: ''Năm ấy, để giữ vỏ bọc an toàn cho tôi mà “tiểu thư Mỹ Nhung” phải vô rừng, đối mặt với bao gian khổ, hiểm nguy tôi có chăm chút cho cô ấy bao nhiêu cũng không đủ đền bù những mất mát trong cuộc đời cô ấy!''. Giờ Phạm Xuân Ẩn đã đi xa. Nhìn đôi mắt sâu thẳm, đượm buồn của ông trên bàn thờ chìm trong hương khói, Tám Thảo không ngăn được nước mắt...

Em gái của ''tiểu thư Mỹ Nhung'' - Mỹ Linh là người phụ nữ thầm lặng trong Cụm Tình báo H63. Ít ai ngờ, Mỹ Linh chính là người giúp ông Phạm Ngọc Thảo lúc ấy đang là đại úy bảo an ở Vĩnh Long gặp ông Nguyễn Quốc Hương (Mười Hương) - phụ trách công tác tình báo ở Nam Bộ, sau này là Bí thư Trung ương Đảng.
Cuộc gặp gỡ ấy tạo tiền đề cho sự dấn thân của người anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo trong hang ổ kẻ thù, lập nên những chiến công huyền thoại. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Mười Hương Mỹ Linh vốn xinh đẹp, giỏi tiếng Anh, vào làm tiệc cho cơ quan USOM của Mỹ.
Vốn thông minh, tháo vát, Mỹ Linh nhanh chóng tạo được cảm tình, sự tin cậy của những người Mỹ. Những chuyến đi cứu trợ khắp mọi miền đất nước giúp Mỹ Linh có được cơ hội nắm bắt nhiều tin tức chiến sự. Gia đình Tám Thảo là cơ sở của đường dây H63, có mối liên hệ thân thiết với Phạm Xuân Ẩn.
Ông thường lái xe đưa Mỹ Linh, Mỹ Nhung, Lan, Huệ đi dự những tiệc chiêu đãi. Ông rất vui khi nhìn chị em cô nhảy đầm đẹp, nói tiếng Anh trôi chảy. Tuy nhiên, ông cũng nghiêm khắc uốn nắn từng sai sót nhỏ của các cô trong giao tiếp.
Tận đáy lòng, Mỹ Linh rất ngưỡng mộ ông anh tài hoa. Cô được Phạm Xuân Ẩn dạy tiếng Anh, gần gũi, chia sẻ với ông áp lực của cuộc sống hai mặt đầy khắc nghiệt của nghề tình báo. Năm 1963, Mỹ Linh được lệnh của tổ chức đưa vào chiến khu Củ Chi, công tác tại Ban Tham mưu Cục Tình báo Miền Nam, với bí danh Chín Chi. Từ một tiểu thư con một gia đình tư sản giàu có, cô vào rừng chịu đựng bom đạn, gian khổ, đối mặt với những trận càn quét của địch.
Cô đã dành bao nhiêu trí lực để dịch những tin tức mà tình báo của ta lấy được từ cơ quan đầu não của địch chuyển ra, trong đó phần lớn từ Phạm Xuân Ẩn. Cô còn được giao nhiệm vụ theo dõi điện đài, ý đồ, kế hoạch hành quân càn quét của địch báo về cấp trên.
Mậu Thân 1968, nếu như nội đô, Quân Giải phóng đồng loạt nổ súng tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch, thì giữa rừng, dưới căn hầm bí mật, Mỹ Linh liên tục bắt điện đài, lấy tin tức. Một mình cô theo dõi tin từ 6 chiếc máy PRC25, nghe, ghi chép... Cường độ làm việc căng thẳng suốt ngày đêm, khiến Mỹ Linh bị sẩy thai.

Đường dây tình báo H63 có một người phụ nữ quê mùa, thầm lặng. Mãi đến sau ngày chiến tranh kết thúc, Phạm Xuân Ẩn mới biết rõ hoàn cảnh của người đồng chí trong đường dây của mình, suốt 14 năm ròng rã: ''Lúc mới hoạt động với tôi, chị ba đã 44 tuổi, hơn tôi gần 10 tuổi.

Nhung bong hong trong cuoc doi tuong tinh bao Pham Xuan An-Hinh-2
Chị Tám Thảo

Chị vô Đảng từ năm 1936. Chồng chị, anh Phước ra Bắc năm 1952, trước cả Điện Biên Phủ. Chị gởi hai cháu Ánh Hương và Chiến Thắng ở nhà ngoại. Sau cả hai cháu đều lên trên cứ học tập và hoạt động. Chúng tôi coi nhau như hai chị em ruột.
Chị chuyên gánh hàng bánh bình dân, rồi bán đồ vàng giả cho trẻ nít, đi khắp các chợ Bình Chánh, Gò Đen, Bà Chiểu, Bến Lức... Chị thường vô trong Chợ Lớn cất hàng. Tôi thường hẹn gặp chị vào buổi trưa, nhiều hơn là vào chập tối. Khi thì ở vỉa hè, ở cửa chợ, có lúc trong hàng quán. Có lúc chị đóng vai người chị ở quê ra thăm, mang trái cây cho em...
Mỗi lần gặp, tôi lại “thảy” cho chị một bức thư, một tập báo Sài Gòn hồi đó, hoặc đưa cho chị xấp tiền, có khi biếu chị xấp vải hoa. Trong đó đều có tập báo cáo bản đồ, thư về tình hình viết bằng loại mực hóa học đặc biệt.
Có khi là những cuốn phim tôi chụp tài liệu của địch, có cả những cuốn phim tôi chụp từ trên trực thăng Mỹ đi quan sát mặt trận về, gởi ra ngoài ta. Chị rất tận tụy mà cũng rất sáng dạ, thông minh, bao giờ cũng chuyển được nhanh nhất, êm nhất ra Củ Chi hoặc ra Hố Bò, cho một đầu mối của ta ở đó...''.

Tháng 4-2009, tôi tìm gặp bà ở nhà riêng tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Nhớ lại những ngày hoạt động trong Cụm Tình báo với Phạm Xuân Ẩn, bà cười nói: Hòa bình, Ẩn tìm gặp tôi. Ôi trời, thật là sung sướng khi hai chị em lần đầu tiên được nói chuyện tự do.
Vậy mà nước mắt cứ tuôn trào. Tôi chửi nó: ''Dạo đầu gặp mày, Hai à, tau rất sợ vì mày chơi sang quá! Bộ dó mày có vẻ tay chơi sang trọng quá chừng! Con chó béc-giê với chiếc xe Pơ-giô của mày tau ớn muốn chết!''. Tôi trách yêu, Ẩn chỉ cười trừ. Công lao to lớn như vậy ma Ẩn cứ nắm chặt tay tôi nói: “Chị Ba à, em có thành thích nhỏ một phần thì chị có công lớn tới ba, bốn phần”.

Chồng hy sinh, để lại 4 đứa con thơ dại, vượt qua nghịch cảnh, người phụ nữ mang bí số Z24 đã dũng cảm, mưu trí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một ''giao thông viên'' cho Cụm Tình báo H63. Từ Phú Hòa Đông, Hai Ánh cải trang làm người mua bán bánh tráng, hàng bông từ Củ Chi vào Sài Gòn, mang theo những chỉ thị từ căn cứ vào đầu mối nội thành và ngược lại. Xinh đẹp, thông minh, lanh lợi, Hai Ánh đã từng mưu trí ''hộ tống”
Cụm trưởng Nguyễn Văn Tàu vượt qua các trạm gác về Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Len lỏi vào các chợ, chị bắt liên lạc với bà Nguyễn Thị Ba, có khi là “ông khách” mà sau này chị mới biết Là Phạm Xuân Ẩn...
Một lần chị xuống đến Hóc Môn bị địch chặn lại xét giấy. Lần này, tên lính kiên quyết đòi khám chồng bánh tráng. Tài liệu gửi Phạm Xuân Ẩn được vo tròn thành viên, giấu trong chồng bánh tráng rơi ra. Hai Ánh thót tim nhưng chị cố trấn tĩnh, lấy chân giẫm lên. Tên lính quát hỏi: “Cái gì vậy?”. “Ui da, kiến cắn, đau quá!”. Hai Ánh ngồi thụp xuống, nhăn nhó. Đợi tên lính quay đi, chị nhanh tay bỏ viên tài liệu vào  miệng nuốt.
Hai Ánh mừng rỡ khi vượt qua được trạm gác. Nhưng liền sau đó, trong lòng chị tràn ngập nỗi lo lắng. Tài liệu gửi cho bà Ba còn nguyên trong ổ bánh mì nhưng phần cho “ông khách” thì chị đã nuốt. “Làm sao đây?”. Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu, chị vội vã vào quán mua nước dừa, cố uống cho đầy bụng.
Rồi chị giả bộ trúng gió, ra cột điện móc họng cố ói hết ra ngoài. May quá, viên tài liệu còn nguyên. Chị nhặt lên, lấy tiền gói lại, cho vào túi. Khi gặp bà Ba, chị mới thấm nỗi sợ hãi, òa khóc... Biết chồng Hai Ánh hy sinh, một mình chị vừa nuôi con nhỏ vừa đảm đương công tác giao thông mật, ''ông khách'' vô cùng thương cảm.
Mỗi chuyến “giao hàng”, ông thường gửi cho chị vài hộp sữa con chim. Chị Ánh không dám nhận, vụng về nói tránh đi: “Em cám ơn anh nhưng tổ chức không cho phép em nhận những thứ này của anh. Anh cũng khó khăn...”.
“Ông khách” gạt đi nói: “Em cứ lấy về cho con. Em không nói làm sao tổ chức biết mà rầy em. Mà nếu lỡ có bị rầy, anh chịu”. ''Tôi cầm mấy hộp sữa mà nước mắt rưng rưng. Chuẩn bị Mậu Thân 1968, anh Tư Cang – Cụm trưởng vào nội thành, liên lạc với ''ông khách'', tôi tiếp tục phục vụ đường dây.
Tôi không sao quên được chồng bánh tráng mang vào thành phố sáng ngày mùng ba Tết, trong đó giấu khẩu súng ngắn và mấy mươi viên đạn. Anh Tư Cang đã mang số vũ khí này về nhà Tám Thảo, để đêm mùng ba Tết, anh Tư chia lửa với các đồng chí biệt động tấn công vào Dinh Độc Lập...”.
Chị tự rút ra những trải nghiệm của mình trong quá trình làm một mắt xích trong đường dây tình báo: “Phải bình tĩnh để đối phó, tạo hoàn cảnh bên ngoài hợp pháp. Phải là một con người cư xử tốt để tạo được sự yêu mến, tin cậy của những người xung quanh. Phải tuyệt đối giữ bí mật, biết phán đoán tình hình, linh hoạt ứng phó với mọi tình huống...''. Hai Ánh chùng giọng nói: “Và điều quan trọng nhất với người hoạt động tình báo là sự xả thân''.

Và còn nhiều người phụ nữ thầm lặng khác như Hà Thị Kiên (Tám Kiên) được Cụm trưởng tình báo H63 giao nhiệm vụ làm liên lạc hỏa tốc từ trong thành đi ngay ra căn cứ mỗi khi có tài liệu cần kíp. Để đường dây được bảo đảm, thông suốt; chị chấp nhận thoát ly công tác, về sống hợp pháp ở nội đô Sài Gòn, xây dựng cơ sở cách mạng.
Trong cuộc Tổng Tiến công Mậu Thân 1968, chị vừa là giao thông viên đường dài của Cụm Tình báo H63, đưa cán bộ xâm nhập thành phố và từ nội đô ra chiến khu; vừa tham gia chôn cất tử sĩ trên cánh đồng bưng Bình Mỹ. Đó còn là những người chị, người mẹ khi bi bắt, cắn răng bỏ lại con thơ, dũng cảm nhận lấy những cực hình dã man để bảo vệ bí mật đường dây, để Phạm Xuân Ẩn được an toàn trong suốt thời gian  hoạt động trong lòng địch

Theo Trầm Hương/ ANTG

>> xem thêm

Bình luận(0)