Nhà khoa học nào được ví là "ân nhân của cả nhân loại"?

Google News

Trong cuốn “Truyện kể về những người nổi tiếng” của Nhà xuất bản Mỹ thuật do Bích Lộc dịch thì “từ nhỏ, Pasteur đã là một cậu bé cứng đầu và muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo”.

Sự ra đời của quy trình thanh trùng
Louis Pasteur từng nói: “Để tôi nói cho bạn biết bí mật dẫn tôi đến đích. Sức mạnh của tôi chỉ nằm trong sự kiên trì”. Bi kịch gia đình khi mất ba đứa con trở thành động lực để ông bắt đầu cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm. Ông trở nên nổi tiếng nhờ các phát hiện của mình trong lĩnh vực y học dù không theo học ngành y.
Khi còn bé, Pasteur rất thích vẽ và hội họa. Cậu bé thường hay lang thang khắp các con phố ở Dole, Jura (Pháp), ngôi làng nơi cậu sinh ra và lớn lên, rồi lại vẽ chân dung những người cậu muốn gặp vào cuốn sổ tay. Cậu từng mơ ước mình sẽ trở thành họa sĩ. Nhưng bố cậu hồi còn trẻ là một sĩ quan trong quân đội của Napoleon nên rất cứng nhắc. Ông muốn con trở thành một giáo sư. Vì gia đình không mấy khá giả nên ông đã phải hi sinh rất nhiều để con trai được theo học tại một ngôi trường danh giá.
Nha khoa hoc nao duoc vi la
Chân dung nhà khoa học Louis Pasteur. 
Pasteur đã tốt nghiệp với kết quả tốt và quyết tâm đi học đại học. Tuy nhiên, khi phát hiện ra mình không xếp hạng cao trong danh sách tuyển sinh, niềm kiêu hãnh của chàng trai trẻ đã bị tổn thương sâu sắc. Cậu quyết định không ghi danh nữa rồi học hành chăm chỉ hơn để đạt được thứ hạng cao hơn. Năm sau, Pasteur thi lại và lần này, cậu nằm trong số bốn người xếp hạng cao nhất. 
Tại đây, nhà khoa học tương lai theo học về vật lý, hóa học và tinh thể học. Ở thời điểm đó, cậu không thể tượng tưởng được rằng sau này, mình sẽ trở thành người đi tiên phong trong một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới: Ngành vi sinh vật học, tức là ngành nghiên cứu về các vi sinh vật.
Khi là Giáo sư Hóa học tại Đại học Strasbourg, ông đã gặp gỡ Marie, con gái của thầy hiệu trưởng. Họ yêu nhau và kết hôn không lâu sau đó. Không chỉ sinh cho ông năm đứa con, Marie còn chứng tỏ mình là cộng sự đáng giá nhất của chồng. Họ làm việc cùng nhau, rồi chuyển từ nghiên cứu tinh thể học sang nghiên cứu virus.
Hiểu được hoạt động của các vi sinh vật giúp Pasteur đưa ra một phát hiện quan trọng: Cơ chế lên men. Ông tự nhủ rằng nếu rượu vang và sữa bị hỏng nhanh, đó là do các vi khuẩn sống nhờ đường có trong rượu và sữa, rồi giải phóng các chất axit.
Từ suy nghĩ phải làm thế nào để có thể ngăn rượu và sữa không bị chua, nhà hóa học đã nảy ra một ý tưởng. Ông quyết định đun nóng các dung dịch ở các nhiệt độ khác nhau để tiêu diệt các mầm bệnh.
Tiếp theo, đóng chai thật nhanh trước khi chúng bị nhiễm khuẩn trở lại. Thử nghiệm đã thành công, nhà khoa học đã phát minh ra quy trình thanh trùng. Về sau, sữa được đun sôi và làm sạch vi khuẩn để mọi người có thể uống sữa mà không lo bị bệnh. Người ta gọi đó là sữa được diệt khuẩn theo phương pháp Pasteur (làm thanh trùng) nhằm ghi nhận công lao của ông.
“Ân nhân của nhân loại”
Pasteur đã sử dụng quy trình tương tự để loại bỏ các sinh vật kí sinh làm biến đổi chất lượng bia trong quá trình sản xuất. Từ đó, ông ngày càng hiểu rõ hơn về vi sinh vật, không chỉ những vi sinh vật có hại gây nhiễm độc thực phẩm và đồ uống, mà còn cả những vi sinh vật hỗ trợ quá trình lên men như nấm men.
Những kết quả nghiên cứu giúp nhà vi sinh vật học có thể phản bác thuyết tự sinh, một học thuyết hình thành không có cơ sở. Thuyết này cho rằng một số loài động vật nhỏ chẳng hạn như chuột, sâu và ruồi (và cả những vi sinh vật mắt thường không nhìn thấy được) được sinh ra không chỉ từ cha mẹ chúng, mà còn được hình thành từ những thứ khác. Ví dụ như dòi được sinh ra từ thịt ôi thiu.
Ông tiến hành thực nghiệm: Dùng các lọ thủy tinh chỉ cho phép oxy, yếu tố cơ bản để sự sống phát triển, lọt vào và ngăn cản mọi nhân tố gây nhiễm khuẩn như vi khuẩn hay bào tử xâm nhập. Bằng cách đun nóng các lọ, Pasteur tiêu diệt mọi hình thái sự sống có thể tồn tại trong đó. Ông dễ dàng chứng minh được rằng trừ khi ta đập vỡ chiếc lọ, không một hình thái sự sống nào có thể “tự” hình thành bên trong những chiếc lọ ấy.
Những hiểu biết của nhà khoa học về khử trùng khi được ứng dụng để vô trùng môi trường và dụng cụ y tế đã chứng tỏ rằng quá trình này cần thiết để phòng ngừa bệnh tật và ngăn nhiễm trùng sau phẫu thuật. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng, giúp cứu hàng nghìn, hàng triệu mạng người mỗi ngày từ thời đó cho tới tận ngày nay.
Nghiên cứu của ông còn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và canh tác. Pasteur tìm hiểu được cách ngăn ngừa một số bệnh ở đàn gia súc, bao gồm bệnh than và bệnh tả gà. Cách điều trị dựa trên một số phát hiện trước đó của vị bác sĩ người Anh, Edward Jenner. Đó là tiêm virus gây bệnh đã được làm yếu đi để giúp cơ thể phát triển khả năng kháng loại virus đó. Bằng cách này, vị bác sĩ người Anh đã đánh bại được căn bệnh tưởng chừng không thể chữa là bệnh đậu mùa.
Tiếp theo, ông trăn trở với câu hỏi liệu có thể áp dụng nguyên lí trên để điều trị những bệnh khác không. Và sau nhiều nỗ lực, nhà vi sinh vật học đã thành công khi phân lập được virus gây bệnh dại, một căn bệnh kinh khủng lây truyền từ các động vật mắc bệnh như chó, cáo và sói sang người. Trước đó, bệnh này luôn khiến người nhiễm tử vong. Nhưng nhờ có vắc-xin mà ông tìm ra, điều này không còn đúng nữa. Ông được coi là “ân nhân của nhân loại”.
Vì vậy, cho tới ngày nay, viện chuyên nghiên cứu về sinh vật học và y học tại Pháp được gọi là Viện Pasteur – đặt theo tên của người sáng lập Louis Pasteur. Giờ đây, ông được nhớ đến như một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền y tế dự phòng. Các công trình của ông tiếp tục cứu sống hàng triệu người trên thế giới.
Hãng BBC từng nhận định rằng, Pasteur đã thay đổi hoàn toàn hiểu biết của nhân loại về sinh học, trở thành “cha đẻ” ngành vi sinh vật.
Pasteur điều hành Viện Pasteur Paris cho đến khi qua đời vào ngày 28/9/1895 ở tuổi 72. Thi hài “anh hùng quốc gia” được chôn cất ở Nhà thờ Đức Bà rồi chuyển sang trụ sở Viện Pasteur.
Theo Tùng Bách/Giáo dục & Thời đại

>> xem thêm

Bình luận(0)