Nằm ở phía đông bắc tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), Mã Gia Thôn được đặt tên theo Mã Bảo, một trong những vị tướng cuối của thời Minh. Dựa theo tên gọi của làng, tưởng chừng dân cư ở đây là con cháu Mã Bảo nhưng toàn bộ 1.000 cư dân ở đây lại mang họ Ngô.
Theo South China Morning Post, đó là bí ẩn xoay quanh những câu chuyện binh biến, sự sụp đổ của một triều đại phong kiến và số phận của Trần Viên Viên, một trong những mỹ nhân nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc.
|
Mã Gia Thôn, ngôi làng đã giấu mình suốt nhiều thế kỷ. Ảnh: David Leffman/South China Morning Post. |
Khuynh đảo thiên hạ
Theo các nguồn sử liệu South China Morning Post tiếp cận, Trần Viên Viên sinh năm 1623 trong một gia đình nông dân. Mồ côi từ bé, cô lớn lên với họ hàng ở Tô Châu, vùng đất nổi tiếng có nhiều mỹ nhân. Năm 14 tuổi, Viên Viên đã thành thạo các ngón đàn và bị bán làm kỹ nữ. Sau đó không lâu, cô trở thành món hàng yêu thích của giới quý tộc địa phương.
Qua nhiều đời chủ, tròn 21 tuổi, Trần Viên Viên về tay Ngô Tam Quế, một nhân vật ảnh hưởng không nhỏ đến lịch sử Trung Quốc đương thời.
Đó là năm 1644, nhà Minh đang trên bờ vực sụp đổ. Kinh đô Bắc Kinh đang bị phiến quân Lý Tự Thành bao vây. Cùng lúc ấy, cách 200 km về phía bắc, lực lượng tướng Ngô Tam Quế đang cầm chân đội quân xâm lược người Mãn Châu đã tiến đến Vạn Lý Trường Thành.
Vài tháng sau, khắp nơi loan tin Hoàng đế Minh Tư Tông thắt cổ tự vẫn, phiến quân Lý Tự Thành tràn vào kinh đô. Để đảm bảo sự trung thành của Ngô Tam Quế, Lý Tự Thành cho bắt cha vị tướng họ Ngô và Trần Viên Viên làm con tin. Trái ngược kỳ vọng của Tự Thành, Ngô Tam Quế đã hợp quân với người Mãn Châu và cho họ vượt Vạn Lý Trường Thành. Đội quân Mãn Châu tiến vào đánh đuổi Lý Tự Thành, chiếm lấy Bắc Kinh và thành lập nhà Thanh.
|
Tranh chân dung Trần Viên Viên được vẽ vào thế kỉ XVII. Ảnh: Alamy. |
Trong khi nhà Thanh củng cố quyền lực ở phía Đông Trung Quốc, Ngô Tam Quế được cử đi bình định các tỉnh ven biên giới tây nam. Ông chinh phạt suốt 30 năm, lập được chính quyền riêng ở Vân Nam. Chính quyền trung ương cảm thấy lo sợ trước quyền lực đang lên của Tam Quế nên đã triệu ông về.
Ngô Tam Quế không những kháng lệnh mà còn liên quân với cựu thần nhà Minh ở Quảng Đông và Phúc Kiến, dấy lên Loạn Tam phiên. Cuộc binh biến thất bại, Ngô Tam Quế vẫn tự xưng hoàng đế nhưng qua đời không lâu sau do bệnh tật. Năm 1681, Vân Nam thuộc quyền kiểm soát của nhà Thanh. Bị cả người Hán và người Mãn xem là phản trắc, hầu như mọi vết tích của Ngô Tam Quế bị xoá bỏ.
Về phần Trần Viên Viên, có sử liệu giải thích bà đã bị hành hình cùng gia đình Ngô Tam Quế khi Lý Tự Thành rút lui khỏi Bắc Kinh năm 1644, cũng có người cho rằng bà đã thoát nạn và theo Ngô Tam Quế về Vân Nam. Sau khi Ngô Tam Quế qua đời, bà tự vẫn hoặc đã xuất gia và qua đời ở tuổi 80.
Ngày nay, câu chuyện thứ ba xuất hiện: không chỉ theo Ngô Tam Quế đến Vân Nam, Trần Viên Viên còn trốn thoát được thảm cảnh thất bại của ông, cùng ít nhất một người con của cả hai đến vùng đất ít ai biết ở Quý Châu. Từ đây, huyết thống Ngô Tam Quế được bảo vệ và hậu duệ của ông sống yên ổn suốt ba thế kỷ sau.
Những mộ phần cất giấu lịch sử
Từ đằng xa, Mã Gia Thôn hiện lên là một cụm nhà gạch dưới chân ngọn đồi dốc. Một khoảng đất bằng phẳng, màu mỡ trải dài trước ngôi làng. Ở nơi đường chân trời thường chỉ có những ngọn đồi đá vôi cằn cỗi như Quý Châu, khung cảnh ở Mã Gia Thông không dễ bắt gặp được.
Theo ghi nhận của South China Morning Post, mối liên hệ giữa Trần Viên Viên và vùng đất này được phát hiện bởi cố nhà văn, sử gia Huang Tousong. Trong cuộc Cách mạng Văn hoá, ông bị lưu đày đến thị trấn Thuỷ Vĩ gần đó. Những câu chuyện về “tổ tiên Ngô Tam Quế của chúng ta” từ bô lão trong làng thu hút ông.
Tuy nhiên, phải một thập kỷ sau, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, Huang mới thuyết phục được các trưởng lão tiết lộ bí mật: việc sử dụng tên của Mã Bảo là để che giấu sự thật ngôi làng được thành lập bởi Trần Viên Viên. Không chỉ thế, bà còn được chôn cất ở đây.
Không có ghi chép để lại, Huang Tousong mất nhiều năm để xác minh những điều này. Đúng là tất cả cư dân ở đây đều họ Ngô, nhưng nội dung được khắc trên những bia mộ gia tộc rất mơ hồ. Chúng như một lớp bảo vệ khác của ngôi làng khỏi thế giới bên ngoài.
Cuối cùng, ông cũng thu thập đủ chứng cứ để thuyết phục giới sử gia trong nước. Mộ phần của Trần Viên Viên được công nhận năm 2005 và đến năm 2010, liên hệ với Ngô Tam Quế cũng được xác thực.
Ở phía sau ngôi làng, nghĩa trang chính của Mã Gia Thôn hiện lên, bao phủ bởi nhiều dãy gò mộ. Mặc dù đã được xây lại, khắc trên bia mộ của Trần Viên Viên vẫn là dòng chữ chứa đầy ẩn ý ban đầu: “Mộ phần của bà tổ dòng họ Ngô”. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, ta có thể đọc lại thành “Mộ phần của thê thiếp nhà Minh, Trần Viên Viên đến từ Tô Châu”.
Ở một mỏm đất cao gần mộ Trần Viên Viên là một bia đá đen lớn được xây vào năm 2015. Trên bia được khắc rõ ràng: “Mộ phần của tổ tiên chúng ta, Ngô Tam Quế”. Theo dữ liệu chính thức, vị tướng này thật sự đã được chôn cất ở đây. Hài cốt của ông được đưa về đây như thế nào sẽ mãi là bí mật. Dù cho đây là một ngôi mộ trống thì ít nhất, Ngô Tam Quế cũng được thờ phụng gần nơi an nghỉ của người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng đến cuộc đời ông.
Ngôi làng họ Ngô
Giữa Trung Quốc bao la rộng lớn này, tại sao Trần Viên Viên lại quyết định an cư ở đây?
Theo South China Morning Post, vùng kiểm soát của Ngô Tam Quế trải dài từ Hồ Nam ở phía đông nam Trung Quốc, về phía tây qua Quý Châu đến tận Vân Nam. Quý Châu, dù ở chính giữa nhưng lại thuận lợi cho việc lẩn trốn vì đây là vùng đất ít được các tiểu quốc và bộ lạc biết đến. Mã Gia Thôn còn ở gần sông, đất đai bằng phẳng màu mỡ, lại được những rừng đồi cao rậm che chở khỏi các thế lực bên ngoài, biến nó thành nơi thuận lợi để sinh sống.
Bên cạnh đó, dân cư bản địa chủ yếu là người thiểu số có thái độ thù địch với nhà Thanh nên đã cưu mang những người đang chạy trốn khỏi triều đình. Thậm chí, dựa trên con số lớn những ngôi mộ ở nghĩa trang Mã Gia Thôn, ta có thể đoán gia tộc Ngô đã chung sống rất hoà thuận với cộng đồng ở đây.
Tò mò cuối cùng chính là về tên ngôi làng. Mã Bảo là một trong những thuộc tướng trung thành nhất của Ngô Tam Quế. Ông chỉ ngừng chiến đấu vào năm 1681, ba năm sau khi chủ tướng qua đời, lúc thất thủ trước quân đội nhà Thanh tại Vân Nam. Đặt tên ngôi làng theo Mã Bảo có thể tạo liên kết đến Ngô Tam Quế và khiến triều đình tìm đến đây, nhưng gia tộc Ngô tin họ bắt buộc phải tôn vinh Mã Bảo.
Trần Viên Viên đã từng khuyên Ngô Tam Quế không nên nổi loạn chống nhà Thanh, nhưng ông đã không nghe theo. Biết trước vị tướng sẽ thất bại và cả gia tộc sẽ tuyệt diệt, Viên Viên đã nhờ Mã Bảo dẫn họ bỏ trốn đến nơi an toàn. Ông đưa họ đến Mã Gia Thôn và chính nhờ Mã Bảo, Viên Viên và gia tộc Ngô đã sống sót.
Ở Mã Gia Thôn có một nghĩa trang thứ hai, nơi Mã Bảo được chôn cất. Mộ Mã Bảo không có tên mà được khắc câu chơi chữ ý rằng: “Người đàn ông tên Bảo được che giấu”, và dòng câu đối: “Người ông này là ông chúng ta; Tổ tiên này là tổ tiên chúng ta”, một cách tôn vinh Mã Bảo và sự trung thành của mình.
Sau khi đưa gia tộc đến nơi an toàn, việc Trần Viên Viên sống tiếp như thế nào gần như không ai biết. Người dân địa phương tin rằng bà đã xuất gia và qua đời năm 1695, dành phần đời còn lại của mình sống ẩn dật tại một ngôi chùa gần làng.
Đây được xem là một cái kết có hậu khi cuối cùng, Trần Viên Viên cũng có thể hưởng tuổi già trong yên bình, sau một cuộc đời thật cay đắng: mồ côi, bị bán làm kỹ nữ, chuyền từ chủ này sang chủ khác như một món hàng, bị bắt làm con tin và cuối cùng bị đuổi đến vùng đất Quý Châu hẻo lánh bởi những người cai trị mới trên đất Trung Hoa.