Công chúa Vĩnh Thành, tức Lý Tiên Huệ, là con gái thứ 7 của Hoàng đế Đường Trung Tông, được ông nhất mực yêu thương. Năm 16 tuổi, Lý Tiên Huệ được gả cho điệt tôn (cháu trai) của Võ Tắc Thiên là Võ Diên Cơ.
Vào ngày cưới, Lý Tiên Huệ khoác lên người xiêm y lộng lẫy, toát lên vẻ đẹp động lòng người. Người dân trong ngoài thành Trường An đều được mời đến dự, ai ai cũng đều ca ngợi vẻ đẹp tuyệt sắc của vị công chúa này. Võ Tắc Thiên cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, hạnh phúc chưa bao lâu thì 1 năm sau, vì liên quan đến cung biến, Lý Tiên Huệ đã bị Võ Tắc Thiên xử tử. Theo một vài ghi chép lịch sử, năm 701 Vĩnh Thành quận chủ (tức Lý Tiên Huệ, công chúa Vĩnh Thành) đã cùng chồng và anh trai là Thiệu vương Lý Trọng Nhuận (tức thái tử Ý Đức) bàn luận về nam sủng Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông của tổ mẫu (tức Võ Tắc Thiên). Biết được điều này, Trương Dịch Chi đã tấu lên Võ Tắc Thiên khiến bà nổi giận và buộc tất cả phải tự sát.
Sau này, khi Đường Trung Tông lên ngôi, thương xót 2 người con đã chết thảm, ông truy phong Lý Tiên Huệ thành công chúa Vĩnh Thành, truy phong Lý Trọng Nhuận thành thái tử Ý Đức. Cả 2 đều được an táng trong lăng mộ hoành tráng và công chúa Vĩnh Thành là vị công chúa duy nhất trong lịch sử được chôn cất trong một khu lăng mộ.
Tháng 9/1960, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một khu lăng mộ khổng lồ ở ngoại ô Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây. Khu lăng mộ này rất rộng, những vật chôn bên trong rất đắt tiền. Tuy nhiên, khi vừa bước vào lăng mộ, các chuyên gia đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng.
Bên trong lăng có xác một người đàn ông ở tư thế ngồi, bên cạnh là một chiếc rìu sắt. Vì đã quá lâu, chiếc rìu đã bị rỉ sét và thi thể người này đã mục nát hoàn toàn. Sau khi nghiên cứu, họ đã xác định đây là khu lăng mộ của công chúa Vĩnh Thành thời nhà Đường và người đàn ông kia là một tên trộm mộ, đã bị chính đồng bọn giết chết.
Khu lăng mộ của công chúa Vĩnh Thành.
Càng tìm hiểu họ càng phát hiện ra nhiều sự thật. Hóa ra, nguyên nhân chết thật sự của công chúa Vĩnh Thành là vì khó sinh.
Trong tấm bia ở mộ công chúa ghi rõ ngày mất là mùng 4 tháng 9, trong khi đó Võ Diên Cơ và Lý Trọng Nhuận bị hại vào ngày mùng 3 tháng 9.
Ngoài ra, trên tấm bia còn ghi dòng chữ "châu thai hủy nguyệt", ý chỉ bào thai phá hủy cơ thể người mẹ. Thêm nữa, xương chậu của công chúa Vĩnh Thành khá hẹp so với phụ nữ bình thường. Do đó, người ta tin rằng nàng công chúa không tự sát cùng lúc với chồng và anh trai.
Nàng mang thai và đang chờ ngày sinh nở nhưng xương chậu bẩm sinh quá nhỏ, lại chịu sự đả kích bởi cái chết thảm của 2 người thân thiết. Chính vì thế, công chúa Vĩnh Thành đã qua đời vào ngày hôm sau.