|
Hình minh họa về Proxima Centauri b, một trong những ứng cử viên ngoại hành tinh có nước.(Ảnh: ESO/M. KORNMESSER)
|
Theo như chúng ta biết, sự sống cần có nước. Do đó, các nhà thiên văn học và nhà sinh vật học vũ trụ đã tập trung nỗ lực một cách tự nhiên vào việc xác định các ngoại hành tinh có thể chứa các đại dương lỏng.
Nước ở dạng lỏng có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh, nơi nhiệt trực tiếp từ ngôi sao chủ của nó có thể giữ cho vật chất không bị đóng băng - nhưng nó cũng có thể tồn tại bên dưới bề mặt của một hành tinh, nơi các nguồn nhiệt bên trong có thể duy trì dòng chảy của các đại dương dưới bề mặt.
17 ngoại hành tinh có nước
Trong một phân tích mới, NASA đã tiết lộ rằng, 17 ngoại hành tinh được phát hiện có thể chứa các đại dương dưới bề mặt bị chôn vùi dưới những lớp băng dày.
Mặc dù thành phần chính xác của những thế giới này vẫn chưa rõ ràng, nhưng ước tính về nhiệt độ bề mặt của chúng từ các nghiên cứu trước đây cho thấy chúng lạnh hơn Trái đất đáng kể và cũng có mật độ thấp hơn Trái đất, mặc dù có kích thước gần giống với hành tinh của chúng ta.
Lynnae Quick thuộc Trung tâm bay không gian Goddard của NASA cho biết: “Các phân tích của chúng tôi dự đoán rằng 17 thế giới này có thể có bề mặt phủ băng nhưng nhận đủ nhiệt bên trong từ sự phân hủy của các nguyên tố phóng xạ và lực thủy triều từ các ngôi sao chủ của chúng để duy trì các đại dương bên trong”.
Quick cho biết thêm: “Nhờ lượng nhiệt bên trong mà chúng trải qua, tất cả các hành tinh trong nghiên cứu của chúng tôi cũng có thể biểu hiện các vụ phun trào núi lửa băng dưới dạng các luồng giống như mạch nước phun”.
Nghiên cứu dựa trên những gì chúng ta biết từ hoạt động mạch nước phun của Sao Mộc. Hai trong số các ngoại hành tinh có tên trong nghiên cứu, Proxima Centauri b và LHS1140 b, là những ứng cử viên đặc biệt hứa hẹn vì có đại dương tương đối gần bề mặt.
Các quan sát tiếp theo về những thế giới này có thể sẽ bao gồm việc ghi lại quang phổ phát xạ của ánh sáng truyền qua bầu khí quyển của các hành tinh này.