Nhiều phong tục đầu năm “có một không hai” ở Việt Nam

Google News

Những phong tục, tập quán đón năm mới kỳ lạ và độc đáo đến từ các dân tộc của người Việt khiến nhiều người bất ngờ như: Vỗ mông tỏ tình, cướp chồng,

 
Người Mông và tục “vỗ mông tỏ tình”
Những năm gần đây, đồng bào người Mông mới bắt đầu đón Tết chung theo lịch của người Kinh, trước đây họ thường ăn Tết sớm hơn 1 tháng. Tuy vậy, những phong tục, tập quán riêng vẫn được người Mông lưu giữ và truyền lại cho đến ngày nay.
Nổi bật nhất trong Tết của người Mông chính là lễ hội cầu phúc Sải Sán diễn ra vào mùng 2. Cùng với các hoạt động như ném peo, thổi khèn, hát giao duyên thì tục “vỗ mông” cũng được coi là nét văn hóa tiêu biểu của người Mông. Vào ngày này, trai gái khắp thôn bản tìm đến nhau hay chọn bạn đời cũng đều bằng tục kỳ lạ này.
Theo đó, khi đi du xuân tại chợ hay dưới chân núi, nếu chàng trai nào ưng ý một cô gái, anh ta sẽ tiến tức vỗ vào mông người đó. Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông “đối tác” lần nữa. Cứ thế cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại cho đủ 9 lần tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.
Người Dao và phong tục “ăn trộm cầu may”
Vào ngày đầu tiên của năm mới, tất cả người Dao tại các bản sẽ tập trung ở một nơi được chọn trước để thực hiện những nghi lễ cổ truyền. Ngay sau đó, tất cả từ già trẻ gái trai đều cùng nhau diễu hành qua các nhà cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn ồn ã, đi đến đâu, họ đều cố gắng lấy trộm vật gì đó từ các gia đình 2 bên. Người Dao quan niệm, càng ăn trộm được nhiều thì năm đó càng may mắn.
Ngược lại, trong lúc “hành sự” nếu bị gia chủ bắt gặp sẽ bị phạt uống rượu và cả năm đó coi như không may. Vì tục này không mang nặng tính vật chất nên người Dao thường chỉ ăn trộm những thứ như rau cỏ, thịt, trứng,...trong gian bếp để tượng trưng. Kết thúc hôm đó, những tên trộm sẽ đêm chiến lợi phẩm của mình trả lại cho các gia đình để xin thưởng.
Tục gọi hồn của người Thái vào dịp Tết
Nghe thì hơi sợ hãi huyền bí như vậy, như thực chất tục lệ gọi hồn của cộng đồng người Thái là một phong tục khá giống với tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Kinh, cụ thể là việc cúng kiếng mời ông bà về ăn Tết cùng gia đình dịp năm mới thôi. Theo đó, tối 29 hoặc 30 Tết, các gia đình người thái sẽ làm thịt hai con gà, một là để cúng tổ tiên ông bà, một là dùng gọi hồn các thành viên đã khuất trong gia đình.
Nhiều phong tục đầu năm 
Việc gọi hồn này được một thầy cúng đứng ra giúp đỡ. Đầu tiên thầy cúng sẽ lấy những chiếc áo của tất cả các thành viên trong gia đình, buộc lại với nhau đặt lên vai, sau đó thầy sẽ cầm một cây than củi còn nóng đỏ rực và liền ra đầu làn để gọi hồn. Sau 2, 3 lần gọi, thầy cúng sẽ quay về nhà gia chủ tiếp tục gọi một lần nữa dưới chân cầu thang.
Cuối cùng để kết thúc nghi lễ, thầy cúng sẽ cột vào tay của những thành viên trong gia đình gia chủ một sợi chỉ đen để xua đuổi tà ma trong năm mới.
Người Pà Thẻn với tục thờ bát nước lã
Đây là một tín ngưỡng truyền từ đời này sang đời khác tại cộng đồng người Pà Thẻn. Cụ thể ở tập tục này là bất kỳ gia đình nào thuộc dân tộc này đều giữ trong nhà một bát nước lã, sạch, để thờ phụng quanh năm suốt tháng. Đặc biệt không chỉ thờ mà người Phà Thẻn còn phải bảo vệ bát nước này quanh năm bằng cách đậy kín và không để nước cạn hết.
Đến khi năm mới đến, những gia đình người Pà Thẻn mới bí mật đóng hết tất cả các cửa trong gia đình lại, từ cửa sổ, cửa chính, cho đến cửa bếp, cửa sau... rồi âm thầm hạ bát nước xuống để lau sạch sẽ rồi rót thêm nước vào, cứ tiếp tục tôn thờ như thế cho đến năm sau.
Vậy tại sao người Pà Thẻn lại phải bí mật trong việc lau chùi rót thêm vào bát nước thiêng liêng này? Đơn giản là trong tín ngưỡng của họ, nếu những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc ai khác nhìn thấy thì cả gia đình đó năm sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn vất vả, đau ốm liên miên...
 
Xem bói gan lợn thiến
Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy.
Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.
 Người Tây Nguyên và tục “cướp chồng”
Ghé thăm các đồng bào ở Tây Nguyên vào dịp đầu năm, du khách có thể may mắn được chứng kiến ngày hội “cướp chồng” khá nổi tiếng tại đây. Theo quy luật, từ tháng 1 cho đến tháng 3, mùa “cướp chồng” mới lại bắt đầu ở các bản của người Chu Ru, Cil, Cơ Ho…
Thường thì các nghi thức của tục “cướp chồng” này sẽ diễn ra vào ban đêm. Khi cô giá thích một chàng trai nào đó, cô ấy sẽ chờ đến tối để mang một chiếc nhẫn đến đeo vào tay chàng trai đó. Nếu không bằng lòng, anh ta có thể tháo ra và trả lại cho cô gái đó, nhưng cứ sau 7 ngày, cô gái sẽ lại đến để đeo lại nhẫn cho chàng trai. Cứ thế đến khi cô gái nhận được lời đồng ý mới thôi.
Gọi trâu về đón Tết
Người Mường ở Hòa Bình tin rằng, việc gọi trâu về sau giao thừa là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã giúp đỡ gia chủ cấy cày trong năm cũ.
Ngoài trả công trâu, người Mường còn treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời "những người bạn đồng hành" này về ăn Tết. Họ cho rằng, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên ruộng đồng.
Theo TRẦN HUYỀN / Báo Dân Sinh

>> xem thêm

Bình luận(0)