Cùng với việc đánh cá, sáng tạo nghệ thuật và sử dụng lưỡi dao làm công cụ, việc chôn cất người quá cố được coi là một trong những đặc điểm xác định sự khác biệt giữa Homo sapiens (người tinh khôn) với tổ tiên loài người hiện đã tuyệt chủng của chúng ta. Nhưng trong hơn một thế kỷ, những khám phá khảo cổ học về những ngôi mộ được cho là của người tiền sử đã thách thức ý niệm cho rằng chỉ người hiện đại mới có tục an táng. Điều này cũng gây ra cuộc tranh luận liên quan đến thời điểm và nơi bắt đầu xuất hiện tục này.
Chôn cất trong hang động thời tiền sử?
Vào năm 2013, người ta phát hiện ra hệ thống hang động Rising Star cách Johannesburg, Nam Phi khoảng 30 dặm về phía tây bắc, bên trong có hài cốt của Homo naledi , một giống người chưa được biết đến trước đây. Giống người này có cánh tay ngắn, bộ não bằng 1/3 não người hiện đại, sống cách đây khoảng 240.000 đến 500.000 năm. Ngay sau đó, Lee Berger, một nhà cổ nhân chủng học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, đã dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học thực hiện nhiều cuộc khai quật các hang động dưới lòng đất. Họ đã tìm thấy xương của ít nhất 27 cá thể.
Khi Berger và các đồng nghiệp của ông công bố những phát hiện ban đầu trên tạp chí eLife vào năm 2015, họ lưu ý rằng bộ xương bao phủ mặt đất bên trong hang động và đưa ra giả thuyết Homo naledi đã di chuyển các thi thể đến đó, có tình vứt bỏ những người đã khuất.
Nhà khảo cổ Lee Berger cho rằng người tiền sử đã chôn cất người quá cố trong các hang động từ rất lâu. Ảnh minh họa: Internet
Sau khi nghiên cứu thêm và phát hiện 2 xác chết gần như hoàn chỉnh, phân tích trầm tích và đá trong hang, nhóm nghiên cứu xác định Homo naledi không chỉ đơn giản đem xác đến địa điểm này, họ đã chôn cất người quá cố trong hang. Sau đó, họ chạm khắc các tác phẩm nghệ thuật trên tường để đánh dấu các ngôi mộ.
Tuy nhiên, giáo sư khảo cổ học Paul Pettit tại ĐH Durham lại không đồng tình với tuyên bố này. "Tôi không tin rằng nhóm đã chứng minh rằng đây là sự chôn cất có chủ ý".
Tục lệ chôn cất bắt đầu từ khi nào?
Cho rằng các bộ xương còn sót lại có thể dịch chuyển hoặc thậm chí được vận chuyển đến một địa điểm khác trong suốt hàng nghìn năm, việc xác định thời điểm tổ tiên loài người bắt đầu chôn cất người chết là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Chẳng ích gì khi nhiều nghi lễ liên quan đến việc chôn cất người quá cố có chủ ý là "vô hình về mặt khảo cổ học", như ông Pettit đã chỉ ra năm 2018.
Mặc dù nhiều ngôi mộ của người Neandertal ( Homo neanderthalensis) đã được phát hiện trong 150 năm qua , nhưng vẫn chưa có sự thống nhất về việc ngôi mộ nào được thực hiện có chủ đích đầu tiên. Tuy nhiên, giữa một số cuộc khai quật gần đây và việc xem xét lại những khám phá trước đó, có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc chôn cất người Neandertal có chủ ý ở La Chapelle-aux-Saints, Pháp , hang Shanidar ở Iraq và hầm đá La Ferrassie ở Dordogne, Pháp.
Việc chôn cất người có chủ ý lâu đời nhất diễn ra khoảng 100.000 năm trước, trong một hang động ở Qafzeh, Israel. Tại đây, người ta phát hiện hài cốt của 15 người Homo sapiens đầu tiên trong các cuộc khai quật vào những năm 1930 và 1960.
Việc chôn cất người có chủ ý lâu đời nhất diễn ra khoảng 100.000 năm trước. Ảnh minh họa: Internet
Gần đây hơn, nơi chôn cất con người có chủ ý lâu đời nhất ở Châu Phi đã được khai quật vào năm 2013 gần bờ biển Kenya. Khoảng 78.000 năm trước, một đứa trẻ nhỏ khoảng 2,5-3,5 tuổi được đặt trong tư thế bào thai và được an nghỉ trong một ngôi mộ nông.
Những lễ chôn cất này là ví dụ ban đầu về một nghi lễ quen thuộc mà chúng ta vẫn tiếp tục thực hành cho tới ngày nay. Nhưng theo ông Pettit, bản thân hành động này không đáng chú ý như nhiều người nghĩ.
Theo ông, các chuyên gia nên xem xét khi người tiền sử bắt đầu thể hiện sự gắn kết với người quá cố, cũng như khi các hoạt động và lễ nghi đánh dấu cái chết của ai đó phục vụ chức năng xã hội.