Vào tháng 3 năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), sự sợ hãi và tuyệt vọng của Hoàng đế Chu Do Kiểm (niên hiệu là Sùng Trinh) không thể diễn tả bằng lời. Đại quân Đại Thuận của Lý Tự Thành đã bao vây Bắc Kinh.
Lúc đó Hoàng đế Sùng Trinh không có bất kể điều gì trong tay. Vào ngày 19/3/1644, Chu Do Kiểm treo cổ tự tử tại núi Vạn Thọ nay là Cảnh Sơn, khi đó ông 34 tuổi. Cái chết của vị hoàng đế cuối cùng của nhà Minh khiến người dân thật thương xót. Vị hoàng đế này đã trải qua ngày cuối cùng của cuộc đời mình như thế nào?
Sùng Trinh Đế và cuộc đấu tranh cuối cùng
Khi Sùng Trinh tại vị phải đối phó với 2 nguy cơ lớn về quân sự: sự uy hiếp của chính quyền Hậu Kim của người Nữ Chân nổi lên từ thời Minh Thần Tông và các cuộc nổi dậy của nông dân như Bạch Thủy, Vương Nhị, Cao Nghênh Tường, Lý Tự Thành, Trương Hiến Trung…
Vào ngày 18 tháng 3, trong thời tiết xấu, sấm chớp, quân đội Đại Thuận đã mở cuộc tổng tấn công vào Bắc Kinh. Quân Minh trấn giữ thành chỉ có hơn 10.000 người (trong đó có cả thái giám), quân số ít, trang bị nghèo nàn, mọi người còn bị bỏ đói. Họ không có sức và ý chí để chiến đấu. Hoàng đế Sùng Trinh ở bên trong Tử Cấm Thành không thể làm gì.
Lúc này, Lý Tự Thành sai thái giám Du Tấn đến kinh thành để bàn việc hòa hoãn. Hoàng đế Sùng Trinh và Ngụy Tảo Đức gặp Du Tấn. Du Tấn nói lại điều kiện của Lý Tự Thành: "Bàn khu tây bắc, chia nước cho vua, thưởng quân triệu bạc, lui về Hà Nam".
"Chia nước cho vua" tức là Lý Tự Thành muốn ngồi ngang hàng với Hoàng đế Sùng Trinh.
Nếu Hoàng đế Sùng Trinh chấp nhận thì đây chính là con đường cứu vãn cho triều nhà Minh. Vào thời khắc quan trọng ấy, Hoàng đế Sùng Trinh đã không biết đưa ra quyết định gì. Ông quay sang nói với Ngụy Tảo Đức. Tuy nhiên, Ngụy Tào Đức chỉ cúi đầu mà không nói một lời.
Du Tấn trở về mà không thành công thuyết phục Hoàng đế Sùng Trinh. Sau cùng, Hoàng đế Sùng Trinh chỉ có một lựa chọn cuối cùng, đó là tự cầm quân để chiến đấu.
Sau đó ông triệu tập các đại thần lại bàn bạc, trong triều có những ý kiến tán đồng muốn ông đầu hàng, nhưng Minh Tư Tông nhất định không nghe theo. Ông họp đại thần và nói rằng: "Không những trẫm là hoàng đế mất nước mà các khanh đều là bề tôi mất nước".
Minh Tư Tông còn ra chiếu tự kể tội mình đã mắc sai lầm để ổn định lòng người. Trước tình hình nguy cấp, ông đề nghị các vương hầu đóng góp tiền bạc, lương thảo. Nhiều đại thần đề nghị ông xuất tiền của trong kho (nội noa) ra để cứu vãn tình hình, nhưng Sùng Trinh nhất định không chịu, rồi nhỏ lệ khóc và nói rằng kho đã hết sạch.
Chiều hôm đó, kinh thành vỡ trận, Hoàng đế Sùng Trinh đã khẩn cấp triệu các quan đại thần để hỏi về tình hình cuộc chiến bên ngoài, tuy nhiên họ chỉ xu nịnh và nói dối ông về tình hình cuộc chiến.
Ngày 12 tháng 3, quân Đại Thuận tiến đánh Nam Bình. Tổng binh nhà Minh là Lý Luyện tự vẫn. Quân khởi nghĩa phóng hỏa đốt cháy hưởng điện của 12 lăng nhà Minh. Ngay đêm đó Lý Tự Thành vượt sông Sa Hà tiến thẳng đến Bắc Kinh.
Trong thành, một số thái giám báo tin ra ngoài cho quân Đại Thuận biết và hẹn ngày mở cổng thành. Thái giám Tào Hóa Thuần được sai giữ thành lại cho rằng nếu Ngụy Trung Hiền còn sống có thể đã không xảy ra việc như vậy, Sùng Trinh trong lúc hoảng loạn nghe theo, lại sai người thu thập xác Ngụy Trung Hiền để chôn cất.
Trong kinh thành nháo nhác, tới ngày 16, Sùng Trinh mới biết tin quân địch đã đến. Trưa ngày 16, quân Đại Thuận hoàn tất việc bao vây thành và bắt đầu tấn công. Quân Đại Thuận đánh vào Lư Cầu Kiều và Bình Tắc Môn, Chương Nghĩa Môn. Ba đại doanh đóng bên ngoài bảo vệ cổng thành đều tan vỡ, quân trang và kho thuốc súng đều lọt vào tay quân Đại Thuận.
Quân Minh bị thiếu ăn nhiều ngày đã oán giận, nên lúc đó nhiều người đào ngũ hoặc ngồi yên không chiến đấu. Hoạn quan Đỗ Huấn đã hàng Lý Tự Thành gửi thư dụ hàng nhưng Sùng Trinh không tiếp nhận thư.
Ngày 18 tháng 3, quân Đại Thuận đã đến rất gần, các hoạn quan mà ông trọng dụng lũ lượt ra hàng. Tào Hóa Thuần, Vương Tương Nghiêu, Vương Đức Hóa mang 300 tiểu thái giám ra quy phục Lý Tự Thành. Thành ngoài thất thủ. Một thái giám khác cũng theo lệnh Lý Tự Thành vào thành đề nghị ông nhường ngôi, nhưng ông không chấp nhận.
Tiếng khóc hậu cung
Vào lúc hoàng hôn, hoàng đế cùng thái giám Vương Thừa Ân lên núi để quan sát tình hình. Sùng Trinh từ núi trở về cung Càn Khánh rồi gọi ba người con trai của ông là Thái tử Chu Từ Lãng, Định Vương Chu Từ Quýnh và Vĩnh Vương Chu Từ Chiếu.
Ông ra lệnh cho cả ba người phải lập tức rời hoàng cung lánh nạn, đích thân ông mặc lại y phục cũ cho các con mà khuyên nhủ. Ông hy vọng rằng các con của mình sẽ sống sót và khôi phục lại sự nghiệp cho nhà Minh. Sau khi từ biệt con trai mình, ông đã ra lệnh các phi tần của mình phải tự sát.
Ông nói với Hoàng hậu Chu Thị hãy tự sát. Hoàng hậu Chu Thị là người chính trực, siêng năng, có tiết hạnh và rất hòa thuận với hoàng đế. Bà vừa khóc nói: "Thiếp hầu hạ bệ hạ 18 năm, điều gì cũng tuân lệnh, nay chết cùng thiên tử xã tắc, có hận chi đâu!", rồi về cung Khôn Ninh treo cổ tự tử.
Quý Phi Viên Thị dường như không nguyện tự sát. Vì vậy Hoàng đế Sùng Trinh đã tự tay rút kiếm chém vào vai Viên phi. Nhưng vết thương chỉ khiến nàng ngất đi (chưa chết).
Vào khoảng 9 giờ tối, Hoàng đế Sùng Trinh lấy tay áo che và vung kiếm chém hai công chúa. Trường Bình công chúa đã lớn, dùng tay đỡ kiếm nên chỉ bị chém vào cánh tay, bất tỉnh tại chỗ. Trong khi đó, công chúa Chiêu Nhân do còn nhỏ nên bị hoàng đế chém chết.
Kết cục của hoàng đế cuối cùng nhà Minh
Tối muộn ngày 18, sau khi giải quyết xong các công việc của hậu cung, Hoàng đế Sùng Trinh trở về cung Càn Thanh và viết dụ chỉ.
11 giờ đêm đó, Hoàng đế Sùng Trinh đến nhà cận thần Vương Thừa Ân đổi quần áo để chạy trốn khỏi kinh thành. Tuy nhiên các cổng phủ đều đã bị chặn, chỉ còn cổng Chánh Dương thì quân nhà Minh tưởng ông là địch nên đã tấn công. Sùng Trinh hoảng sợ quay lại mà không còn muốn trốn nữa. Trở lại cung, ông gióng chuông triệu tập các quan lại, nhưng không ai lên triều. Sùng Trinh hiểu ra ông chẳng còn một con đường nào khác.
Sáng ngày 19 tháng 3 (tức ngày 25 tháng 4 dương lịch), quân Đại Thuận được các thái giám mở cổng thành ồ ạt tiến vào thành. Sùng Trinh bèn cùng Vương Thừa Ân bỏ chạy, trèo lên núi Vạn Thọ (tức Môi Sơn, nay là Cảnh Sơn), bước tới dưới một gốc cây hòe ở đình Thọ Hoàng, từng là nơi kiểm duyệt nội thao của hoàng đế. Ông cởi bỏ hoàng bào, giận dữ viết lên vạt áo:
"Trẫm đức mỏng phận hèn, bị trời quở phạt, dẫn tới nghịch tặc kéo thẳng vào kinh sư, đều do các bề tôi hại trẫm. Trẫm chết, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông, tự vứt bỏ mũ áo, xõa tóc che mặt, để mặc cho giặc phanh thây, đừng làm hại tới con dân của trẫm."
Sau đó Minh Tư Tông đi chân đất mặc quần áo nhẹ, xõa tóc che mặt, đứng đối diện với Vương Thừa Ân và treo cổ tự vẫn. Năm đó ông 33 tuổi, tính theo tuổi ta là 34 tuổi. Vương Thừa Ân tận trung treo cổ tự vẫn theo ông ở gốc cây cạnh đó, trên 40 người nữa cũng tự vẫn theo vua.
Vào thời điểm đó, cả bên trong và bên ngoài đều không biết tung tích của Hoàng đế Sùng Trinh, người ta nghĩ rằng ông đã trốn thoát. Mãi đến ngày 22/3, người ta mới tìm thấy thi thể của Hoàng đế Sùng Trinh và Vương Thừa Ân.