Bất kỳ ai đã đọc hay xem Tây du ký cũng đều biết rằng Tôn Ngộ Không vốn sinh ra từ một hòn đá ở Hoa Quả Sơn, sau hàng vạn năm hấp thụ tinh hoa của trời đất đã hóa thành một con Thạch Hầu. Thạch Hầu ngộ tính rất cao nên nhanh chóng trở thành người đứng đầu của lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn. Sau đó Ngộ Không học được 72 phép thần thông biến hóa là nhờ người tiều phu đốn củi chỉ đường đến gặp Bồ Đề Tổ Sư.
Từ tình tiết trên, có thể thấy người tiều phu một mình đốn củi ở trong rừng, nhưng khi gặp Thạch Hầu, một con khỉ nói tiếng người nhưng lại không chút sợ hãi, phong thái vẫn ung dung điềm đạm, ứng đáp từng câu từng chữ rành mạch rõ ràng, hơn nữa lại cực kỳ thông hiểu thần tiên, quả không giống với một người đốn củi bình thường.
Có nhiều ý kiến khác nhau về danh tính thực sự của người tiều phu trong Tây du ký, một trong số đó cho rằng chính là Bàn Cổ Đại đế. Theo Lão giáo, Bàn Cổ Đại đế là thủy tổ của loài người, vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc.
Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, năm xưa tại núi Côn Lôn có một tảng đá lớn đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời nên đã hình thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một tiếng nổ lớn vang khắp trời đất, tảng đá nứt ra một vị thần mang hình dáng con người tên Bàn Cổ.
Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.
Theo đó, việc Tôn Ngộ Không được sinh ra từ đá có lẽ ít nhiều cũng liên quan đến nguồn gốc của Bàn Cổ Đại đế. Ngày Tôn Ngộ Không gặp người tiều phu trên núi, anh ta cũng đang cầm trong tay chiếc rìu giống như hình tượng của Bàn Cổ Đại đế. Có lẽ vì muốn giúp người bạn cùng sinh ra từ đá như mình nên Bàn Cổ Đại đế đã hóa thân thành người tiều phu chỉ đường dẫn lối cho Ngộ Không.
Bên cạnh đó, nhiều người lại cho rằng, người tiều phu chính là Bồ Đề Tổ Sư hóa thân thành để chỉ đường dẫn lối cho Hầu Vương đến được động Tà Nguyệt Tam Tinh. Chi tiết này không phải chưa từng xảy ra trong các tác phẩm văn học được tạo ra trong cùng một thời đại nên giả thuyết này cũng được coi là hợp lý.
Trong Thủy hử, Hồng Thái Úy nhận lệnh vua Tống Nhân Tông lên núi tìm Đạo Thông Tổ Sư để trừ bệnh dịch cho thiên hạ. Lúc này, Đạo Thông Tổ Sư đã hóa thân thành 1 cậu bé chăn cừu, gặp Hồng Thái Úy ở sườn đồi rồi chỉ đường cho viên quan.
Vậy nên, từ chi tiết đó, nhiều người đã suy đoán rằng vị tiều phu đốn củi ở núi Linh Đài Tam Thốn (có bản dịch là Linh Đài Phương Thốn) chính là do Bồ Đề Sư Tổ hiện thân, chỉ đường dẫn lối cho Ngộ Không đến bái sư học đạo.
Một giả thuyết khác thuyết phục hơn đó là, người tiều phu chính là sư đệ của Bồ Đề Sư Tổ phái xuống để đón Hầu Vương, hay nói cách khác, đó chính là sư huynh của Ngộ Không sau này.
Ai đã đọc Tây du ký đều biết, trước khi luyện thành công 72 phép thần thông, Ngộ Không cũng đã phải trải qua những công việc bình thường như đốn củi, gánh nước, quét sân và người tiều phu này cũng vậy. Theo lý giải của tác giả, tu luyện đạo sĩ thì việc đốn củi là việc cần thiết. Thông qua công việc này có thể tu dưỡng tâm tính, học cách nhẫn nại, không được dễ dàng để cảm xúc lấn át suy nghĩ của bản thân.
Có thể nói, cho dù là theo giả thuyết nào chúng ta cũng đều nhận thấy thân phận của người tiều phu không hề tầm thường như vẻ ngoài của anh ta.