Tòa thành cổ nguyên vẹn nhất bên ngoài Cố đô Huế
Nằm ở thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), cách thành phố Nha Trang 10 km về phía Nam, thành cổ Diên Khánh được coi là tòa thành nguyên vẹn nhất của nhà Nguyễn bên ngoài Cố đô Huế còn được gìn giữ đến nay.
Theo các sử liệu, năm 1793 chúa Nguyễn Ánh đem quân chiếm vùng đất Diên Khánh từ nhà Tây Sơn. Ông quyết định xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc và giao Hoàng tử Cảnh trông coi việc xây dựng tòa thành này. Nhân lực để đắp thành gồm 3.000 quân Bình Thuận, 100 dân Thuận Thành. Trong hơn một tháng thì công trình hoàn thành.
Thành Diên Khánh được xây dựng theo kiểu Vauban phương Tây và là tòa thành kiểu Vauban thứ hai được xây ở Việt Nam, sau thành Gia Định ở Nam Kỳ. Tường thành có hình lục giác dài 2.693 mét, 6 cạnh không đều nhau, các góc được đắp nhô ra để tăng tầm quan sát.
|
Cửa Đông của thành cổ Diên Khánh. |
Khi xây dựng xong (1793), thành Diên Khánh có 6 cửa, hiện nay chỉ còn lại 4 cửa: Đông, Tây, Tiền (Nam), Hậu (Bắc). Năm 1823, cửa Tả và cửa Hữu đã bị phá dỡ, tới nay không còn dấu vết gì.
Các cổng của thành Diên Khánh được xây theo cùng một kiểu mẫu bằng gạch nung trát vôi vữa, tạo thành một hình khối dài khoảng 15 mét. Vòm cuốn ở giữa rộng 2,88 mét, cao 3,44 mét tạo thành lối đi phía dưới. Hai bên các cổng xây bậc cấp rộng 3m để đi lên phía trên cổng thành.
Phía trên cổng thành xây lầu tứ giác với mỗi cạnh 3,30 mét, có bốn cửa ở bốn hướng rộng 1,30 mét, cao 2,5 mét; trên cùng là tầng lầu nhỏ có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Hai mặt cổng thành được xây lan can cao 0,85 mét. Mặt trước từng cổng thành ghi tên cổng bằng chữ Hán: Đông môn (門 東), Tây môn (門 西), Tiền môn (門 前), Hậu môn (門 后).
Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất cao chừng 3 mét. Đường đi trên bờ thành rộng 5,35 mét. Mặt ngoài tường thành có độ dốc lớn, mặt trong thoải hơn và có bậc cấp dẫn lên ở một số đoạn. Tổng chiều dài tường thành bằng đất hiện nay là 1.656 mét.
Trên tường thành xưa được trồng tre gai ken dày và các loại cây có gai khác vừa giữ độ bền cho tường thành vừa tăng chướng ngại cho đối phương như một hàng rào phòng ngự, ngày nay dấu vết hầu như không còn.
Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng 3 – 4 mét, có đoạn sâu tới 5 mét. Bề rộng mặt hào không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn (chừng 15 mét) và rộng nhất là trước các cổng thành, chừng 40m, lòng hào thường xuyên đầy nước từ sông Cái dẫn vào.
Không chỉ là công trình quân sự, thành Diên Khánh còn là cơ quan hành chính của phủ Diên Khánh thời Nguyễn. Trong thành thời đó có cột cờ, hoàng cung, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, dinh quan Tham tri, nhà kho và nhà lao… Các công trình này ngày nay đều không còn.
Vào năm 1988, thành cổ Diên Khánh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đến thập niên 1990 thành Diên Khánh đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 2003, tòa thành cổ đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng, gia cố một số đoạn tường thành. Năm 2010, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tiến hành dự án tu bổ thành Diên Khánh.
Hiện trạng xuống cấp, bị xâm hại nghiêm trọng
Theo ghi nhận, sau nhiều lần trùng tu, thành cổ Diên Khánh đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng mới. Cụ thể là tình trạng sụt lún, nứt ở các cổng, tường thành có vết nứt kéo dài hàng chục mét.
Toàn bộ di tích có biểu hiện bị bỏ hoang, không có người trông giữ, dọn dẹp, khiến cho các loài cây cỏ dại mọc um tùm.
|
Cây cỏ dại, rác thải xuất hiện trên di tích. |
Các hoạt động của con người càng làm trầm trọng thêm tình trạng xuống cấp của tòa thành cổ. Một số đoạn tường thành trở thành nơi tập kết rác thải. Cổng thành trở thành địa điểm phóng uế, nơi tụ tập ăn uống, nhậu nhét, hút chích của một số đối tượng.
Hành lang di tích bị người dân lấn chiếm để trồng chuối, rau màu. Tình trạng viết, vẽ bậy diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến mỹ quan của di tích lịch sử kiến trúc độc đáo này.
Di tích lịch sử quốc gia thành cổ Diên Khánh hiện được giao cho UBND thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Ny - Phó chủ tịch UBND thị trấn Diên Khánh - thừa nhận có việc ở một số cửa di tích người nghiện hay vào tụ tập và tình trạng cỏ dại mọc um tùm. Bà cho biết sẽ yêu cầu đơn vị liên quan lập tức kiểm tra, dọn dẹp chứ không thể để di tích thành cổ bị ô nhiễm như vậy.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Diên Khánh nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo vệ di tích thành cổ.
Được biết, ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa đang hoàn thành hồ sơ để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư dự kiến gần 170 tỷ đồng.