Vì sao "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”?
Trong dân gian vẫn truyền tụng câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" hay "Mùng năm, mười bốn, hai ba, Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn". Đặc biệt là vào những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, mọi người chọn ngày xuất hành nên tránh, vì không may mắn. Tuy nhiên, nguồn gốc cũng như sự đúng đắn của câu nói này thì có thể nhiều người chưa rõ.
|
Ảnh minh họa. |
Ý kiến chuyên gia phong thủy
Ông Trần Ngọc Kiệm - chuyên gia phong thủy - cho biết, sở dĩ có câu "Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3" là vì theo quan niệm dân gian, đó là ngày "Tam Nương sát". "Thượng tuần sơ Tam dữ sơ Thất (đầu tháng ngày 3, ngày 7), trung tuần Thập tam Thập bát dương (giữa tháng ngày 13, 18), hạ tuần Chấp nhị dữ Chấp thất (cuối tháng ngày 22, 27", đó là những ngày được cho là xuất hành hoặc khởi sự đều vất vả, không được việc.
Ngoài ra, người Việt Nam cũng có quan niệm cho rằng, vào những ngày đó, Ngọc Hoàng sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người. Nếu ai gặp phải sẽ bị các cô làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc... Đồng thời, đó cũng là một lời nhắc nhở con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, chịu khó học tập, cần cù làm việc.
Cũng chia sẻ trên báo Kiến Thức, lương y Vũ Quốc Trung - người đã dày công nghiên cứu và từng xuất bản sách về chủ đề này lại lý giải ở một góc độ khác. Theo ông Trung, việc chọn ngày giờ tốt đã có từ 3.000 năm nay. Từ thời xa xưa, khi cha ông ta gặp những chuyện không hay như làm nhà bị sập, gây chết người hoặc làm công việc hệ trọng như cưới hỏi, đi xa nhưng không thành đã đúc kết được rằng, vào những ngày cụ thể nào đó sẽ không tốt để làm việc lớn. Từ đó có quan niệm về ngày tốt, ngày xấu. Cứ thế, quan niệm đó truyền từ đời này qua đời khác và cho đến tận hôm nay,
Ông Trung cho rằng, số 3, 7 trong câu "Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3" chỉ là một sự ước lệ, ám chỉ những ngày lẻ. Bởi quan niệm truyền thống cho rằng, con số lẻ là những con số đơn độc, còn số chẵn mới là số có đôi có cặp. Do đó, làm việc gì cũng nên tránh sự đơn độc thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Mặc dù lý giải những ngày Tam nương, Nguyệt kỵ là xấu song các nhà nghiên cứu đều cho rằng cho đến nay vẫn chưa có ai kiểm chứng đây là những ngày xui xẻo, đó chỉ đơn thuần xuất phát từ quan niệm của dân gian.
"Bằng chứng là vào những ngày đó, các bến tàu, bến xe vẫn đông đúc, xe ô tô vẫn chạy đường dài đấy chứ? Người ta vẫn đi xa thì có sao đâu? Đôi khi có người hỏng việc vào những ngày đó rồi vin vào cớ là ngày xấu, từ đó kiêng kỵ thái quá thì không nên, vì rất có thể đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tóm lại, không thể nói là phê phán quan niệm chọn ngày tốt - xấu nhưng mọi người cũng cần có sự hiểu biết để việc chọn ngày giờ không ảnh hưởng đến công việc" (GS Ngô Đức Thịnh - Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian).
Những kiêng kỵ ngày xấu trong năm
Ở Việt Nam và một số nước Châu Á người ta kiêng “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3” (ÂL) vì đó là ngày Tam nương. Trong mỗi tháng âm lịch có 6 ngày Tam nương phải kiêng là ngày 3-7-13-18-22-27. Người ta còn làm ra các câu thơ, câu vè để cho người đời dễ nhớ là:
Mùng ba, mùng bảy tránh xa
Mười ba, mười tám cũng là không hay
Hăm hai, hăm bảy sáu ngày
Là Tam nương sát họa tai khôn lường
Dân gian còn kiêng 3 ngày Nguyệt kỵ:
Mùng năm, mười bốn, hai ba
Làm gì cũng bại, chẳng ra việc gì
Trong 3 ngày xấu đó phải kiêng những việc sau đây:
a-Mùng năm, mười bốn, hai ba
Là ngày Nguyệt kỵ chớ nên xuất hành
b-Mùng năm, mười bốn, hai ba
Đi chơi còn thiệt, nữa là đi buôn
c-Mùng năm, mười bốn, hai ba
Lấy vợ thì tránh, làm nhà thì kiêng
Kiêng số 13 (Dương lịch) ngày thứ sáu
Nhiều người (phương Đông cũng như phương Tây) rất sợ con số 13. Họ cho rằng con số 13 đem lại những chuyện không hay. Nhất là ngày 13 (DL) lại trùng với thứ sáu thì có thể xảy ra nhiều chuyện xui xẻo hơn nữa. Tuy nhiên sự trùng hợp tai hại này mỗi năm chỉ xảy ra 1 lần, hãn hữu mới có năm trùng lặp đến 2 hoặc 3 lần “Thứ sáu ngày 13”.
Do sợ con số 13 nên khi xây cao ốc (chung cư), khách sạn người ta kiêng không để phòng số 13. Theo thăm dò dư luận có đến 1/4 dân số nước Đức tin chắc rằng con số 13 đem lại chuyện “gở”.
Vậy tại sao người ta lại sợ và kiêng số 13, nhất là sợ “Thứ sáu ngày 13”? Có những sự kiện sau đây làm họ sợ:
a- Theo sự tích trong Kinh Thánh thì đức chúa Jesus họp mặt lần cuối cùng với 12 môn đồ (tức là có 13 người trong cuộc họp mặt) vào buổi tối ngày Thứ sáu. Sau đó Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây Thánh giá. Từ đó xuất hiện niềm tin là hễ cứ 13 người họp mặt thì thế nào cũng có một người gặp tai họa!
b- Các nhà khoa học và thiên văn học trên thế giới đã tính được với độ chính xác 99,7% rằng: Thứ sáu ngày 13-4-2029 sẽ là “Ngày nguy hiểm của Trái đất”, bởi có một thiên thạch khổng lồ mang tên Apophis nặng 25 triệu tấn, rộng 300-400 mét di chuyển hướng về Trái đất với tốc độ 48.000km/giờ. “Hòn đá trời” này mang một nguồn năng lượng bằng 58.000- 65.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, ở thời điểm 11 giờ 36 phút (giờ Hà Nội) ngày Thứ sáu 13-4-2029 nó sẽ cách Trái đất khoảng 30.800-32.128 km. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, Apophis va vào Trái đất sẽ hủy diệt cả một quốc gia và gây ra một trận sóng thần cao 256m…(Theo báo Tiền Phong Chủ nhật ngày 21-1- 2007).
Tuy vậy, không phải tất cả mọi người trên thế giới đều sợ Thứ sáu ngày 13. Đó là:
a- Đối với vua Louis XIII nước Pháp, thì 13 là con số đáng yêu, vì nhà vua kết hôn với Anne d’Autriche khi nàng vừa tròn 13 tuổi.
b- Đối với người Hồi giáo và người Hindou thì ngày Thứ sáu được coi là ngày may mắn, hạnh phúc nên thường tổ chức đám cưới vào ngày này.
c- Người dân vùng Emmenthol của Thụy Sĩ lại có câu nói: “Yêu nhau vào ngày Thứ sáu thì sẽ sớm lấy được nhau!”.
Như vậy những kiêng kỵ về ngày và con số như trên là theo quan niệm của từng người, từng dân tộc, từng tôn giáo; không dựa trên một cơ sở khoa học nào, nên tin hay không là tùy ở nhận thức mỗi người!