Ly kỳ vụ trọng án giết người xưng công rúng động sử Việt

Google News

Nếu cứ tra trong bộ sử đồ sộ của nhà Nguyễn: Đại Nam thực lục, thì ta có thể tìm thấy vô số những vụ án từ án nhỏ đến trọng án diễn ra trong thời trị vì của các vị vua Nguyễn. 

Riêng ở đây, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một vụ trọng án, mà ở đó, những kẻ thủ ác không chỉ ỉm đi tội trạng tày trời của mình, chúng còn “vải thưa che mắt thánh” để biến tội ác ấy thành công trạng để xin ban thưởng.
Thời Nguyễn vào đời vua Minh Mạng, đã lập nên ty Tam Pháp để xử án. Cơ quan này được Michel Đức Chaigneau trong “Souvenirs de Hué” (Hồi ký Huế) giải thích là “Chính trong tòa án này được xét xử các vụ án chung thẩm còn tranh cãi hoặc những vụ án mà bản án có những xét xử khác không công nhận thẩm quyền của tòa án kia”.
Theo “Từ điển chức quan Việt Nam”, thì đây là nơi phối hợp ba cơ quan xét việc hình án là bộ Hình (Tư pháp), Đô sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (tòa Phá án) để giải quyết thỏa đáng những điều khiếu nại của nhân dân.
Tiếng trống nơi ty Tam Pháp
Theo cụ Hà Ngại thuật lại trong hồi ức “Khúc tiêu đồng”, ta được biết tại ty Tam Pháp, có để một chiếc trống, được gọi là trống đăng văn. Trống này để “ai có việc oan ức, có thể làm một lá đơn dâng lên vua rồi đội cái đơn lên đầu, lấy dùi đánh vào trống, quì xuống chờ đợi. Sẽ có một viên đội đến bắt trói người đánh trống lại; trong khi ấy, các quan họp lại, lấy đơn kêu kia tâu lên vua.
Vua ngự lãm rồi phê, giao cho ty ấy hoặc một hay hai vị đại thần nào đó tra xét”. Việc bắt trói người đánh trống, được “Theo dòng triều Nguyễn” giải thích là nhằm đề phòng những kẻ gây rối đánh trống gây náo loạn kinh thành, nên người đánh trống sẽ phải tự trói tay chân mình lại để khẳng định tiếng trống Đăng Văn ấy đúng là của mình đánh. Chính mình là nhân chứng của mình, mình phải chịu trách nhiệm về sự đúng đắn của tiếng trống ấy.
Miêu tả trên khá tương đồng với ý kiến của Michel Đức Chaigneau: “Không có gì ngăn cản bước đi và cách tiến hành, người khiếu nại không mệt mỏi của chúng ta mang theo đơn cương quyết đến tòa Tam Pháp, gặp ngay ở cửa một chiếc trống to với cái dùi, ông nắm lấy và đánh mạnh ba tiếng theo sau là những tiếng thúc nhanh hơn và chờ đợi một lát.
Một nhân viên xuất hiện với giọng hỏi nghiêm trang: “- Ông kêu gì?”. Người kia trả lời: “- Công lý” với hai tay đưa bản đơn cao ngang trán cho người này. “- Ông sẽ nhận được”, người nhân viên trả lời, nắm lấy bản cáo trạng đi ra và không nói gì hơn”.
Trống đăng văn nơi Tam Pháp ty 
Trống đăng văn được dùng để giúp cho những người oan ức, trong đó có dân thường thấp cổ bé họng mong tìm kiếm được sự công bằng ở đấng kim thượng. Cũng bởi tính chất quan trọng thế, nên vẫn theo cụ Hà Ngại cho biết: “Đó là thuộc trường hợp oan ức to lớn mới có người mạo hiểm mà làm, rất ít khi xảy ra”.
Dẫu ít xảy ra, nhưng không phải không có đâu. Mà vụ án dưới đây, tiếng trống đăng văn rõ là đã phát huy được công dụng của nó.
Giết người mạo nhận xưng công
Vụ án chúng tôi muốn đề cập tới, xảy ra vào thời vua Tự Đức, nhằm tháng 4 năm Tân Hợi (1851), được “Đại Nam thực lục” thuật lại tường tận, chi tiết. Nay, cứ theo bộ sử này mà chép lại hầu bạn đọc để không làm sai lệch đi thông tin.
Số là vào thời gian ấy, có Chưởng vệ là Phạm Trung Xích, cùng với viên Lang trung là Tôn Thất Thiều quản suất thuyền Bằng đoàn (nghĩa là chim bằng cất cánh bay) đi tuần biển. Chúng tâu lên vua rằng khi đi tuần nơi phần biển thuộc địa phận Quảng Nam Quảng Ngãi, thì gặp 3 chiếc thuyền giặc. Xích cùng với Thiều đã chỉ huy lính khai hỏa pháo, bắn chìm một chiếc, còn hai chiếc kia, một chiếc chạy trốn về phía đông, một chiếc khác bị súng lớn bắn phá.
Quân giặc nhiều tên bị thương hoặc bị tử thương không bắn lại được quân của triều đình. Biền binh bèn tiến lại giết hết khoảng 70 - 80 tên giặc, rồi bắt lấy thuyền chở về vùng Chiêm Dữ neo đậu lại. Hai viên Chưởng vệ họ Phạm và Lang trung họ Tôn đem theo những biền binh tham gia đánh giặc đắc lực để xin thưởng công.
Vua Tự Đức khi biết được việc ấy, lấy làm nghi ngờ tính xác thực của vụ việc, do đó sai quan bộ Binh tìm hiểu cho rõ sự tình. Ngoài sự nghi ngờ của vua Tự Đức dẫn tới việc phúc khám lại vụ việc, tác giả Tôn Thất Thọ trong“Theo dòng nhà Nguyễn” cung cấp thêm một thông tin rằng một tên biền binh trong số họ nhà gần phố Gia Hội, là nơi Hoa kiều tập trung nhiều. Sau chuyến đi đó, khi về nghỉ, nhân ăn nhậu cùng bạn bè, không tiền trả, cầm chiếc nhẫn cho chủ quán.
Chẳng may cho y, vợ một người mất tích nhận ra (vì mặt nhẫn có khắc tên chồng bà), bèn viết đơn vào thành đánh trống đăng văn mà chúng tôi đề cập ở trên để kêu oan. Thông tin này, tiếc là tác giả lại không cho biết nguồn dẫn từ đâu để có thể xác tín.
 
Lại nói về việc tra xét, chân tướng thực sự của vụ việc dần lộ ra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, quan bộ Binh sau khi tìm hiểu, tra vấn, thì Đội trưởng vệ Tuyển phong là bọn Trần Hựu đã phải thú nhận sự thật mà chúng che giấu. Theo lời khai của chúng, chân tướng vụ việc được phơi bày rõ ràng. Cụ thể là:
Ngày 18 tháng 4, khi thuyền đi tuần đang đậu ở cửa biển Thị Nại (nay thuộc Bình Định) thì nhận được tin báo có 3 chiếc thuyền hình dáng không quen đang xuất hiện ở địa phận biển đảo Thanh Dữ. Phạm Trung Xích liền dẫn thuyền ra tìm rồi mở pháo khai hỏa tấn công. Nhưng tuyệt nhiên mấy chiếc thuyền ấy không bắn phản công mà chỉ hướng về phía đông mà chạy xa.
Thuyền tuần đuổi theo, khi đến gần một chiếc thuyền trong số ấy và tiếp tục bắn. Mới bắn một phát thì chiếc thuyền cuốn buồm lên rồi tiến tới thuyền tuần, có 33 người trình thẻ thuyền cho đội tuần biển.
Trong số ấy, có người nói trước kia từng ngụ ở phố Thừa Thiên, có quen biết Lang trung Tôn Thất Thiều. Ấy nhưng Tôn Thất Thiều chẳng hiểu có nhớ hay không, lại cho là rằng đây là những con buôn gian lận nên lệnh bắt giữ lại rồi đem chém.
Phạm Trung Xích nghe theo lời Tôn Thất Thiều liền lệnh cho Suất đội Thủy sư Dương Cù cầm đầu một nhóm đem những người trong thuyền giết hết cả. Số nhân mạng bị chúng làm hại lên tới 76 người. Giết xong, xác ném tất xuống biển.
Vụ việc đã rõ ràng, những kẻ giết người càn bậy bị triều đình luận tội và kết án. “Đại Nam thực lục” cho biết chi tiết tội trạng và mức xử những bị can này. Theo đó bộ thần cho rằng bọn Phạm Trung Xích phạm cái tội giết càn mà còn mạo xưng là có công giết giặc, đưa sang Pháp ty tra xét.
Khi đem ra nghị xử thì “cho Thiều là thủ mưu, bắt đổi theo họ mẹ là Đặng Thiều, cùng với Phạm Xích là người đồng mưu đều xử tội lăng trì; còn vợ con cũng phải chiểu án chia đi ghép ở một nơi. Dương Cù xử tội trảm quyết. Trần Văn Hựu biết thú ra trước tình trạng việc án, cho miễn nghị”. Bản án liên quan đến mạng người, nên vua là người quyết định cuối cùng. Sau khi lời nghị án được dâng lênh, vua Tự Đức sau khi xem, đều theo cả.
Thế là Tôn Thất Thiều, Phạm Trung Xích chẳng những chẳng được thưởng công, thêm chức tước bổng lộc gì, mà thân thể còn phải chịu đau đớn, chết dần chết mòn khi từng mảnh thịt bị xẻo mà hồn chia lìa xác, tim còn phập phồng nơi lồng ngực.
Theo Trần Đình Ba/Baophapluat

>> xem thêm

Bình luận(0)