Sự thật về vai trò của Gia Cát Lượng trong trận Xích Bích lừng danh
Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ chép, năm 208, sau khi đánh bại tất cả phe phái cát cứ ở phía Bắc, Tào Tháo tiến quân về phía Nam nhằm tiêu diệt nốt thế lực của Lưu Biểu ở Kinh Châu và Tôn Quyền ở Giang Nam. Bấy giờ, Tào Tháo được xem là thế lực có cơ hội thống nhất Trung Hoa lớn nhất.
Trận chiến ở Kinh Châu được cho là khá dễ dàng với Tào Tháo khi Lưu Biểu (quan thứ sử Kinh Châu) chết và con trai ông là Lưu Tông nhanh chóng đầu hàng. Lưu Bị hay tin Kinh Châu thất thủ, vội rút quân từ Tân Dã (địa phận thuộc tỉnh Hà Nam ở Trung Quốc ngày nay) đến Phàn Thành và cuối cùng là Giang Lăng (2 khu vực thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay). Khi tới Đương Dương, Lưu Bị dẫn theo dân tị nạn, tốc độ hành quân chậm đi đáng kể nên bị quân Tào đuổi kịp, đánh cho tan tác.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, sau khi Lưu Bị thất bại ở Đương Dương, quân đội bị tổn thất nặng. Gia Cát Lượng khuyên ông nên liên minh cùng Tôn Quyền để cùng chống Tào Tháo. Hồi 43 Tam quốc diễn nghĩa viết, Gia Cát Lượng một mình sang Đông Ngô, thuyết phục Tôn Quyền kháng Tào.
Gia Cát Lượng phản bác tất cả ý kiến muốn đầu hàng bên Đông Ngô, lại khéo léo dùng kế nói khích, khiến Tôn Quyền nổi giận, quyết sống chết với "quốc tặc Tào Tháo".
Tuy nhiên, theo Tam quốc chí, chi tiết Gia Cát Lượng "khóa lưỡi đám hủ nho" bên Đông Ngô không hề có thật. Thực tế là trước khi Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, Tôn Quyền đã chủ động đã thiết lập liên minh với Lưu Bị.
Phần Thục chí trong Tam quốc chí chép, Tôn Quyền phái Lỗ Túc đến viếng Lưu Biểu, sẵn tiện muốn kết liên minh với Lưu Bị. Lỗ Túc gặp Lưu Bị ở Đương Dương, khuyên Lưu Bị cùng Tôn Quyền liên kết cùng chống Tào Tháo. Lưu Bị mừng lắm, sai Gia Cát Lượng cùng Lỗ Túc đến gặp Tôn Quyền, thề ước làm đồng minh.
Ngô chí chép, Bị đóng quân ở Hạ Khẩu, sai Lượng đến chỗ Tôn Quyền. Bấy giờ Tào Tháo vừa thu được quân của Lưu Biểu, thế lực rất mạnh. Người bên Đông Ngô ai nấy sợ hãi đều khuyên Quyền hàng Tào. Chỉ có Chu Du, Lỗ Túc là chủ trương chống lại, rất hợp ý Quyền. Quyền phái Chu Du, Trình Phổ làm tả hữu đô đốc, hợp quân với Bị, chống nhau với Tào Tháo ở Xích Bích.
Nhiều sử gia cho rằng, trận Xích Bích diễn ra bên bờ phía nam sông Trường Giang, thuộc khu vực giáp ranh giữa tỉnh Hồ Bắc – Hồ Nam (Trung Quốc) ngày nay.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng đã góp công lớn trong trận đánh Xích Bích bằng 2 sự kiện "thuyền cỏ mượn tên" và "mượn gió Đông Nam". Cả 2 sự kiện này đều được miêu tả hết sức ly kỳ, khiến người đọc phải trầm trồ về khả năng lập mưu tính kế, đặc biệt là am hiểu thời tiết thiên văn đến mức "sai khiến quỷ thần" của Gia Cát Lượng.
Tam quốc diễn nghĩa viết, Chu Du muốn thử tài Gia Cát Lượng, ép ông làm 10 vạn mũi tên. Gia Cát Lượng nói chỉ cần 3 ngày sẽ xong, Chu Du cho là nói khoác. Gia Cát Lượng mượn Chu Du 20 chiếc thuyền, làm rất nhiều hình nộm cỏ. Sắp đặt xong đâu đấy, ông chờ đến tối ngày thứ 3 của kỳ hạn mới cho thuyền rời bến, quả nhiên sương mù phủ kín trời.
Gia Cát Lượng cho thuyền tiến về trại thủy quân của Tào Tháo, gióng trống khua chiêng ầm ĩ. Tào Tháo sợ có mai phục, chỉ cho quân bắn tên ra ngoài. Gia Lượng cho thuyền cỏ hứng tên, đến lúc tên phủ kín các mặt thuyền thì sương mù cũng vừa tan. Ông lệnh cho quân sĩ rút lui. Chu Du kiểm tra các thuyền cỏ thì thu được hơn 10 vạn mũi tên.
Gia Cát Lượng nói: "Làm tướng mà không biết thiên văn, không giỏi địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu âm dương, không tính trận đồ, không giỏi bày binh, đó là tướng xoàng".
Trong trận Xích Bích, Gia Cát Lượng một lần nữa thể hiện mình không phải "tướng xoàng" bằng cách lập đàn cầu gió Đông Nam.
Tam quốc diễn nghĩa viết, cả Gia Cát Lượng và Chu Du đều nghĩ ra kế dùng hỏa công để đốt chiến thuyền của Tào Tháo. Nhưng để kế sách này thành công, phải có gió Đông Nam để những con thuyền chở đầy chất dẫn lửa có thể lao vào trại Tào.
Chu Du đợi mãi không có gió Đông Nam, lo lắng đến phát bệnh. Gia Cát Lượng sau đó lập đàn cầu gió, quả nhiên gió Đông Nam thổi mạnh. Trận gió Đông Nam của Gia Cát Lượng khiến hơn 80 vạn quân Tào bị lửa thiêu cho tan tác. Tài năng vị quân sư nổi tiếng nhất Tam quốc lúc này được La Quán Trung thể hiện tới đỉnh cao.
Tuy nhiên, theo Tam quốc chí, cả 2 sự kiện Gia Cát Lượng thuyền cỏ mượn tên và cầu gió Đông Nam đều không có thật.
Tam quốc chí chép, năm 217, Tào Tháo đánh Nhu Tu (khu vực được cho là thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày nay). Tôn Quyền dẫn quân chống nhau với Tào Tháo hơn một tháng. Quyền ngồi thuyền lớn đến xem trại Tào Tháo. Tào Tháo cho cung nỏ bắn loạn, tên cắm đầy thuyền Tôn Quyền. Thấy thuyền nghiêng sắp lật, Quyền cho xoay thuyền lại hứng tên rồi về.
Như vậy, "thuyền cỏ mượn tên" có thể được xem là kế nhỏ của Tôn Quyền, nhưng lại được La Quán Trung biến thành một kỳ mưu và gán cho Gia Cát Lượng. Số lượng tên thu được từ quân Tào cũng được thổi phồng lên tới hơn 10 vạn.
Theo Sohu, đa số nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay cho rằng, thất bại trong trận Xích Bích là kết quả sau những sai lầm liên tiếp từ Tào Tháo và chiến lược tấn công hiệu quả của liên quân Tôn – Lưu. Trong đó, Chu Du và Hoàng Cái (2 viên tướng của Đông Ngô) có đóng góp nổi bật nhất, vượt xa Gia Cát Lượng.
Theo Tam quốc chí, để giảm sự tròng trành của thuyền và giúp binh lính khỏi bị say sóng, Tào Tháo đã ra lệnh dùng xích sắt nối các chiến thuyền lại với nhau. Trong Tam quốc diễn nghĩa, người hiến kế này cho Tào Tháo là Bàng Thống (gián điệp của liên quân Tôn – Lưu).
Phát hiện sai lầm của Tào Tháo, Hoàng Cái hiến kế dùng hỏa công đốt chiến thuyến và được Chu Du tán thành. Không có tư liệu lịch sử nào cho thấy Gia Cát Lượng là người nghĩ ra kế sách này. Để kế hỏa công thành công, Hoàng Cái gửi thư cho Tào Tháo vờ xin hàng. Tào Tháo lập tức tin theo.
Nhờ gió Đông Nam thổi mạnh, đội thuyền "hàng binh" của Hoàng Cái nhanh chóng áp sát chiến thuyền quân Tào và đốt lửa. Trong tình trạng gió lớn và thuyền bị xích vào nhau, quân Tào không thể dập lửa và bị tổn thất nặng nề.
Theo Tam quốc chí, ngoài trận hỏa hoạn, quân Tào còn bị thiệt hại do bệnh dịch tràn lan. Trước nhiều yếu tố bất lợi, Tào Tháo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lui binh. Lưu Bị nhân cơ hội này liền chiếm Kinh Châu và nhiều quận khác thuộc phía Nam sông Trường Giang.
Về trận gió Đông Nam khiến nhiều chiến thuyền của Tào Tháo bị thiêu rụi, nhiều sử gia cho rằng, đây chỉ đơn giản là sự thay đổi của thời tiết chứ không có yếu tố siêu nhiên nào can thiệp.
Theo Tam quốc chí, trận chiến Xích Bích diễn ra vào thời điểm cuối mùa đông năm 208. Lúc này, gió lạnh từ phía Bắc thổi xuống, quân Tào đóng ở bờ Bắc sông Trường Giang, rất thuận lợi tiến về phía Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao giữa mùa đông và mùa xuân, nếu thời tiết thay đổi và gió Đông Nam thổi, quân Đông Ngô sẽ có lợi thế tiến lên.
Lợi dụng đặc điểm này, Chu Du, Hoàng Cái đã có sự tính toán, cố ý kéo dài chiến sự và chỉ phát động tấn công khi có gió Đông Nam. Không có tài liệu lịch sử nào cho thấy Gia Cát Lượng có phán đoán về trận gió Đông Nam hay lập đàn cầu gió.
Thất bại trong trận Xích Bích khiến Tào Tháo khó "nuốt trôi". Tam quốc chí viết, Chu Du phá được quân Tào, Tào Tháo nói: "Ta chẳng xấu hổ vì chạy".
Trong thư gửi cho Tôn Quyền, Tào Tháo viết: "Chiến dịch Xích Bích, gặp đúng lúc có dịch bệnh. Ta cho đốt thuyền rồi lui quân, thành ra Chu Du được cái danh hão".