Liên quan đến câu chuyện nhân tài Đại Việt và chuyện đòi lại đất từ nhà Tống, sau khi thất bại nặng nề trên sông Như Nguyệt trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta vào năm 1075-1077, để bảo vệ mạng sống, chủ tướng Quách Quỳ của nhà Tống lui về phía Bắc. Tại đây, quân giặc chiếm châu Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay) để lẩn trốn.
Chiếm đất
Về phía triều đình nhà Lý, dù giành được chiến thắng vang dội, đập tan âm mưu của kẻ thù, nhưng với tinh thần hòa hiếu “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai Đào Tông Nguyên dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc để kết giao tình hòa hiếu, đề nghị trả lại những vùng đất họ chiếm giữ bất hợp pháp của nước ta.
Sau chuyến đi sứ này, đến tháng 6/1083, hội nghị ngoại giao bàn định cương giới giữa Đại Việt và nhà Tống diễn ra tại trại Vĩnh Bình. Đào Tông Nguyên yêu cầu sứ giả nhà Tống là Thành Trạc phải trả lại hai châu Vật Dương, Vật Ác cho Đại Việt, nhưng họ không đồng ý.
Không thể đòi lại đất, Đào Tông Nguyên tỏ ra rất tức giận và kiên quyết trước sứ thần nhà Tống, sau đó bỏ về. Trước tình thế này, vua Lý Nhân Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan đã cử Binh bộ Thị lang Lê Văn Thịnh tới trại Vĩnh Bình thương thảo.
Hội nghị lần này cũng diễn ra căng thẳng không khác gì chuyến đi của sứ Đào Tông Nguyên.
|
Tượng thái sư Lê Văn Thịnh. |
Theo sách Kể chuyện sứ thần Việt Nam, trên bàn đàm phán, Lê Văn Thịnh đã suy nghĩ rất nhiều về công việc nặng nề mà triều đình đã giao cho ông. Với quyết tâm đòi lại đất đai của tổ tiên để lại, Lê Văn Thịnh đã đanh thép khẳng định họ chiếm giữ đất bất hợp pháp của ta:
“Đời Gia Hữu, Nùng Trí Hội nước tôi đã phản bội triều đình, đưa động Vật Ác nộp cho vua Tống, vùng đất này được đổi thành châu Thuận An. Sau đó lại lấy động Vật Dương nộp và được đổi tên thành châu Quy Hóa. Vậy đất Quy Hóa và Thuận An chính là đất của Giao Chỉ, xin các ngài hãy tâu về triều đình, mở lòng khoan dung mà giao trả đất cho vua chúng tôi”.
Của ăn trộm phải trả lại cho chủ
Dù Lê Văn Thịnh nói rất có lý có tình, sứ thần nhà Tống nhất quyết không chịu trả đất với lý lẽ: “Hai châu Thuận An và Quy Hóa đã thuộc về thiên triều. Đất đã có chủ, nay cớ sao các ông lại đòi? Đất mà quân của hoàng thượng đi chiếm lấy thì trả lại cho Giao Chỉ, còn đất mà các người đã đem nộp thì khó mà trả lại”.
Trước lý lẽ đó, thái sư Lê Văn Thịnh khảng khái trả lời rằng: "Ngài vừa nói đất thì có chủ. Các viên quan coi giữ mang nộp mà trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Chủ không giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ vật ăn trộm thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất ăn trộm để dâng lên làm bẩn sổ đất nhà vua”.
Những lập luận của Lê Văn Thịnh khiến sứ thần Thành Trạc nóng mặt. Tuy nhiên, ông ta vẫn nhất quyết không chịu trả lại đất cho Đại Việt với lý lẽ “đất ấy là do họ Nùng tự mang giao nộp”.
Nhận thấy Thành Trạc là kẻ ngoan cố và hãnh tiến, khó lòng có thể thuyết phục bằng lý lẽ được, Lê Văn Thịnh viết một lá thư cho Hùng Bản - cấp trên của Thành Trạc. Cuối cùng, bằng lý lẽ sắc bén và đanh thép của mình, Lê Văn Thịnh đã khiến sứ thần nhà Tống "cứng họng", bởi tất cả quan viên khi được giao một phần lãnh thổ để canh giữ, nếu đem bán hoặc hủy bỏ đều có tội.
Trong trường hợp cụ thể này, các thổ quan được triều đình tin dùng, đời đời ăn lộc vua, nhưng đã phản bội triều đình, tự tiện đem đất tổ tiên đem nộp cho ngoại quốc để xin thuần phục là xâm phạm lãnh thổ Đại Việt. Việc nhà Tống chiếm giữ đất ấy cũng là hành động bất hợp pháp, không đúng với tinh thần hòa hiếu đôi bên.
Thái độ mềm mỏng nhưng khôn khéo đó của Lê Văn Thịnh đã buộc vua Tống phải xuống chiếu trả lại đất cho Đại Việt sáu huyện, ba động ở Cao Bằng ngày nay.
Sau chiến công này, Lê Văn Thịnh được triều đình ban thưởng 200 tấm vải, sau thăng dần đến chức thái sư - quan đứng đầu triều đình.
Thái sư Lê Văn Thịnh và việc đòi đất từ nhà Tống Năm 1084. vua Lý Nhân Tông cử Binh Bộ thị lang Lê Văn Thịnh sang biên giới để bàn định cương giới.
Lê Văn Thịnh (1038-1085) là người làng Đông Cứu, Gia Định, nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1075, lần đầu tiên triều Lý cho mở khoa thi Minh Kinh bác học và nho học tam trường. Tại khoa thi này, Lê Văn Thịnh đỗ đầu, trở thành danh nhân khai khoa trong lịch sử khoa bảng nước nhà.
Ông ra làm quan, thăng dần đến chức thái sư. Năm 1095, ông bị vu oan hóa hổ giết vua, bị bắt đi đày. Sau này, ông được tha và mất trên đường trở về quê.