Với Lưu Bị, mùa đông năm Kiến An thứ hai mươi tư (năm 219) là mùa đông lạnh giá nhất trong cuộc đời ông.
Vào cuối năm đó, Quan Vũ, người đứng đầu trong ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán bị đánh bại và chết trong trận Kinh Châu. Không chỉ thế, Kinh Châu – mảnh đất chiến lược tốn bao công sức mới có được cũng mất về tay của Tôn Quyền.
Bao tâm huyết, công sức mà Gia Cát Lượng bỏ ra để xây dựng nên chiến lược "Long Trung đối sách" cho nhà Thục Hán đã gặp phải những trở ngại lớn, kế hoạch chấn hưng và khôi phục Trung Nguyên cũng từ đó mà khó khăn lên rất nhiều.
Trong lịch sử phát triển của nhà Thục Hán, trận Kinh Châu chắc chắn là một sự kiện có ảnh hưởng vô cùng lớn. Trận chiến này không chỉ dẫn đến việc toàn bộ lực lượng binh lính Thục Hán ở Kinh Châu bị tiêu diệt, các khu vực chiến lược trọng yếu bị thất thủ mà còn gây ra phản ứng dây chuyền vô cùng nghiêm trọng.
Để trả thù cho Quan Vũ, Lưu Bị đã không ngần ngại từ bỏ hoàn toàn liên minh Tôn - Lưu và tuyên chiến với Tôn Quyền.
Còn tồi tệ hơn nữa là Lưu Bị sau khi chạm trán với tướng Lục Tốn của Đông Ngô trong trận Di Lăng đã tiếp tục nhận một thất bại thảm hại, binh lính và tướng lĩnh bị thương, Thục Hán tổn thất nặng nề. Một người cả đời mạnh mẽ như Lưu Bị đã vì chuyện này mà đổ bệnh không thể gắng gượng được để rồi cuối cùng qua đời sau đó không lâu.
Cuộc chiến giành bá chủ Tam Quốc chính thức bước sang "hiệp sau"
Về phía nhà Thục Hán, do những tướng lĩnh quân sự cốt cán như Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung và Mã Siêu nối tiếp nhau qua đời, thừa tướng Gia Cát Lượng đành phải đích thân ra trận và trở thành người nắm quyền điều hành cả quân sự lẫn chính trị của nhà Thục Hán.
Trong tình thế một mình phải chống đỡ thế cục nguy nan, Gia Cát Lượng đã nghiên cứu đánh giá thời thế một cách kỹ lưỡng, sau đó cử Đặng Chi sang làm sứ giả đến Đông Ngô, đồng thời nối lại liên minh Tôn - Lưu với Tôn Quyền. Cũng kể từ đó, ông thực hiện chiến lược lấy công làm thủ và tấn công toàn diện chống lại Tào Ngụy hùng mạnh.
Từ năm Thục Hán Kiến Hưng thứ sáu (228) đến năm Thục Hán Kiến Hưng thứ mười hai (234), chỉ trong sáu năm, Gia Cát Lượng đã dẫn quân và phát động 5 cuộc tấn công quy mô lớn vào Tào Ngụy. Lịch sử gọi sự kiện này là "Ngũ xuất Kỳ Sơn", trong "Tam quốc diễn nghĩa" gọi là "Lục xuất Kỳ Sơn" đã tạo nên một kỳ tích trong việc lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh.
So với Ngụy quốc, Thục Hán không có cửa so sánh, bất kể về lãnh thổ, dân số, sức mạnh kinh tế hay sức mạnh quân sự.
Nước Ngụy có 87 quận và 12 châu, trong khi Thục Hán chỉ có 22 quận và một châu. Ngụy quốc có dân số hơn một trăm vạn hộ với hơn năm triệu người. Thục Hán có dân số là hai mươi tám vạn hộ, ít hơn một trăm vạn người. Sự khác biệt về sức mạnh giữa hai nước giống như so một người lớn với một đứa trẻ.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là nước Ngụy với sức mạnh vượt trội hơn nhiều so với nhà Thục Hán lại phải hứng chịu làn sóng tấn công dữ dội của Gia Cát Lượng mà vẫn án binh bất động, hoàn toàn thực hiện kế sách phòng thủ, không chủ động tấn công.
Trong giai đoạn Gia Cát Lượng "Lục xuất Kỳ Sơn", ngoài thực hiện việc phòng thủ bắt buộc nhằm ngăn chặn các cuộc công kích, nước Ngụy chỉ phát động một cuộc tấn công vào Thục do tướng Tào Chân dẫn đầu năm Nguỵ Quốc Thái Hòa thứ tư.
Vì vậy, một số người dựa vào đó phán đoán rằng Tào Ngụy sợ Gia Cát Lượng, không dám đối đầu với ông ta nên đã áp dụng chiến lược phòng thủ.
Lý do khiến Tào Ngụy không tấn công Thục Hán
Trên thực tế, cách suy luận này không đáng tin cậy. Trước hết, không chỉ trước khi Gia Cát Lượng sinh ra, nước Ngụy đã hiếm khi tấn công Thục Hán, mà ngay cả sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Khương Duy lên nắm quyền, nước Ngụy vẫn áp dụng chính sách phòng thủ và hiếm khi phát động các cuộc tấn công quy mô lớn vào Thục Hán.
Chỉ vào năm 263 sau Công nguyên, Tào Ngụy mới phát động một trận chiến chống lại Thục do Trung Hội và Đặng Ngải khởi xướng. Có thể thấy, bất kể Gia Cát Lượng có hiện diện hay không, thì những đối sách mà nước Ngụy áp dụng vẫn không hề thay đổi.
Ngụy quốc rõ ràng có lợi thế tuyệt đối, nhưng tại sao lại ít khi tấn công Thục Hán, một nước tương đối yếu?
Tào Ngụy về căn bản không sợ Gia Cát Lượng, ngược lại, điều này phản ánh sự cao minh của chính quyền Tào Ngụy.
"Tam quốc chí" ghi lại một sự việc như sau: Vào năm Ngụy Quốc Hoàng Sơ thứ bảy, thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ, các hoàng đế và bộ hạ của nước Ngụy đã bàn bạc về cách đối phó với cuộc tấn công của Gia Cát Lượng. Có người cho rằng Ngụy quốc binh cường mã tráng, nên đánh trả, chủ động tấn công Thục.
Bộ tướng của Ngụy là Tôn Tư lại có ý kiến khác, ông cho rằng "Thục tặc mắc kẹt trong núi đá, còn giặc Ngô thì chạy trốn nơi sông hồ". Thục Hán và Tôn Ngô dựa vào sự hiểm trở của Thục đạo và Trường Giang, dễ thủ khó công.
Nếu nước Ngụy điều binh một cách mù quáng khi thời cơ chưa chín muồi, "đường vừa hiểm trở, bày mưu dùng binh tinh nhuệ, lại thay đổi việc trấn thủ", sẽ gây ra tình trạng "thiên hạ loạn lạc, hao tổn công sức", sẽ làm kiệt quệ thực lực của Ngụy quốc, gây gánh nặng cho dân, bỏ ra nhiều sức lực mà chẳng ích gì.
Vì vậy, Tôn Tư đề nghị nước Ngụy nên phòng thủ, "chia tướng tùy theo khả năng, đủ mạnh để chặn địch mạnh, đủ tĩnh để chặn địch hiểm", một mặt sai tướng sĩ trấn giữ các nơi hiểm yếu, không cho giặc xông vào, mặt khác, nắm bắt thời cơ để khôi phục nguyên khí, phú quốc cường binh.
Trong khi đó về phía Thục Hán, Đông Ngô, vì liên tục dốc hết binh lực đi khiêu chiến nên trong nước sẽ khiến dân chúng túng thiếu. "Vài năm nữa, Trung Nguyên sẽ thịnh, hai nước Ngô Thục tự bỏ mình", đến lúc đó sẽ dễ dàng giáng một đòn chí mạng và thắng lợi một cách nhẹ nhàng.
Lời đề nghị của Tôn Tư có thể nói là sâu sắc và thấu đáo. Sự việc diễn biến đúng như dự đoán của ông, Gia Cát Lượng và Khương Duy phái quân đi Bắc phạt nhiều năm nhưng dưới sự phòng thủ chặt chẽ của nhà Ngụy, họ hầu như không thu được gì, thay vào đó thứ họ nhận được chỉ là sự thất bại, dân chúng lầm than, cuộc sống khốn khổ, đây là tự mình hại mình.
Cuối cùng, dưới cuộc tấn công cuối cùng của nhà Tào Ngụy, chính quyền Thục Hán đã hoàn toàn sụp đổ.