Nhà văn Hồ Phương - Cỏ đã về trời vẫn xanh non

Google News

Chúng tôi cứ tưởng Tết Giáp Thìn năm nay sẽ lại được tới chúc Tết "lão nhà văn cỏ non" chúc ông đại thọ. Nhưng ông đã ra đi, thanh thản như cỏ non bát ngát chân trời...

Thiếu tướng Hồ Phương, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội vào tối 2/1/2024, hưởng thọ 94 tuổi. Thông tin chúng tôi nhận được khiến ai nấy đều quá đỗi bâng khuâng, dù tuổi thọ của lão nhà văn đã từ lâu vào hàng xưa nay hiếm.
Những mất mát khi chứng kiến mỗi người thân yêu, mỗi nhà văn từng để lại trong ký ức thế hệ hậu sinh tạp chí Văn nghệ Quân đội những ấn tượng sâu đậm trở về với thế giới người hiền thật vô cùng khó tả.
Nha van Ho Phuong - Co da ve troi van xanh non
 
 
Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương. Ông sinh năm 1930 tại thị xã Hà Đông và là một trong những Chính trị viên xuất sắc trực tiếp chiến đấu và phụ trách báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308 trong chống Pháp. Đại đoàn 308 lừng danh hôm nay, cán bộ chiến sĩ, nhất là cánh Chính trị viên đại đội luôn thần tượng Hồ Phương.
Hồ Phương nổi tiếng rất sớm với tác phẩm Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa. Song một tác phẩm khác của ông cũng rất đáng kể, đó là Thư nhà viết năm 1948 khi chàng lính Hồ Phương mới 18 tuổi. Hồ Phương sau chiến dịch Điện Biên Phủ được điều về Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ viết văn và tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông ở một mạch từ đó tới lúc nghỉ hưu năm 1993, gần 40 năm cũng là người có thời gian công tác lâu nhất ở cơ quan và là vị tướng thọ nhất.
Các tác phẩm tiêu biểu của Hồ Phương phải kể đến: Những tiếng súng đầu tiên (1955); Cỏ non (1960); Xóm mới (1963); Chúng tôi ở Cồn Cỏ (1966); Can Lịch (1967); Khi có một mặt trời (1972); Biển gọi (1980); Bình minh (1981); Mặt trời ấm sáng (1985); Cánh đồng phía Tây (1994); Yêu tinh (2001); Những cánh rừng lá đỏ (2005) và đặc biệt là tiểu thuyết Cha và con viết về Bác Hồ.
Thiếu tướng Hồ Phương luôn để lại tiếng cười không chỉ trong câu văn mà còn cả trong đời sống. Hôm chúng tôi tới thăm ông đầu năm 2021, ông vẫn cười vui dù nhớ nhớ quên quên. Ông nhắc những nhà văn trẻ của Văn nghệ Quân đội phải chăm viết về bộ đội và hỏi "bộ đội có còn đi chăn bò như thời anh Nhẫn không?", thế là tất cả cùng cười.
Hồ Phương là thế, lúc nào cũng tuế tóa mà lúc nào cũng nghiêm trọng vậy mà anh em rất hiểu tính nết ông nên ai cũng muốn gần gũi và kể ra mọi câu chuyện với ông. Cứ gần Tết Nguyên đán, khi liên hoan tổng kết cơ quan bao giờ các đời Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội đều cho mời thật đầy đủ các nhà văn lão thành sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó có Hồ Phương. Riêng với Hồ Phương phải có xe đón trang trọng và ông cũng rất trang nghiêm kể cả trong bữa liên hoan. Ông quả là con người đặc biệt.
Những điều đặc biệt của nhà văn Hồ Phương thực ra cũng rất dễ thương. Ví như từ lúc ông về hưu (1993), không chỉ với Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà là bất cứ đơn vị nào mời ông đều phải cho xe đến đón. Ông không đi xe taxi hoặc các loại xe khác mà nhất thiết phải là xe cơ quan, đơn vị có lời mời. Ông đùa: Đã là tướng phải như vậy, không thể “lìu tìu” được. Tưởng khó như vậy song thực ra Hồ Phương rất dễ gần, dễ mời. Còn chuyện xe pháo thời nay nào có khó gì đâu!
Trong các sáng tác của Hồ Phương, tinh thần hi sinh luôn rực sáng. Ở ông, dường như những cái xấu xa khuất tất đều dễ bề bị ngòi bút vị tướng “tóm gọn” rồi cho biến mất gọn ghẽ. Bởi vậy, đã có chuyện khi bàn về văn chương Hồ Phương, có người đã cho rằng không phải đọc kĩ cũng thừa biết ông viết gì, kết thúc ra sao, chắc chắn tốt lành lương thiện sẽ thắng mưu mô độc ác.
Điều này chưa hẳn đúng. Thậm chí sự thực khác hơn nhiều. Nhất là khi tiểu thuyết Yêu tinh của ông đoạt giải thưởng của Bộ Công an. Ở đó đã hằn lên những góc cạnh gồ ghề, những góc tối góc khuất đời người được Hồ Phương cài cắm thể hiện điệu ghê lắm. Hồ Phương rất biết cách làm độc giả và bạn văn phải ngả mũ trước những trang văn sát sàn sạt, trụi trần đến chua cay nanh nọc.
Cùng với tài văn ấy, trong Cha và con viết về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại đằm thắm dung dị lạ thường. Hồ Phương như trổ hết tài ba nhung tuyết của mình cho tác phẩm.
Ở độ tuổi tám, chín mươi mà ông vẫn có những câu chữ xanh non. Cái xanh non của Hồ Phương đã không còn rõ ràng mật ngọt như thời Cỏ non mà thăm thẳm vời vợi nỗi niềm của một người đã đi qua biết bao khổ đau cơ cực. Văn Hồ Phương chín tự nhiên như tằm đủ dâu đều lứa. Và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đến với ông cũng là một lẽ tất nhiên.
Văn chương đã như vậy mà cuộc đời Hồ Phương cũng xanh non lắm. Ông tự biết tổ chức cuộc đời mình ngay từ khi còn làm báo Quân Tiên phong ở Đại đoàn 308 lừng danh. Sớm về Tổng cục Chính trị, gây dựng và dần bước lên vị trí lãnh đạo một cơ quan toàn những lừng danh tên tuổi. Nào Nguyễn Khải viết văn như gió. Nào Xuân Sách lim dim tướng số mà công lực chân dung khiếp vía. Nào Nhị Ca lịch lãm uyên thâm. Nào Vũ Tú Nam sắc sảo cái gì cũng biết. Nào Nguyễn Minh Châu rủ rỉ rù rì nhưng là nước ở trong mây, kim giấu trong bông. Đến lứa đàn em như: Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Duy Khán, Trần Đăng Khoa... từ văn chương đến kế sách đều gớm cả. Vậy mà ông anh Hồ Phương cứ giữ vững nguyên tắc thủ trưởng mà chuyện đều sau trước yên hàn. Đó cũng là cái tài quản lý của Hồ Phương.
Văn chương thật lạ, đúng như vạn vật sinh ra đều tất có chỗ dùng. Văn chương ôm trùm phận người mà phận người cũng ôm trùm văn chương là thế. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, kể từ lúc viết Cỏ non năm 19 tuổi, nay đã hơn chín chục xuân xanh chắc chắn chả còn lạ lẫm điều gì nên mới thường hay nhớ nhớ, quên quên.
Vậy mà chúng tôi cứ tưởng như Tết Giáp Thìn năm nay sẽ lại được tới chúc Tết "lão nhà văn cỏ non" chúc ông đại thọ. Nhưng ông đã ra đi, thanh thản như cỏ non bát ngát chân trời mà sâu nặng nghĩa tình thắm từng trang văn dằng dặc. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã trở về với thế giới của người hiền cũng là lẽ tự nhiên dù ai cũng bâng khuâng tiếc nuối. Xin coi bài viết nhỏ này như một nén hương thơm tưởng nhớ tới ông.
Theo Znews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)