Hậu duệ của người Khiết Đan đã đi về đâu?
Trong lịch sử Trung Hoa, chuyện thay ngôi đổi chủ thường xuyên xảy ra nhưng nền văn hóa truyền thống vẫn tiếp nối. Song, vương triều Khiết Đan sau khi bị diệt vong thì cả nền văn hóa Khiết Đan cũng theo đó mà tàn lụi.
Phân tích nguyên nhân, có thể thấy, từ khi vương triều Khiết Đan kiến lập đến năm 1271 triều Nguyên ra đời, trong khoảng hơn 300 năm, Trung Hoa xuất hiện đến 6 triều đại: Liêu, Bắc Tống, Tây Hạ, Kim, Nam Tống, Nguyên. Đây là một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt.
Do kẻ thống trị triệt hạ nhau giành quyền chính đều thuộc các tộc người khác nhau nên triều đại nào bị tiêu diệt là kéo theo cả vị trí của dân tộc đó cùng nền văn hóa tương quan bị biến chuyển hoặc hủy diệt. Triều Kim của tộc Nữ Chân sau khi đoạt triều Đại Liêu đã hạ lệnh giết sạch những người Khiết Đan phản kháng, trong đó có một cuộc chém giết kéo dài liên tục hơn 1 tháng được ghi trong sử.
Rất có khả năng văn hóa Khiết Đan đã gặp tai họa vào lúc đó. Ngoài ra, lúc triều Kim vừa kiến lập, do tộc Nữ Chân không có văn tự riêng nên phải dùng chữ Hán và chữ Khiết Đan. Sau khi văn tự Nữ Chân được tạo ra thì hoàng đế triều Kim hạ lệnh phế bỏ chữ Khiết Đan, chính vì thế mà văn tự Khiết Đan thất truyền, văn hóa Khiết Đan tuyệt tích.
Ông Lưu Phụng Chư, chuyên viên Phòng Nghiên cứu dân tộc, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, là người hiểu được văn tự Khiết Đan nhiều nhất thế giới hiện nay. Ông cho biết toàn bộ chữ Khiết Đan phát hiện được đều khắc trên bia mộ và chưa có thư tịch nào viết bằng chữ Khiết Đan cả. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc tìm hiểu toàn thể diện mạo Khiết Đan.
Trong Di Hòa Viên ở Bắc Kinh hiện còn một ngôi mộ và đền thờ Gia Luật Sở Tài, một người Khiết Đan hiếm hoi được Thành Cát Tư Hãn trọng dụng, làm đến chức vụ tương đương tể tướng triều Nguyên. Điều đáng nói là Gia Luật Sở Tài ra đời sau khi vương triều Khiết Đan diệt vong chỉ 65 năm, nhưng văn tự Khiết Đan đã không còn, ông phải mày mò tự học rất vất vả và rồi cũng không có cơ hội sử dụng (theo Trạm Nhiên cư sĩ tập). Gia Luật Sở Tài là điểm sáng cuối cùng của người Khiết Đan.
Ngày nay trong 56 dân tộc ở Trung Quốc không hề có cái tên Khiết Đan lừng lẫy một thời, vậy họ đã đi đâu? Các nhà sử học suy đoán có 3 khả năng:
- Thứ nhất, người Khiết Đan ở vùng đất tổ tiên của họ đã dần quên cội nguồn, dung hợp và đồng hóa với các dân tộc khác.
- Thứ hai, sau khi Đại Liêu bị tiêu diệt, đại bộ phận người Khiết Đan kéo về phía Tây đến vùng Kerman, Iran, cuối cùng hoàn toàn bị "Iran hóa".
- Thứ ba, sau khi chiến tranh giữa triều Kim và Mông Cổ xảy ra, một bộ phận người Khiết Đan "thề không ăn gạo nhà Kim" đã đi theo quân Mông Cổ chinh phạt, tử thương rất nhiều. Số còn lại phân tán nhiều nơi, cuối cùng bị đồng hóa.
Trong thời gian tìm kiếm dấu vết của người Khiết Đan, các chuyên gia đặc biệt chú ý đến tộc người Tahua (Đạt Oát Nhĩ) sinh sống ở vùng giáp giới núi Đại Hưng An, Nộn Giang và thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ. Theo truyền thuyết, mấy trăm năm trước nơi đây có một cánh quân Khiết Đan đến đắp sửa thành lũy. Thủ lĩnh là Tát Cát Nhĩ Du Hán trở thành tổ tiên của người Tahua.
So sánh những nghiên cứu về người Khiết Đan với lối sống, tập tục, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử của người Tahua thấy có rất nhiều điểm tương đồng, có thể đây là dân tộc kế thừa truyền thống Khiết Đan nhiều nhất, nhưng đó chỉ là những chứng cứ gián tiếp.
Lúc này ở huyện Thi Điện, tỉnh Vân Nam phát hiện một khu dân cư đặc biệt mà trên phần mộ tổ tiên họ vẫn sử dụng chữ Khiết Đan, đều tự xưng là "bản nhân". Trong xã Do Vượng có một tòa từ đường "bản nhân", các chuyên gia phát hiện trên một tấm biển có khắc hai chữ triện "Gia Luật".
Họ nói đây là nơi tưởng niệm ông tổ của họ là A Tô Lỗ - theo sử chép đây là một vị tướng Khiết Đan theo Mông Cổ chống triều Kim. Nhưng làm sao chứng minh những "bản nhân" này là hậu duệ của A Tô Lỗ? Mặt khác, đất tổ Khiết Đan ở tận Mạc Bắc, cách Vân Nam đến vạn dặm, vì thế chưa thể xác định "chính danh" hậu duệ Khiết Đan cho những "bản nhân" này.
Cuối cùng, các chuyên gia quyết định dùng kỹ thuật DNA để hóa giải câu đố ngàn năm này: Lấy xương cổ tay của thi hài nữ Khiết Đan ở Lạc Sơn, Tứ Xuyên; lấy răng và xương đầu người Khiết Đan trong mộ cổ ở Xích Phong, khu tự trị Nội Mông Cổ; lấy mẫu máu của người Tahua, "bản nhân", người Hán, Mông Cổ... ở những vùng liên quan. So sánh những biến đổi trên chuỗi DNA từ xương và răng của tiêu bản, các chuyên gia kết luận: Người Tahua có quan hệ di truyền gần nhất với người Khiết Đan. Người "bản nhân" lại có khởi nguồn phụ hệ tương tự người Tahua, rất có thể là hậu duệ của quan binh Khiết Đan trong quân đội Mông Cổ.
Kết quả xét nghiệm này kết hợp với sử liệu, các học giả đã tìm ra "khúc cuối" của người Khiết Đan: Khi người Mông Cổ lập ra triều Nguyên, xây dựng đại đế quốc Mông Cổ cắt ngang đại lục Á-Âu, chinh chiến liên miên khiến cho tộc người thiện chiến Khiết Đan phần lớn bỏ thây nơi chiến địa, số còn lại phân tán các nơi, chỉ còn nhóm tương đối lớn mới tập trung lại ẩn cư sinh sống như tộc Tahua hoặc bị đồng hóa".