Thượng Quan Uyển Nhi là một nữ nhân nổi danh thời nhà Đường, là sự kết hợp giữa sắc đẹp và trí tuệ, được nhiều người xem là tài nữ giỏi giang bậc nhất trong triều nhà Đường.
Thượng Quan Uyển Nhi ra đời vào năm 664, xuất thân từ một gia tộc quyền quý, hậu duệ của đại thần Thượng Quan Kiệt thời Hán Chiêu Đế. Tuy nhiên, ông nội của bà bị xử tử hình do phạm tội với Võ Hậu (về sau trở thành Hoàng đế nhà Võ Chu, tức Võ Tắc Thiên) nên Thượng Quan Uyển Nhi và mẹ ruột phải vào cung làm nô lệ.
Mặc dù làm cung nữ nhưng Thượng Quan Uyển Nhi từ bé đã rất thông minh, có thể làm thơ viết văn, càng lớn càng xinh đẹp kiều diễm.
Năm 14 tuổi, tài mạo song toàn của Thượng Quan Uyển Nhi đã truyền tới tai Võ Tắc Thiên và bà được triệu kiến viết một đoạn văn chương ngay tại chỗ. Chính nhờ cơ hội này mà Thượng Quan Uyển Nhi có cơ hội thoát khỏi thân phận cung nữ, đảm nhận nhiệm vụ viết chiếu thư giúp Võ Tắc Thiên.
Cùng với những nỗ lực vượt bậc, Thượng Quan Uyển Nhi dần có được sự tin tưởng của Võ Tắc Thiên, trở thành tâm phúc của nữ hoàng đế, địa vị trong triều ngày càng tăng lên. Ngoài sự yêu thích của Võ Tắc Thiên, bà còn may mắn kết giao với các con của Võ Tắc Thiên là Lý Đán (sau trở thành Đường Duệ Tông), Thái Bình Công chúa,...
Nhưng dù có tài giỏi thế nào, bà cũng không thể thoát khỏi sự trêu đùa của số phận. Trong lúc được Võ Tắc Thiên ưu ái thì Thượng Quan Uyển Nhi lại nghịch ý phạm tội với nữ hoàng đế. Đáng lẽ ra bà sẽ phải bị xử tử nhưng Võ Tắc Thiên nuối tiếc tài năng của Thượng Quan Uyển Nhi nên ra lệnh ân xá đặc biệt, chỉ phạt khắc chữ lên mặt.
Điều này tưởng như phá hỏng nhan sắc kiều diễm của Thượng Quan Uyển Nhi nhưng về sau, bà đã vẽ thêm những bông hoa che lấp vết khắc đó đi. Và chính những bông hoa đó lại khiến bà quyến rũ hơn bội phần. Nhiều nữ nhân lúc bấy giờ đã bắt chước Thượng Quan Uyển Nhi trang điểm bằng những bông hoa trên mặt.
Năm 705, Võ Tắc Thiên bị buộc thoái vị, phục ngôi cho Đường Trung Tông Lý Hiển. Lúc này, Đường Trung Tông vẫn đánh giá cao tài mạo của Thượng Quan Uyển Nhi nên đã đưa bà vào cung, phong làm Chiêu dung. Tuy là phi tần của Hoàng đế nhưng bà vẫn được tiếp tục công việc soạn chiếu thư như trước.
Đường Trung Tông bất tài vô năng nên quyền lực dần rơi vào tay Vi Hoàng hậu. Năm 710, Hoàng đế đột ngột băng hà, Vi Hoàng hậu một tay thao túng triều chính, âm mưu thực hiện kế hoạch trở thành Võ Tắc Thiên thứ 2.
Lúc đó, Thượng Quan Uyển Nhi và Thái Bình Công chúa đã cùng nhau thảo một mật chiếu, lập Lý Trọng Mẫu làm Thái tử kế thừa hoàng vị, Lý Đán phụ chính còn Vi Hoàng hậu làm Thái hậu nhiếp chính để cân bằng quyền lực các bên.
Nhưng khi thế lực đã cân bằng, Tể tướng Tông Sở Khách lại khuyên Vi Hoàng hậu tiến hành đoạt quyền như Võ Tắc Thiên. Biết tin, Thái Bình Công chúa và Lâm Tri vương Lý Long Cơ quyết định ra tay trước, giết chết Vi Hoàng hậu và phe cánh.
Sau đó, Lý Long Cơ tôn Lý Đán lên ngôi, tức Đường Duệ Tông. Lúc này, Thượng Quan Uyển Nhi đưa người nghênh đón tân đế nhưng họ không tin Thượng Quan Uyển Nhi cùng phe với mình và ra lệnh giết chết Thượng Quan Uyển Nhi. Cái chết của Thượng Quan Uyển Nhi đã khiến Thái Bình Công chúa cực kỳ đau lòng.