Vào những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng tranh cứ, hào kiệt khắp nơi ôm giấc mộng làm bá chủ.
Sau này, ba thế lực mạnh nhất là Ngụy của Tào Tháo, Thục Hán của Lưu Bị và Đông Ngô của Tôn Quyền đã tạo thành thế chân vạc thời Tam Quốc.
Các tập đoàn chính trị này áp chế lẫn nhau, thế lực bất phân cao thấp, mỗi vị quân chủ đều nắm trong tay nhiều mưu sĩ xuất chúng, binh hùng tướng mạnh, làm nên một giai đoạn nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
Nếu so với hai nhân vật là Tào Tháo – Lưu Bị, Tôn Quyền có một điểm "ăn đứt" hai đối thủ này, đó chính là tuổi thọ. Trong ba vị quân chủ của Ngụy – Thục – Ngô, Tôn Quyền là người sống lâu nhất.
Thế nhưng điều khiến hậu thế không khỏi thắc mắc nằm ở chỗ, nếu nói sự tồn tại của Tào – Lưu là rào cản khiến Tôn Quyền không thể nhất thống thiên hạ, vậy tại sao ngay cả khi hai nhân vật này đã qua đời, Tôn Quyền vẫn không đạt được ước vọng bá chủ của mình?
Bốn nguyên nhân khiến Tôn Quyền không thể thống nhất thiên hạ
Thực ra, trở ngại khiến Tôn Quyền không thể làm chủ thiên hạ vốn không chỉ bắt nguồn từ Tào Tháo hay Lưu Bị, mà còn xuất phát từ hàng loạt nguyên nhân dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Quân chủ khuất núi, Ngụy - Thục vẫn là hai thế lực không thể coi thường
Dù cho hai nhân vật thành lập ra tập đoàn chính trị Ngụy, Thục đã qua đời, nhưng những gì mà họ để lại vẫn là điều không dễ giải quyết.
Các con của Tào Tháo vốn không hề đơn giản, mà các mưu sĩ được Lưu Bị lưu lại để phò tá con mình đều rất lợi hại.
Hơn nữa, vào giai đoạn trước đó, Tôn Quyền không chiếm được quá nhiều ưu thế, quân đội cũng không vượt trội, nên ngay cả khi Tào Tháo và Lưu Bị đã mất, vị quân chủ này cũng không dám "làm liều".
Nguyên nhân thứ hai: Sức mạnh tổng hợp chưa đủ, thiếu chí tiến thủ
So với Tào Ngụy, sức mạnh tổng lực của Đông Ngô có phần yếu thế hơn.
Phần lớn hiền tài của tập đoàn chính trị này đều là các bộ hạ cũ từ thời Tôn Kiên, Tôn Sách, chủ yếu là nhân sĩ lưu vong vùng Giang Bắc.
Thế nhưng khi Tôn Quyền xưng đế, những người như Chu Du, Lữ Mông, Trình Phổ đều đã qua đời.
Hơn nữa, sự kiềm chế của các sĩ tộc Giang Đông cũng khiến Đông Ngô miễn cưỡng thủ thế tự vệ, thiếu chí tiến thủ.
Lại thêm vào thời Tam Quốc, trung tâm chính trị của Hoa Hạ vẫn là kinh kỳ Lạc Dương, còn khu lưu vực Trường Giang chưa có tầm ảnh hưởng quá sâu rộng.
Những mặt hạn chế này khiến thực lực của Đông Ngô ngày càng suy giảm, cuối cùng mất đi khả năng tranh đoạt thiên hạ.
Nguyên nhân thứ ba: Quân chế còn nhiều thiết sót, Tôn Quyền thiếu năng lực chỉ huy
Mặc dù Tôn Quyền là một vị quân chủ tài giỏi, nhưng có một sự thật rằng ông không phải là một thống soái quân sự ưu tú.
Từ nhỏ sống dưới sự che chở của gia tộc, Tôn Quyền hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến đấu, không giỏi lâm trận. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp tới ước vọng nhất thống thiên hạ của ông.
Trong khi đó, Tào Tháo và Lưu Bị nhiều lần phải liều mạng xông pha nơi chiến trường mới có thể tập hợp được lực lượng quân sự mạnh mẽ như vậy.
Chưa dừng lại ở đó, quân chế của Đông Ngô vẫn tồn tại nhiều thiết sót.
Không chỉ lấy thủy quân làm chủ đạo, quân chế nước này còn có lệ cha truyền con nối, khiến quân đội quốc gia bị biến thành tư binh và nằm trong sự khống chế của các đại gia tộc.
Trên thực tế, Tôn Quyền cũng nhiều lần lãnh binh, từng bắc phạt Tào Ngụy, nhưng lại vì quân đội hỗn loạn, tướng lĩnh không thống nhất với chỉ huy, từ đó dẫn đến chiến bại, đánh mất cơ hội thống nhất thiên hạ.
Nguyên nhân thứ tư: Ngoại giao còn nhiều sơ hở, để Ngụy, Thục có cơ hội củng cố phòng ngự
So với Tào Ngụy, Đông Ngô và Thục Hán là hai nước yếu thế hơn nên buộc phải liên minh cùng nhau mới có thể đối kháng cùng thế lực của Tào Tháo.
Thế nhưng trong quá trình ngoại giao này, Tôn Quyền lại có chỗ sơ hở, làm cho thế lực liên minh vẫn không khỏi đề phòng.
Vì vậy, Tào Ngụy và Thục Hán một mặt vừa tìm cách ổn định nội bộ, mặt khác lại chưa bao giờ lơi lỏng cảnh giác với Đông Ngô, nên thế lực của Tôn Quyền không "có cửa" để độc chiếm thiên hạ.
Không có được thiên hạ, Tôn Quyền vẫn "lãi" hơn Lưu Bị, Tào Tháo
Bàn luận về ba người đứng đầu của Ngụy – Thục – Ngô, có thể dễ dàng nhận thấy những vị quân chủ này đều sở hữu nhiều nét khác biệt cũng như tương đồng về mặt tính cách.
Tào Tháo nổi tiếng đa nghi, hậu thế cũng bởi vậy mà thường coi ông là người gian trá, ích kỷ. Nhưng ngoại trừ khuyết điểm này, không thể không thừa nhận rằng vị quân chủ họ Tào sở hữu vô số ưu thế vượt trội khác.
Ông thông cảm cho nỗi khổ của bách tính, coi trọng nông nghiệp, thi hành nhiều chính sách có lợi cho dân chúng, khôi phục phát triển kinh tế.
Mặt khác, Tào Tháo còn rất mực trọng dụng nhân tài, không tiếc công sức bỏ ra chiêu mộ hiền tài khắp nơi.
Bên cạnh sự ưu tú trên phương diện chính trị, quân sự, ông còn là một nhà văn, nhà thơ tài hoa. Hậu duệ của nhân vật này cũng đều là những người tài năng xuất chúng.
Nhắc tới Lưu Bị, nếu xét trên phương diện bày mưu tính kế, vị quân chủ nhà Thục Hán quả thực có phần thua kém Tào Tháo.
Nhưng bù lại, Lưu Bị nổi tiếng là người bao dung, nhân từ, đối nhân xử thế ôn hòa, nhân nghĩa hơn nhiều so với đối thủ họ Tào. Điều này cũng giúp ông lưu lại tiếng tăm tốt.
Chỉ tiếc rằng, hậu duệ của Lưu Bị bản lĩnh quá tầm thường, cho dù có Gia Cát Lượng phò tá thì vẫn không thể đạt được kỳ vọng của ông.
Về phần Tôn Quyền, người đứng đầu tập đoàn chính trị Đông Ngô cũng hiểu rõ tầm quan trọng của nhân tài trong thời buổi quần hùng tranh bá. Vì thế, thái độ ứng xử của ông đối với hiền tài cũng rất mực khiêm nhường, lễ độ.
Mặc dù không thể thực hiện ước vọng nhất thống thiên hạ, nhưng Tôn Quyền lại là người "lãi" nhất trong số ba vị quân chủ thời bấy giờ với không ít kỷ lục.
Xét về mặt tuổi thọ, ông hoàn toàn đánh bại hai đối thủ của mình. Tôn Quyền sống lâu hơn Tào Tháo tới 32 năm, cũng thọ hơn Lưu Bị 29 năm.
Năm 229, sau khi cả Tào Tháo và Lưu Bị đều đã qua đời, nhân lúc cục diện chính trị Đông Ngô đã đi vào ổn định, vị quân chủ họ Tôn này mới đăng cơ xưng đế.
Năm 252, Tôn Quyền qua đời ở tuổi 71, ông được truy phong thụy hiệu Ngô Thái tổ Đại Hoàng đế, trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Trung Hoa được gọi là "thiên cổ đại đế".
Dưới thời kỳ trị vì của ông, Đông Ngô phát triển đặc biệt mạnh mẽ trên hai phương diện kinh tế và ngoại giao.
Bàn luận về vị Đại Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc này, sử gia Trần Thọ từng đưa ra lời nhận định đầy tính tán dương: "Mưu lược, tài năng như Câu Tiễn, là người kiệt xuất".
Nhìn lại lịch sử Tam Quốc, có thể thấy cả ba nhà quân phiệt kiệt xuất lúc bấy giờ là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền đều chưa hoàn thành nghiệp lớn là thống nhất thiên hạ.
Nhưng ngay cả khi thiên hạ không thuộc về ai trong số ba người họ, thì Tam Quốc vẫn là một giai đoạn lịch sử đặc sắc của Trung Hoa, còn bản lĩnh của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền vẫn lưu lại nhiều bài học sâu sắc cho hậu thế.