Ở Trung Quốc, phong tục chôn cất có ý nghĩa rất quan trọng khi họ cho rằng điều này sẽ khiến người mất cảm thấy thanh thản và yên tâm trở về với “miền cực lạc”. Tuy nhiên, những hình thức chôn cất như sử dụng vách đá, bầu trời, nước và ướp xác đều góp phần tạo nên một truyền thống phong phú và có sự khác thường với văn hoá khác.
Chôn cất trên vách đá
Một trong những hình thức chôn cất nổi tiếng nhất là“quan tài treo”, trong đó thi thể được đặt trong một chiếc quan tài gỗ treo trên những chiếc cọc gỗ đóng vào vách đá hoặc đặt trong hang động. Theo tập tục này, quan tài được đặt càng cao thì càng thể hiện sự tôn trọng đối với người đã khuất, thường được thực hiện trong cộng đồng người Miao - những người sống ở các vùng núi xa xôi. Ngoài ra, họ tin rằng việc chôn cất trên cao cho phép người chết "trông coi quê hương tổ tiên”.
Việc chôn cất người trên vách đá bảo vệ thi thể khỏi sự tàn phá của động vật hoang dã. Ảnh: Shutterstock
Do môi trường địa phương khắc nghiệt, nơi đất nông nghiệp khan hiếm và động vật săn mồi tràn lan, việc chôn người chết trong vách đá không chỉ tiết kiệm đất nông nghiệp mà còn bảo vệ thi thể khỏi động vật hoang dã.
Chôn cất dưới nước
Việc chôn cất này được thực hiện theo các hình thức như thả xác trôi nổi trên nước hoặc rải tro. Trong nghi lễ chôn cất thi thể nổi, người mất được đặt trên một chiếc bè hoặc sàn tre được thiết kế đặc biệt, đôi khi kèm theo lễ vật là thức ăn hoặc quần áo. Các thành viên trong gia đình hoặc trưởng lão bộ lạc sẽ đẩy bè xuống sông để thi thể trôi đi.
Chôn cất người mất dưới nước có thể thả tro hoặc đưa trực tiếp thi thể xuống nước. Ảnh: Shutterstock
Nghi lễ chôn cất đưa người xuống nước như một lễ vật dâng lên thần sông. Hoặc nếu rải tro cốt, tro cốt được rải vào các vùng nước, tượng trưng cho sự trở về với thiên nhiên.
Để chim “rỉa” người mất
Theo truyền thống ở Tây Tạng, thi thể người chết sẽ được bỏ ngoài đồng hoang để kền kền ăn, nên tập tục này còn có tên gọi là “dâng hiến cho chim”.
Thi thể người được bỏ ngoài đồng để chim ăn. Ảnh: Shutterstock
Điều kiện địa lý không thuận lợi ở Tây Tạng khiến việc chôn cất bằng đất hoặc hỏa táng theo truyền thống trở nên không thực tế. Một phần khác cũng liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo. Bởi Phật giáo coi việc hiến dâng thân xác cho chúng sinh sau khi chết là một hành động đức hạnh.
Trong buổi lễ, người chủ trì tang lễ sẽ chuẩn bị địa điểm, đốt lửa, đọc kinh và ra hiệu cho những con kền kền xung quanh. Sau đó, cơ thể sẽ bị phân ra thành nhiều mảnh và dâng cho loài chim.